Lẳng lơ thì cũng chẳng… mòn!?

06:00 | 21/02/2015

11,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong truyền thống khi bàn về vẻ đẹp người phụ nữ, dân ta thường ca ngợi nét đẹp kín đáo, dịu dàng, đằm thắm, thích những người có “duyên ngầm”. Nhưng ở thái cực kia cũng được ông cha ta dành không ít chữ nghĩa để bàn tới, ấy là sự lẳng lơ.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

Trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam có một nhân vật được coi là lẳng lơ nhất, đó là Thị Mầu - trong vở chèo nổi tiếng “Quan âm Thị Kính”. Đã có rất nhiều diễn viên mong muốn được đóng vai Thị Mầu và điều kỳ lạ là những người đóng thành công vai Thị Mầu thì đều thành công ở những vở diễn khác.

Lẳng lơ, theo định nghĩa là “có nhiều biểu hiện thiếu đứng đắn trong quan hệ tiếp xúc nam nữ” (Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học, Nxb Từ điển Bách khoa, tr 709). Về mặt cấu trúc, lẳng lơ có thể được coi là một từ láy với đơn vị gốc là “lằng”. Về từ “lẳng”, lại được định nghĩa: “Có tính chất khêu gợi ham muốn về tình dục” (sđd, tr 709). Như vậy, hiểu theo một tinh thần có hàm ý, người lẳng lơ có lẽ khó có thể là người xấu về hình thức, tức nhìn chung là phải có chút nhan sắc thì cái khêu gợi ấy nó mới hợp lý, mới được nhiều đàn ông thích và để ý. Cũng nói luôn rằng, “lẳng lơ” chắc chắn là một từ độc quyền cho nữ giới, dùng để miêu tả nữ giới, chứ không bao giờ dùng cho đàn ông. Đứng từ phạm trù đạo đức, hẳn nhiên người Việt truyền thống không bao giờ ca ngợi sự lẳng lơ, thế nhưng cha ông ta lại cũng tỏ ra khá bao dung về cái “nết” này qua những câu như: “Lẳng lơ chết cũng ra ma/Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng”, hay câu: “Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn/Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ”. Có lẽ các cụ xưa cũng có nhiều ý thông cảm, đồng thời cho chúng ta hiểu rằng, đây là một cái “nết” trời tự đặt vào mỗi người, nên nó sẽ có sự “bền vững” rất cao, không dễ gì thay đổi được dù có chịu sự tác động của dư luận: “Lẳng lơ đeo nhẫn cho chừa/Nhẫn thì rơi mất, lẳng lơ vẫn còn”.

Lẳng lơ, trong cái nhìn dân gian, thường được đặt trong thế tương phản với “chính chuyên”. Thế nhưng, có những người bên ngoài thì tỏ vẻ chính chuyên mà thực chất lại lẳng lơ gấp... mười lần người lẳng lơ. Vậy mới có câu: Chính chuyên lấy được chín chồng/Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi/Không ngờ quang đứt, lọ rơi/Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng”. Như vậy hóa ra có những sự ngụy chính chuyên và chắc rằng cũng có những sự lẳng lơ mà đàn ông không dễ gì chạm tới. Cứ như vậy mà suy thì có những người lẳng lơ mà lại không hề lẳng lơ, nghĩa là chỉ lẳng lơ bề ngoài thôi, còn muốn “đột phá thành trì” thực sự quả không hề dễ. Lẳng lơ khi ấy sẽ trở thành một biểu hiện nữ tính, một sự thể hiện bản thân đặc thù của phái đẹp, khiến phái mạnh phải quan tâm nhiều hơn đến mình. Hơn thế nữa, người “lẳng lơ” thường sẽ nổi bật giữa đám đông. Lẳng lơ có thể biểu hiện qua động tác cử chỉ, qua trang phục hoặc qua lời nói. Đương nhiên mọi thứ đều có giới hạn của nó. Người thông minh hoặc có cốt cách đoan chính thực sự, dù cử chỉ và lời nói có tỏ ra chút lơi lả, nhưng nếu đúng là chính chuyên thì vẫn chính chuyên. Và điều quan trọng là, nếu những biểu hiện lẳng lơ ấy chỉ dừng lại ở động tác, trang phục, ngôn ngữ thì ta chớ vội quy chụp về biểu hiện đạo đức.

Xã hội Việt Nam ngày nay đã có nhiều đổi thay so với truyền thống. Nhưng biểu hiện về hình thức của chị em ngày càng tân kỳ, phá cách, táo bạo, bộc lộ những cá tính mạnh mẽ, đôi khi cảm thấy rất gần với tư duy và cá tính của người phương Tây. Điều ấy dễ bộc lộ ra những điều mắt thấy tai nghe hằng ngày như một loạt phát ngôn gây sốc của nhiều nhân vật tên tuổi trong giới showbiz Việt. Chẳng hạn một bài báo đã thống kê được 10 ca sĩ Việt sẵn sàng thoát y, trong đó có thể kể tới những cái tên hàng đầu như Angela Phương Trinh, Chung Thục Quyên, Hà Anh, Ngọc Trinh, Diễm My 9x, Maya... Gần đây còn có một diễn viên không ngần ngại tuyên bố: “Tôi sẵn sàng thoát y, nếu...”. Báo chí Việt vừa chỉ trích ca sĩ Hương Tràm ăn mặc hở hang, phản cảm, nếu theo cái nhìn xưa của các cụ thì đúng là người lẳng lơ.

Ta lại bàn rộng ra thêm một chút về cái sự lẳng lơ. Tại sao không ít những ông chồng thích vợ mình lẳng lơ, tất nhiên là chỉ lẳng lơ với riêng chồng mà thôi. Chỉ cần gõ cụm từ “lẳng lơ với chồng” vào google, ngay lập tức sẽ hiện ra tên một loạt các bài báo trên các trang mạng chính thống, chẳng hạn: Không gì xấu hổ khi lẳng lơ với chồng, Học cách “lẳng lơ” để chồng yêu hơn, Chồng tôi bảo: Sao vợ không “lẳng lơ” một chút? Muốn giữ chồng, phụ nữ phải biết lẳng lơ (phunutoday.vn)... Như vậy, lẳng lơ không phải khi nào cũng là xấu. Thậm chí, lẳng lơ còn được coi là tốt, còn là một chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc, để được chồng yêu hơn, quyến rũ chồng nhiều hơn khiến đời sống vợ chồng thêm khăng khít. Vậy thì cớ gì mà chị em từ chối “lẳng lơ”?

Anh Vũ