Lại về Lim ăn Tết mới

16:50 | 11/02/2014

832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làng quê vào xuân ngày rộng tháng dài, nhất lại là Bắc Ninh trù phú, Hội Lim vào 12, 13 tháng Giêng nên làng Lim và các làng khác trong tổng Nội Duệ xưa cùng chung nhau làm nên ngày hội lớn của vùng, phải đến qua Rằm mới hết tết.

Năng lượng Mới số 295

Vừa sau mấy ngày tết, trước Hội Lim ít hôm, nghệ nhân Nguyễn Năng Địch gọi điện, gửi lời chúc đầu xuân, hỏi thăm sức khỏe gia đình, rồi mời thầy trò bạn bè về trảy hội, cũng là ăn cái tết nữa với gia đình.

Làng quê vào xuân ngày rộng tháng dài, nhất lại là Bắc Ninh trù phú, Hội Lim vào 12, 13 tháng Giêng nên làng Lim và các làng khác trong tổng Nội Duệ xưa cùng chung nhau làm nên ngày hội lớn của vùng, phải đến qua Rằm mới hết tết. Bởi thế, đi từ Hà Nội mà không khí tết nhất đã dịu lắng để trường sở, hàng họ bắt đầu vào công việc thường nhật, về Lim chơi xuân những ngày hội đông, sẽ thấy như mình được ăn lại một cái tết, nhưng là ở tâm thế khác. Tết ở nhà, về quê hương bản quán, đi thăm nom, chúc tụng họ mạc, cơ quan, có nhiều tính nghi lễ, giao đãi. Tết ở miền quan họ, như là tết của rong chơi, tết của trải nghiệm. Mỗi năm một lần như thế thôi, lại đi vào miền đất “không thường trú” của mình, nên sẽ luôn thấy tươi, thấy mới. Nghĩ đến việc đi dù chưa có cuộc điện thoại nào gọi mời, giục giã, đã lại thấy náo nức, mặc dù biết sẽ có nhiều những người cũ, cảnh cũ, việc cũ gặp lại.

Các liền chị têm trầu bên đình Lim

Thì vẫn đấy thôi, những liền anh liền chị hát ở trên mặt nước, trên lưng đồi, trong ngõ làng… mà đi từ đầu mạn cầu Nội Duệ lại đã nghe văng vẳng, rồi tiếng hát cứ thế qua những đoạn đường Lộ Bao, Duệ Khánh, Duệ Nam, Duệ Đông, Lũng Giang, Lũng Sơn… từ xa đến gần, nối vòng quanh khu trung tâm hội lễ, đan quyện vào nhau, vào người đi đường, như chăng tơ, không ai là không vương phải. Làng nào cũng có người hát, nhóm hát quan họ, bây giờ thường là những câu lạc bộ, của người cao tuổi, của lớp trung niên, của thanh niên và cả măng non. Có làng còn mời quan họ chuyên nghiệp từ đơn vị nghệ thuật, từ trung tâm văn hóa, từ trường nghệ thuật về góp vui. Bởi thế, tiếng hát ngọt ngào, thanh thoát có, tiếng hát… “vừa vừa” do tuổi tác và do hạn chế của giọng cũng có, lúc lắng trong và cả lúc ồn ào giữa vô vàn tạp âm. Khiến gợi nên những suy ngẫm vừa hân hoan, vừa có khi pha cả chút bùi ngùi khi thấy câu hát còn trẻ mãi mà tuổi người chơi quan họ có kéo dài thanh xuân được mãi bao giờ.

Và vẫn Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch người làng Lim, ở nhà ăn mặc hơi xuềnh xoàng, ra ngoài áo khăn tề chỉnh hoặc complet cả cây, hoặc khăn xếp áo the, trong lụa đỏ bóng bẩy, ngoài một lớp vải thâm đen mỏng cho màu nó trầm đi, trông thật sang. Miệng bỏm bẻm thơm mùi trầu, nghệ nhân có tiếng dành cho khách từ xa đến cảm giác như trong cả năm ròng trước đó, bác vẫn thường ngóng chờ. Bánh chưng đã luộc mới, đào dăm đã cắm lọ trên ban thờ, hương, oản, quả, bánh… xếp sặc sỡ đầy mặt tủ để dâng các cụ, tiếng chặt, thái canh cách trong sân, lại như năm trước, dốc những nắm chè sen tự tay ướp vào chiếc ấm nhỏ, bác ngồi thong thả kể câu chuyện nghe quen nhưng chưa cũ, về thời điểm sau những năm dài nhạt bóng, câu hát còn nguyên vẻ thanh tân đằm thắm trở lại với người vùng Lim, mà gia đình bác từ bà cụ thân sinh là nghệ nhân quan họ kỳ cựu, có đóng góp lớn. Cùng với cuộc trở về của hội lễ truyền thống, là ngôi đình Lim được xây dựng lại ven đường 1A cũ, trên nền đất năm xưa, khi khởi sự công trình ấy, không khỏi đã có những bất đồng gây căng thẳng. Như lời bác Địch kể thì dạo đó chưa hiểu rõ nguyện vọng của dân, chưa thấy sự cần thiết và ý nghĩa của việc dựng lại ngôi đình trên nền xưa cũ, địa phương đã không đồng ý, thậm chí còn cản trở, gây áp lực. Nhưng bà con một lòng thiết tha, cộng với sự khéo léo và có cả sự góp sức của một số người làm công tác nghiên cứu văn hóa, sau một quãng thời gian tưởng như ai nấy đều nén cả hơi thở lại, cuối cùng việc cũng đã thành, đất đã được giữ, đình được khởi công và hoàn thành, bề thế, khang trang như ngày nay. Thì sự phục hưng của văn hóa có khi nào cũng chỉ toàn thấy yên ả thôi đâu!

Đội quan họ thiếu nhi

Trong ngôi đình Lim giờ mọi chuyện đã từ lâu đi vào quy củ ấy, các cụ bà ngồi têm trầu trên chiếc chiếu rải ở gian bên. Hàng chục năm rồi, cứ ngày hội về lại thấy gần như nguyên cảnh ấy, bình lặng, cần mẫn, trong mùi hương thơm ngát và khói hương lượn bay, tỏa lan từ những bát hương lớn trên ban thờ gian giữa. Và cuộc hát quan họ của các liền anh liền chị trung niên làng Lim với quan họ từ làng Diềm xuống, dưới mái lán nhỏ ở một góc sân đình. Từ mở màn cho đến hết hội, với bộ loa đài ấy, chỉ để tăng âm lên cho rõ hơn giữa hội đông ồn ã thôi, các cô bác, anh chị ấy hát theo lối cổ, không nhạc, cứ lần lượt, tuần tự, từng đôi một cất giọng rồi lại nhún nhường, lịch sự ngồi xuống lắng nghe người khác. Bạn hữu về chơi, người đi qua, tự tin vào giọng mình, muốn tham dự đều được đón chào. Một nhóm các bà các cô, tầm tầm đã có cháu, áo khăn đi hội tươi tắn, tề chỉnh, ngồi têm trầu cánh phượng trước một bàn ngập những trầu, cau, vôi, vỏ. Năm nào cũng thế, phố xá ngày hội xe cộ ngược xuôi, chật chội, ùn tắc, người đi người lại tấp nập, nào chơi, nào mua, nào tiêu pha ăn uống, góc sân đình ấy với cuộc hát trung niên, lúc nào cũng thong thả, điềm đạm.

Và năm nào cũng như gặp lại cuộc hát vào đêm 12 tháng Giêng tại nhà một người em trai của Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch, đó là ông Sáo, hay ông Trọng, cả hai ông ăn nên làm ra, nhà có xưởng ở ngoài rìa làng, trông thẳng ra mặt quốc lộ. Làm ăn khấm khá nên thường làm cơm, nấu cỗ mời khách về chơi, mời quan họ về ca, đó cũng là nét thường thấy ở các gia đình nơi này. Các liền anh liền chị Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải, Xuân Trường, Thanh Xuân thường được mời từ trên Bắc Ninh xuống, vốn là người thân quen, có kết giao từ lâu. Gọi là cuộc hát, vì nhiều người đã rõ rằng khó lắm để tìm được, tổ chức được những canh hát theo lề lối cổ truyền, giữa các bọn quan họ kết chạ. Nhưng là cuộc hát, một cách có phần tự do, có phần ngẫu hứng và giản lược để co kéo theo thời gian thưởng lãm của chủ, của khách, với những giọng hát có kỹ thuật, những người chơi có tâm hồn, có cả sự thành tâm trước câu hát, trước cái “nghiệp chơi” của mình, như thế đã rất đầm ấm và mở đường cho sự thăng hoa lắm rồi! Cái tên của các nghệ sĩ - liền anh liền chị vừa kể trên, là sự đảm bảo cho những cuộc hát mê say như thế! Có năm sau bữa cỗ chiều, hát đến 10 giờ tối, có năm đến 12 giờ đêm, có năm hát sang mấy giờ sáng, chén trà, ly rượu râm ran rồi mới quyến luyến ai về nhà nấy. Có năm khách thân quen lại theo về chơi nhà các liền anh liền chị Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải, rồi lại hát nữa, đến gần sáng. Bên bàn trà bánh với ly rượu nhỏ, cùng với câu hát, tiếng đàn, những câu chuyện quan họ, chuyện đời nghệ sĩ, chuyện nhân thế cứ nối tiếp, kéo dài bao nỗi niềm. 

Chỉ thương liền anh Thanh Xuân đã theo mây gió xa vời dăm năm nay rồi, khiến ông anh ruột - Xuân Trường - liền anh Đọ Xá tiếng tăm, cứ thở ngắn than dài không có người hợp giọng để hát đôi với mình cho nó hay như ngày xưa nữa. Giọng hát anh Hai Xuân Trường ở cái tuổi sắp “cặp kè đầu bẩy”, mỗi kỳ xuân hội lại như bâng khuâng.   

Nguyễn Quang Hưng