Làm sao để doanh nghiệp mặn mà với điện sinh khối?

11:09 | 10/04/2020

2,625 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khác với các nguồn năng lượng hóa thạch, năng lượng sinh khối (NLSK) sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm. Tiềm năng lớn nhưng số dự án được đầu tư và triển khai chưa nhiều, bởi thế hầu hết các nguồn NLSK vẫn chưa thể tận dụng, lãng phí thậm chí là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Tiềm năng lớn

Điện sinh khối hay biomass power là nguồn điện được tạo ra bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu sinh khối (biomass). Nguyên liệu sinh khối qua dây chuyền sản xuất điện sẽ biến đổi thành những dòng điện sinh khối phục vụ cho cuộc sống của con người.

Trong tự nhiên, sinh khối được dùng để chỉ tất cả các loại cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo, các loại thực vật hoặc những bã nông, lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ, giấy vụn hay metan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm.

lam sao de doanh nghiep man ma voi dien sinh khoi
Hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường và chất thải tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là có nguồn nguyên liệu tập trung đủ lớn cho phát điện

Khác với các nguồn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như dầu khí hay than khác, điện sinh khối là dạng năng lượng có thể tái tạo được và có trữ lượng lớn nên được đánh giá là một trong những nguồn năng lượng của tương lai.

Trên thế giới hiện nay, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14-15% tổng năng lượng tiêu thụ. Ở các nước đang phát triển, NLSK thường là nguồn năng lượng lớn nhất, chiếm 35-45% tổng cung cấp năng lượng. Mỹ là nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới với hơn hàng trăm nhà máy điện sinh học, sản xuất hàng nghìn MW điện mỗi năm. Năng lượng sinh khối ước tính có thời điểm chiếm 4% tổng năng lượng được tiêu thụ ở Mỹ và 45% năng lượng tái tạo.

Bên cạnh Mỹ thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia sản xuất điện sinh khối phát triển. Tại Hàn Quốc, chính phủ cũng đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển điện sinh khối với mục tiêu đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ đạt 11% trong đó năng lượng sinh khối là 7,12%. Trung Quốc đã cho ra Luật Năng lượng tái tạo với hàng loạt nhà máy điện sản xuất từ sinh khối với công suất lớn.

Theo thống kê, khả năng khai thác bền vững để sản xuất năng lượng sinh khối ở nước ta là khoảng 150 triệu tấn/năm. Công suất tạo ra từ nguồn sinh khối phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, rác hữu cơ đạt khoảng 400 MW. Trong đó, một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay để sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) là: trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa tại các nhà máy đường, cây trồng năng lượng như cỏ voi, rác thải sinh hoạt trong các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông - lâm - hải sản.

Số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối từ gỗ củi ở nước ta có thể đạt 14,6 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030; phế thải từ nông nghiệp có thể đạt 20,6 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030; từ rác thải đô thị đạt khoảng 1,5 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030. Trong cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tiềm năng phát triển ngành năng lượng này lớn nhất, chiếm 33,4%; kế đến là Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung với 21,8%.

Tiềm năng lớn như vậy nhưng hầu hết các nguồn NLSK của chúng ta vẫn chưa thể tận dụng, lãng phí thậm chí là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Sẽ khuyến khích nhà đầu tư

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đã đặt ra mục tiêu phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW.

Mặc dù nguồn sinh khối ở Việt Nam rất đa dạng, bao gồm: trấu, rơm rạ, bã mía, chất thải chăn nuôi... Tuy nhiên, hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường và chất thải tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là có nguồn nguyên liệu tập trung đủ lớn cho phát điện.

lam sao de doanh nghiep man ma voi dien sinh khoi
Những năm qua, nhiều công ty mía đường đã tách riêng phần sản xuất điện

Đề án phát triển ngành mía đường đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đặt mục tiêu tận dụng các phụ phẩm từ ngành mía đường để sản xuất điện nhằm tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

Những năm qua, nhiều công ty mía đường đã tách riêng phần sản xuất điện và đầu tư thêm các thiết bị lò hơi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất điện năng từ bã mía. Tuy vậy, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2019 chỉ có 175 MW điện sinh khối của 3 nhà máy mía đường phát điện lên lưới. Như vậy, điện sinh khối mới chỉ đạt khoảng 26,5% mục tiêu phát triển đến năm 2020.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 05/3/2020 về việc sửa đổi bổ sung bổ một số điều của Quyết định số 24 ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó sửa đổi quy định giá điện đối với dự án điện sinh khối.

Cụ thể, đối với giá điện sinh khối tại dự án đồng phát, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScent/kWh (quy định cũ 1.220 đồng/kWh, tương đương 5,8 UScent/kWh), tính theo tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020. Đối với các dự án điện sinh khối khác, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScent/kWh, tính theo tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Việc điều chỉnh này được đánh giá sẽ có những tác động tích cực đối với các dự án điện sinh khối đang và sẽ thực hiện tại nước ta. Tuy nhiên, theo một số chủ đầu tư dự án điện sinh khối, Chính phủ vẫn cần tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ linh hoạt hơn nữa để khuyến khích phát triển năng lượng sinh khối, trong đó có điện sinh khối đồng phát từ bã mía tại các nhà máy đường theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng như theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo bà Lê Thị Thoa - cán bộ cao cấp Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua Phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM) thuộc Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ (ESP), sở dĩ thời gian qua hầu hết các nhà máy mía đường không tha thiết đầu tư nhà máy phát điện bã mía, “điểm nghẽn” chính là ở giá bán điện lên lưới quốc gia. Theo khoản 1, Điều 14 của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg, quy định giá mua điện (FIT) áp dụng cho các dự án đồng phát từ nguồn nguyên liệu bã mía là 5,8 UScent/kWh.

Tại thời điểm năm 2014, khi tính toán giá FIT áp dụng cho dự án sinh khối đồng phát từ nguồn nguyên liệu bã mía thì hầu hết cho rằng bã mía là nguồn nguyên liệu “dư thừa” của các nhà máy đường, nên Chính phủ đưa ra giá mua điện quá thấp. Đến khi một số nhà máy đường đầu tư thiết bị sản xuất điện bã mía, tính toán ra thấy giá thành cao hơn giá mua điện, nên các nhà máy khác chưa muốn đầu tư.

So với các nước trong khu vực, giá bán điện sinh khối ở Việt Nam quá thấp. Đơn cử tại Thái Lan, nếu nhà máy điện sinh khối có công suất từ 1-3 MW thì được hưởng giá bán điện sinh khối tương đương với 17 UScent/kWh. Giá mua điện sinh khối tại Philippines tương đương với 13 UScent/kWh.

Trước thực tế trên, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg, theo bà Thoa là tín hiệu đáng mừng để khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối. Biểu giá FIT sửa đổi được tính toán dựa trên chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) được tính toán dựa trên chi phí đầu tư (CAPEX), chi phí vận hành (OPEX) và chi phí tài chính (FINEX).

"Việc điều chỉnh giá bán điện sinh khối này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mía đường phát triển và mở rộng các dự án đồng phát bã mía đồng thời việc phát điện từ các nhà máy sinh khối vào mùa khô sẽ là nguồn phát bổ sung cần thiết giúp ngành điện giải quyết được vấn đề thiếu điện", bà Thoa nói.

M.T

lam sao de doanh nghiep man ma voi dien sinh khoiĐiện sinh khối có thể bán được tới gần 2.000 đồng/kWh
lam sao de doanh nghiep man ma voi dien sinh khoiSửa đổi quy định giá điện đối với dự án điện sinh khối
lam sao de doanh nghiep man ma voi dien sinh khoiĐiện sinh khối - nguồn năng lượng tái tạo hữu ích

  • vietinbank