Điện sinh khối có thể bán được tới gần 2.000 đồng/kWh

14:31 | 13/03/2020

613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Đáng chú ý là giá mua điện được điều chỉnh lên 8,47 UScents/kWh tương đương 1.968 đồng/kWh điện, tính theo tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/3/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

dien sinh khoi co the ban duoc toi gan 2000 dongkwh
Thu hoạch mía tại Hậu Giang.

Trong đó, Điều 14 về giá điện đối với dự án điện sinh khối có những điều chỉnh đáng chú ý. Cụ thể, giá điện cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt - điện là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh; giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh, tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ. Giá mua điện nói trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đây là cơ chế giá điện cao nhất hiện nay tại Việt Nam đối với một loại năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn tại nước ta. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), những sửa đổi và điều chỉnh của Chính phủ Việt Nam đối với điện sinh khối là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối, nhằm tiến tới đạt được mục tiêu của mà Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg) đặt ra: phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW. Năm 2019, chỉ có 175 MW công suất lắp đặt của điện sinh khối được nối vào lưới điện.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ năng lượng (ESP) cho biết: “Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện. Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả, và giảm phế thải.

Năng lượng sinh khối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”.

Trong khi Việt Nam vẫn chưa giải được bài toán quy hoạch chi tiết và cụ thể về năng lượng mặt trời, để xảy ra tình trạng nhiều nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận - Bình Thuận phải ngừng hoạt động vì chưa có đường dây đấu nối, việc quyết định giá điện sinh khối một lần nữa sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhưng nếu không giải quyết nhanh nhất vấn đề truyền tải điện thì vẫn có thể dẫn đến tình trạng "lãng phí nguồn lực đầu tư.

Năm 2019, chỉ có 175 MW công suất lắp đặt của điện sinh khối được nối vào lưới điện. Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg) đặt ra mục tiêu: phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW.

Thành Công