Cung cầu đều giảm, doanh nghiệp không mấy hào hứng với lãi suất ưu đãi

14:40 | 19/04/2020

386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có ý kiến cho rằng, lãi suất hiện không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sút giảm.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và cả ở trong nước khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp bị đình trệ, điêu đứng trong suốt cả quý I/2020. Trước tình hình đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, hàng loạt gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng tung ra.

Theo nhận định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, lợi nhuận năm 2020 của 4 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank giảm ít nhất 40% khi các ngân hàng này cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp.

cung cau deu giam doanh nghiep khong may hao hung voi lai suat uu dai
Hàng loạt doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Với khối ngân hàng tư nhân, lãi suất cho vay đã được giảm từ 0,5 - 4,5%/năm đối với các khoản cho vay hiện hữu và vay mới từ ngày 1/4/2020 cho nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 theo Chỉ thị 02/CT-NHNN.

Tuy nhiên, điều đáng nói là dù nhiều gói hỗ trợ lãi suất được tung ra nhưng tiến độ giải ngân vốn của các ngân hàng không như kỳ vọng, do cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh rất thấp.

Thông tin từ NHNN cho hay, tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%. Trước đó, theo số liệu cũng từ NHNN thì tín dụng 3 tháng đầu năm tăng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4, tín dụng sụt giảm 0,5%.

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, trong bối cảnh này, doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. Bốn ngân hàng TMCP quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được.

Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thu Minh, phó giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, kho vận tại Hà Nội chia sẻ, công ty thường năm vào quý I có nhu cầu vay vốn rất lớn vì cần tiền để nhập hàng từ một số nước châu Á và châu Âu. Trước đây chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nay nhiều nước trong khối EU, Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới việc các quốc gia này hạn chế hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu. “Hiện hoạt động của công ty gần như đóng băng vì vậy chúng tôi đang lo đến những khoản nợ và lãi phải trả chứ chưa có nhu cầu vay thêm vốn mới” – chị Minh cho biết.

Cùng chung suy nghĩ của chị Minh, giám đốc công ty chuyên về các loại cửa gỗ xuất khẩu ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông cũng cho hay, thị trường nhập khẩu của công ty chủ yếu từ Trung Quốc. Thời gian trước cửa khẩu giao thương với Trung Quốc bị đóng, hoạt động sản xuất tại thị trường này bị ngưng trệ do dịch bệnh. Hiện nay, thị trường Trung Quốc đã hoạt động trở lại nhưng trong nước lại đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội do đó hoạt động mua bán của công ty vẫn phải tạm ngừng.

“Mặc dù nhân viên ngân hàng có gọi điện tư vấn cho chúng tôi về gói vay lãi suất ưu đãi nhưng hiện thì mọi kế hoạch kinh doanh vạch ra từ đầu năm gần như bị phá vỡ nên chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch dồn vốn cho các hoạt động sắp tới. Năm nay thực sự sẽ là một năm hết sức khó khăn với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng lớn chịu thiệt hại càng cao” – vị giám đốc chia sẻ.

Hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội do dịch bệnh, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp đang phải tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. Thực tế hiện nay, lãi suất không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sút giảm.

Các chuyên gia tài chính cũng đánh giá, thời điểm hiện nay, việc hạ lãi suất hay "bơm" nguồn tín dụng ưu đãi cũng không hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp, bởi khó khăn hiện tại của doanh nghiệp không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.

Cụ thể, khi quy mô hoạt động của doanh nghiệp không mở rộng, thậm chí bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu vay vốn sẽ ít đi nên tăng trưởng tín dụng theo đó cũng giảm theo.

Nhận định về vấn đề trên, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng cho rằng, Covid-19 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, cả năm khoảng 9-11%.

M.T

cung cau deu giam doanh nghiep khong may hao hung voi lai suat uu daiẢnh hưởng dịch bệnh, tín dụng tiêu dùng có dễ trở thành nợ xấu?
cung cau deu giam doanh nghiep khong may hao hung voi lai suat uu daiÔng Trần Hoàng Ngân: ‘Nên rót vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng cứu doanh nghiệp’
cung cau deu giam doanh nghiep khong may hao hung voi lai suat uu daiNgân hàng đồng hành với khó khăn của nhiều doanh nghiệp lớn và rất lớn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps