Làng cổ phải có cây cổ thụ và giếng làng

15:24 | 04/12/2013

1,723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 8- Khóa XIV của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về Nghị quyết ban hành “Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô”.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đa dạng về loại hình, phong phú về chủng loại. Trong đó, phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô là những sản phẩm không thể tách rời trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của Hà Nội. Tuy nhiên cho đến nay, các di sản này chưa được khảo sát, thống kê, nghiên cứu, phân loại đánh giá giá trị, lập danh sách một cách tổng thể, đầy đủ và khoa học. Vì những tồn tại này mà các di sản chưa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lâu dài.

Cổng làng Đường Lâm.

Chính vì vậy, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành “Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô” để quản lý, giữ gìn, bảo tồn, phát huy và quảng bá hình ảnh của Hà Nội.

Theo ông Tô Văn Động, phố cổ là thành phần đô thị có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển của nghệ thuật kiến trúc, lịch sử văn hóa được hình thành từ 100 năm trở lên. Trên tuyến phố phải có nhiều công trình nhà cổ, di tích có giá trị. Là các phố đã được xếp hạng hoặc nằm trong khu vực được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Với các tiêu chí trên, Hà Nội hiện có 79 tuyến phố được xếp vào danh mục phố cổ.

Còn làng cổ là làng được hình thành từ 300 năm trở lên, có tên thường gọi và tên Nôm. Làng đến nay còn lưu giữ được các thành tố vật chất thuộc kiến trúc cơ bản của làng như: Cảnh quan môi trường, cây cổ thụ, cổng làng, giếng làng, đường làng, ngõ xóm, các di tích lịch sử văn hóa, nhà ở dân dụng truyền thống trong đó có nhiều nhà cổ có giá trị... Làng cổ là làng phải bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như nghề truyền thống, lễ hội với những tục hèm đặc sắc, hương ước, gia phả các dòng họ... Đặc biệt là làng phải có cấu trúc hoặc vật liệu xây dựng. Với những tiêu chí nêu trên, Hà Nội chỉ có duy nhất làng cổ Đường Lâm được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Về làng nghề truyền thống, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng, làng có nghề hình thành trên 50 năm và có giá trị sản xuất từ nghề nông thôn của làng chiếm tỷ lệ 50% trở lên với tổng giá trị sản xuất của làng. Làng có 30% hộ trên địa bàn tham gia làm nghề. Theo đó, trên địa bàn Hà Nội có 207 làng nghề truyền thống.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam.

Về biệt thự cũ, Hà Nội cho rằng, biệt thự cũ là những ngôi nhà được xây dựng trước năm 1954 và có giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị, có kiến trúc hình khối hài hòa... Với những tiêu chí trên, Hà Nội hiện có 225 nhà biệt thự cũ.

Ngoài ra, Hà Nội cũng ban hành danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan. Di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa và thể hiện bản sắc cộng đồng và không ngừng được tái tạo, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm: tiếng nói, chữ viết của dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian (sử thi, truyện cười, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, ngụ ngôn, hát ru); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu); tập quán xã hội; lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống...

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Diệu (đại biểu huyện Ứng Hòa) cho rằng, đề nghị thành phố đánh giá và xem xét toàn diện hơn nữa. Về làng cổ, có rất nhiều ngôi làng đủ tiêu chí công nhận là làng cổ nhưng không thấy đưa vào danh mục. Như vậy là không khách quan, không công bằng.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam (đại biểu quận Hai Bà Trưng) cho rằng, về làng nghề truyền thống trong tổng số hơn 200 mà thành phố mới đưa vào danh mục có 7 làng là thiếu khách quan và chưa đúng với thực tế.

Ông Nguyễn Doãn Hoàn (đại biểu huyện Thạch Thất) nhìn nhận: việc xây dựng tiêu chí làng nghề truyền thống thì thành phố cần xây dựng sao cho khách quan, công khai, toàn diện. Huyện Thạch Thất có nhiều làng nghề có từ 600-700 năm nhưng không thấy trong danh mục. 

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc