Phát triển điện mặt trời

Làm chủ công nghệ - Chìa khoá thành công

08:54 | 21/04/2020

1,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian qua, điện mặt trời phát triển khá “nóng” ở nước ta, cần có những điều chỉnh về chính sách, có những bước đi vững chắc để làm chủ công nghệ. 

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời (ĐMT) với tổng số giờ nắng khoảng 1.600-2.700 giờ/năm, bức xạ mặt trời bình quân hằng năm khoảng 4-5 kWh/m2/ngày và ước tính có đến 24.000 mái nhà có thể lắp đặt ĐMT áp mái... Trước đây, vì còn vướng về chính sách, nhân lực và công nghệ, ĐMT ở nước ta đi sau các nước trên thế giới 10-50 năm. Do vậy, khi thị trường ĐMT bùng nổ trong nước vài năm gần đây, đa số doanh nghiệp Việt vấp phải sự cạnh tranh khá lớn từ các đối thủ nước ngoài do thiếu đầu tư theo chiều sâu trước đó.

lam chu cong nghe chia khoa thanh cong
DMT áp mái đang phát triển ở nước ta

Ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn SolarBK, cho rằng, phải có những công ty công nghệ đậm chất Việt Nam về ĐMT chứ không đơn thuần là chỉ đi mua sản phẩm về lắp đặt. Nếu chưa làm chủ được công nghệ, chưa tạo ra những giá trị đích thực là của Việt Nam và chưa cạnh tranh được với nước ngoài, thì ĐMT chưa thật sự thành công.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐMT cần có chiến lược dài hạn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tạo ra những sản phẩm pin mặt trời “made in Vietnam” cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Rất cần sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp Việt, cùng hợp tác về công nghệ và sản xuất, từng bước đưa Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu về pin mặt trời. Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo thế chủ động ngay trên sân nhà.

Ông Nguyễn Dương Tuấn nhận xét, hiện nay giữa đào tạo ở trường học và nhu cầu của doanh nghiệp luôn có khoảng cách, do đó rất cần sự chung tay của doanh nghiệp để làm cầu nối giúp sinh viên được cọ xát thực tế, thông qua thực tập và đào tạo các kỹ năng làm việc, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp phát triển thêm các khu trải nghiệm, giới thiệu công nghệ mới cho sinh viên, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, để đưa ra thị trường những sản phẩm pin mặt trời “made in Vietnam” đạt chuẩn quốc tế; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh ĐMT ở nước ta ngày càng trở nên hấp dẫn dưới tác động của chính sách bán điện dư đã được hoàn thiện, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam phải tạo thế chủ động ngay trên sân nhà về công nghệ và nhân lực trong lĩnh vực ĐMT để nâng cao giá trị gia tăng, ghi tên trong top những “ngôi sao” mới nổi trên thế giới về công nghệ và pin mặt trời

Mai Phương