Lãi suất điều hành tiếp tục giảm có “cứu” được doanh nghiệp?

11:00 | 13/05/2020

486 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong vòng chưa đầy hai tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 2. Điều này cho thấy sự quyết liệt của NHNN trong việc tìm giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, DN vẫn lo lắng về tính thanh khoản hơn là lãi suất.

Đại dịch Covid-19 đã gây “bão” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các DN. Hàng chục nghìn DN đứng trước nguy ngừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hàng hóa ứ đọng khó tiêu thụ, sản xuất đình trệ vì thế DN phải chịu áp lực khi không có vốn để duy trì hoạt động, trả lương nhân viên.

Tháng 4 chứng kiến bức tranh kinh tế ảm đạm với số DN thành lập mới giảm 46,9% và vốn đăng ký giảm 43,8%. Tính chung 4 tháng đầu năm, số DN mới giảm 13,2% và số DN ngừng kinh doanh tăng vọt 33,6%.

lai suat dieu hanh tiep tuc giam co cuu duoc doanh nghiep
Doanh nghiệp cần được khơi thông nguồn vốn

Mới đây, tại Hội nghị Thủ tướng với DN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Đồng thời, Thống đốc cũng cho hay thời gian tới, NHNN sẽ xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành như tái cấp vốn, chiết khấu, lãi suất thị trường mở, cũng như một số lãi suất khác.

Đúng như "lời hứa" của Thống đốc Lê Minh Hưng, hôm nay, ngày 13/5 nhiều lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm mạnh.

Theo NHNN, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 và Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 13/5/2020.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của QTDND và TCTCVM đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Như vậy đây là lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 liên tiếp trong vòng chưa đầy 2 tháng. Trước đó ngày 17/3 NHNN cũng đã giảm mạnh các mức lãi suất, tối đa lên đến 1 điểm phần trăm.

Trong lần điều chỉnh lãi suất điều hành thứ nhất của NHNN, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, việc điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp, song khó khăn thực sự đối với DN hiện nay lãi suất không phải là vấn đề DN quan tâm nhất. Bởi khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh, DN là dòng tiền và tính thanh khoản.

Mặt khác, việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường. Trong khi lúc này, vấn đề của nền kinh tế và DN không phải xuất phát từ thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa dịch vụ, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến cả nguồn cung và nguồn cầu của các DN trong nước. Do đó, việc giảm lãi suất không hỗ trợ được nhiều đối với DN trong lúc này, mà cần tập trung hỗ trợ thanh khoản cho DN.

Để hỗ trợ thanh khoản cho DN, cần phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Theo đó, nhiều DN hiện nay có thể khó tiếp cận vốn ngân hàng do phía ngân hàng rất cẩn trọng với nợ xấu, song với sự bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng DN có thể được vay vốn. Như vậy, thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng, các DN đang gặp khó khăn về thanh khoản có thể được hỗ trợ một cách trực tiếp. Tất nhiên, để có thể hỗ trợ được đông đảo DN thì quỹ bảo lãnh tín dụng cũng cần phải được gia tăng nguồn vốn.

Tính đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã dần ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu hồi phục, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân cũng đã dần trở lại bình thường. Cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn của ngân hàng, hy vọng doanh nghiệp sẽ sớm tìm được hướng đi mới để tiếp tục tồn tại và phát triển.

M.T

lai suat dieu hanh tiep tuc giam co cuu duoc doanh nghiepNgân hàng có nên nới lỏng các điều kiện cho vay?
lai suat dieu hanh tiep tuc giam co cuu duoc doanh nghiepTăng quy mô gói hỗ trợ tín dụng, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh
lai suat dieu hanh tiep tuc giam co cuu duoc doanh nghiepCung cầu đều giảm, doanh nghiệp không mấy hào hứng với lãi suất ưu đãi