Làm gì để phát triển kinh tế hậu đại dịch?

15:00 | 14/10/2021

210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Văn phòng Quốc hội vừa phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội”. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia về phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Làm gì để phát triển kinh tế hậu đại dịch?

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia, kinh tế trưởng BIDV: GDP năm 2021 chỉ tăng 3,5-4%

Chính sách hiện đang thiếu nhất quán, thay đổi nhanh, thay đổi nhiều nên doanh nghiệp bị động. Trong khi đó, việc sửa những bất cập chính sách chậm dẫn đến tăng chi phí, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất ở nhiều doanh nghiệp, địa phương. Đó là chưa kể nguồn thu ngân sách đang thiếu hụt lớn...

Năm 2021, dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 3,5-4%. Cụ thể, quý III dự báo âm 2%; muốn tăng trưởng 3,5% năm nay thì quý IV phải tăng 3,9%; nếu GDP cả năm tăng 4% thì quý IV phải tăng khoảng 5%.

Ngoài ra, năm 2022, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, có đủ vắc-xin thì GDP tăng khoảng 6,5-7% là khả thi. Lạm phát năm 2022 sẽ tăng 3-3,3% khi kinh tế phục hồi, sức cầu tăng, cung tiền tương đối lớn.

Làm gì để phát triển kinh tế hậu đại dịch?

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright: Chấp nhận bội chi ngân sách cao

Tác động của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tới tốc độ tăng trưởng rất rõ ràng. Nhìn vào doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, nếu như mức giảm của tháng 5 và 6 tương đối thấp thì tháng 7 giảm khoảng 20% và tháng 8 giảm tới 33%.

Nếu chúng ta không mở cửa “bán tự động” nền kinh tế, cho phép giao thương và đi lại thì nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ rất lớn. Mặc dù gói hỗ trợ tài khóa đã được ban hành nhưng quy mô còn quá nhỏ và hiệu lực thấp. Vì vậy, ưu tiên trong quý IV/2021 và sau đó là làm thế nào để giải ngân hiệu quả nhất gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ, triển khai ngay gói miễn giảm thuế, khởi động lại các dự án đầu tư công.

Năm 2022, ngân sách là vấn đề quan trọng. Tôi nghĩ Quốc hội sẽ kiên quyết trong việc chấp nhận có một gói hỗ trợ nền kinh tế và kích cầu cao hơn nhiều so với năm 2021, chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn. Trong bối cảnh bất thường cần có một quyết tâm bất thường, đó là chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn, tập trung vào những dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long...

Làm gì để phát triển kinh tế hậu đại dịch?
Làm gì để phát triển kinh tế hậu đại dịch?

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng,Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Cần xây dựng chương trình tổng thể

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách.

Giai đoạn 1 (đến quý I/2022): Ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết năm 2023): Sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu nền kinh tế, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau năm 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu; khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước (kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn...) để tạo thêm không gian kinh tế

trong nước.

Làm gì để phát triển kinh tế hậu đại dịch?

Ông Jacques Morisset - đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Nâng cao hiệu lực của chính sách

Có 4 đề xuất với tình hình ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trước hết, vẫn tiếp tục xác định tiêm chủng vắc-xin (song song với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch, cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Thứ hai, hạn chế đi lại sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế. Bởi mọi người đều có thể làm lây nhiễm Covid-19 ngay cả khi đã được tiêm chủng vắc-xin nên chưa thể bỏ việc hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, thay vì cách ly theo quy mô rộng, các địa phương cần thực hiện cách ly có mục tiêu để vừa chỉ bỏ ra chi phí phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu chặn đứt các vòng lây của Covid-19.

Thứ ba, cần thực hiện giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển. Đồng thời, cần đơn giản hóa, điều phối các quy trình, kiểm soát khu vực biên giới và có thời gian đủ để xử lý các thủ tục hành chính trước khi chấp thuận cho du khách quốc tế vào Việt Nam.

Thứ tư, phải thực thi hiệu quả các giải pháp được Quốc hội, Chính phủ xác định, cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Rút kinh nghiệm từ kết quả phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế giữa các địa phương để xác định cách thức thực thi hiệu quả các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, từ đó giúp Việt Nam có thể đi vào trạng thái bình thường mới bền vững.

Trong bối cảnh bất thường đó cần có một quyết tâm bất thường, đó là chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn, tập trung vào những dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long...

Xuân Phương

Giá năng lượng tăng cao đe dọa sự phục hồi kinh tế và làm tăng trưởng chậm lạiGiá năng lượng tăng cao đe dọa sự phục hồi kinh tế và làm tăng trưởng chậm lại
Tin tức kinh tế ngày 13/10: WB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt NamTin tức kinh tế ngày 13/10: WB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam
Agribank “sát cánh chung vai” cùng doanh nghiệp, doanh nhân khôi phục, phát triển nền kinh tế đất nướcAgribank “sát cánh chung vai” cùng doanh nghiệp, doanh nhân khôi phục, phát triển nền kinh tế đất nước

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc