LA trong LA ĐÁ là gì?

07:00 | 08/09/2014

|
(PetroTimes) - Bạn đọc: Bài “Chữ BỤT của Sư ông Thích Nhất Hạnh” trên Báo Năng lượng Mới số 348 có nhắc đến “Vịnh Vân Yên tự phú” của Thiền sư Huyền Quang. Tôi đã tò mò tìm đọc bài này trên mạng (Huệ Chi phiên âm từ chữ Nôm - thivien.net) thì thấy Thiền sư đã dùng hai tiếng “la đá” ở hai câu “La đá tầng thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn” và “Voi la đá tính từ chẳng đố”. Tôi nghĩ rằng đó là “đá” nhưng nếu thế thì âm “la” đứng trước có nghĩa là gì, xin ông An Chi giải đáp giúp. Xin cảm ơn. Minh Tâm (cư sĩ Hà Nội)

Năng lượng Mới số 354

Học giả An Chi: Trong thời gian đầu, âm  tiết thứ nhất được phiên thành “là” nhưng dù là “là đá” hay “la đá” thì đó đều là hình thái song tiết cổ của từ “đá” hiện nay. Trở xuống, chúng tôi xin dùng “la đá” (khi nói về ý kiến riêng)  theo xu hướng được xem là hợp lý hơn. Cũng có tác giả không thừa nhận đó là hình thái song tiết (của một từ) mà là hai từ riêng biệt và cho đến nay, có lẽ người duy nhất kiên quyết duy trì ý kiến này là ông Nguyễn Quảng Tuân. Tác giả này đã có bài “Là đá không phải là từ cổ song tiết” trong đó ông đưa ra rất nhiều dẫn chứng để khẳng định ý kiến của mình (Xem Thông tin Khoa học và Công nghệ, Huế, số 2(24),1999, tr.101-109). Nhưng thực ra thì ý kiến của ông Nguyễn Quảng Tuân không đứng vững được vì ông không lập luận theo kiến thức ngữ học cần thiết.

Cuối bài, ông đã khẳng định ba điều: 1. Chữ 石 (thạch) mà người Trung Hoa đời Minh phiên theo cách đọc của họ hồi đó là 喇大 (lă tá) […] Vậy thạch phải được phiên là lă tá theo âm đọc của người Trung Hoa đời Minh và phải coi lă là một tiểu từ chỉ loại (tuy không đúng loại) để dịch là hòn đá. 2. Từ là đá không phải là một từ cổ tiền thân cùa đá vì trong thơ văn cổ từ thế kỷ XV như “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi và “Hồng Đức quốc âm thi tập” đều không có từ là đá với hình thức song tiết mà chỉ có từ đá. 3. Từ là đá trong “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” cũng không phải là từ cổ song tiết vì chỉ là động từ để giải nghĩa mà thôi.

Học giả An Chi

Ngay ở điểm 1, ông Nguyễn Quảng Tuân cũng đã không hiểu thể thức thực hiện quyển “An Nam dịch ngữ” rồi. Đây là một quyển tiểu tự vựng mà mục đích là giới thiệu từ ngữ của tiếng Việt (An Nam) tương ứng với từ của tiếng Hán đứng làm đầu mục. Ở trường hợp đang xét, thì [石] là từ của tiếng Hán đứng làm đầu mục còn [喇大] là hai chữ Hán mà tác giả chọn để ghi âm từ của tiếng Việt tương ứng với từ “thach” [石] của tiếng Hán. Nhưng cách diễn đạt của ông Nguyễn Quảng Tuân cho thấy ông ngỡ rằng [喇大] là hai chữ dùng để phiên âm chính chữ [石] “thạch” của Tàu! Thế thì còn đâu là “An Nam dịch ngữ”!

Ở điểm 2, ông Nguyễn Quảng Tuân cũng sai khi khẳng định rằng, “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi và “Hồng Đức quốc âm thi tập” đều không có từ  là đá với hình thức song tiết. Nhưng chính những dẫn chứng của ông tự nó đã là phản dẫn chứng. Ông viết:

“Chữ “đá” lại còn thấy trong ba bài thơ khác của Nguyễn Trãi mà Trần Xuân Ngọc Lan và Vương Lộc cho là từ song tiết “là đá”:

“Dấu người đi là đá mòn

Đường hoa vương vất trúc luồn (Ngôn chí - XX)

“Cội cây là đá lấy làm nhà,

Lân các ai hầu mạc đến ta (Thuật hứng - IX)

“Chỉnh vàng chẳng tiếc, danh thì tiếc,

Là đá hay mòn, nghĩa chẳng mòn” (Tự thán – XVII)

  (Bđd, tr.105-6)

Thực ra, trong ba dẫn chứng trên, “là đá” chỉ là một từ và hiển nhiên là từ song tiết. Ông Nguyễn Quảng Tuân thì cho rằng, ở đây, “là” là “một động từ đặc biệt dùng để giải thích”. Ông còn viết thêm: “Chữ “là đá” (…), Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh đều không cho là từ cổ song tiết nên đã không có nhận xét gì.” Xin thưa rằng, ở thời của ba vị này thì họ chưa có điều kiện thừa hưởng kết quả nghiên cứu của nhiều năm về sau nên không thể quan niệm đây là một từ song tiết. Còn ông Nguyễn Quảng Tuân thì giảng rằng “cội cây là đá lấy làm nhà” là “cây già gỗ cứng như là đá nên có thể lấy để làm nhà” (Bđd, tr.106). Một cách hiểu như thế đã làm tan biến hết cái phong cảnh và cái không khí “Thiên thai - Vị thủy” của cả bài thơ! Xin hãy đọc lại cả bài:

“Cội cây là đá lấy làm nhà,

Lân các ai hầu mạc đến ta.

Non lạ nước thanh làm dấu,

Đất phàm cõi tục cách xa.

Thiên thai hái thuốc duyên gặp,

Vị thủy gieo câu tuổi già.

Cốt lãnh hồn thanh chăng khứng hóa,

Âu còn nợ chúa cùng cha”.

Chơi được “cây già gỗ cứng như là đá” (phải là  cây nhiều năm tuổi lắm!) thì đã thuộc hàng phú gia, quý tộc rồi. Chứ ông Nguyễn Trãi đã muốn cách xa cõi tục đất phàm, khoái đến nơi non lạ nước thanh để hái thuốc (chốn Thiên Thai) và gieo câu (bờ Vị Thủy) thì cất nhà bằng “gỗ cứng như đá” để làm gì! Ông ta chỉ cần tựa lưng vào cội cây (= gốc cây) nghĩ mệt và ngả lưng trên “là đá” (= đá tảng) mà ngủ là được rồi. Chủ đề của bài thơ là như thế mà lại giảng theo kiểu ông Nguyễn Quảng Tuân, nếu ông Nguyễn Trãi nghe được thì chắc sẽ buồn lắm!

Ở điểm 3, ông Nguyễn Quảng Tuân cũng không đúng. Ông đã ngụy biện khi viết: “Chúng tôi xin trích ra đây mấy câu thơ có chữ “là đá” trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” nhưng trong 5 câu thơ ông dẫn ra thì 4 câu trước chỉ có “là” mà không có “đá”! (Xin x. bđd, tr.106).

Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Quảng Tuân về âm “là” trong “là đá”. Với kiểu lập luận như trên, ông sẽ tuyệt đối không bao giờ giải thích được sự có mặt của âm tiết “là” trong cấu trúc “là đá lựu” mà “An Nam dịch ngữ” đã dùng để đối dịch “thạch lựu” [石榴] của tiếng Hán. Trong trường hợp này mà vẫn nói rằng “là” là một động từ dùng để giải thích thì đó chỉ là lý sự cùn mà thôi.

Còn bây giờ người ta đã công nhận hai tiếng đó là “la đá”. Cách đây 13 năm, trả lời bạn đọc trên “Kiến thức Ngày nay” số 374 (1-1-2001), chúng tôi cũng đã lập luận trên cơ sở của hai tiếng “la đá”. Với âm “la” này thì những ý kiến kia của ông Nguyễn Quảng Tuân hoàn toàn không có giá trị, trừ phi ông bác bỏ âm “la” bằng lập luận đủ sức thuyết phục. Ấy là nói như thế chứ làm sao bác bỏ được, ngay cả với âm “là”. Như đã nói ngay từ đầu, dù là “là đá” hay “la đá” thì đó đều là hình thái song tiết (hai âm tiết) cổ của từ “đá” hiện nay. Hai âm tiết của từ cổ duy nhất đó vẫn còn được phản ánh đầy đủ ở những từ cùng gốc trong các ngôn ngữ thân thuộc của tiểu chi Việt - Chứt, ngành Môn - Khmer, họ Nam Á, như:

- lata2 (Mày - Rục);

- ate2 (Arem);

- tata2 (Mã Liềng);

- tata2 (Sách).

(Theo Nguyễn Văn Tài, “Thử bàn về vị trí của tiếng Chứt, tiếng Cuối trong nhóm Việt - Mường”,

Dân tộc học, số 2, 1976, tr.64).

Dĩ nhiên là ông Nguyễn Quảng Tuân sẽ không bao giờ bác bỏ được những âm tiết thứ nhất của các từ trên đây: “la” (Mày - Rục); - “a” (Arem); - “ta” (Mã Liềng; Sách). Do đó, cũng không thể nào bác bỏ được “la” trong “la đá”. Đây là một điều dứt khoát. Trên “Kiến thức Ngày nay” đã nói, chúng tôi đã khẳng định: “La đá - những từ cùng gốc với nó trong các ngôn ngữ Mày - Rục, Arem, Mã Liềng, Sách đương nhiên cũng thế - theo chúng tôi, là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [石] mà âm Hán Việt hiện đại là “thạch” nhưng ở thời thượng cổ đây hẳn là một chữ mà âm đầu có thể đã là một tổ hợp phụ âm, tạm hình dung là *RT (nên cả chữ là *rta).

Về sau, do xu hướng triệt bỏ yếu tố thứ nhất của các tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Hán nên *RT chỉ còn *T, đã biến thành TH trong âm Hán Việt thạch của chữ [石]. Nhưng chữ thạch Hán Việt này còn có một điệp thức cổ xưa hơn trong nội bộ của tiếng Việt. Đó là la đá. Đây là hệ quả của xu hướng âm tiết hóa yếu tố đầu trong tổ hợp phụ âm đầu của những từ Hán Việt. Vì vậy mà *rta đã trở thành la đá. Đây là âm Hán Việt thượng cổ thực thụ (la đá < *rta) của chữ [石]. Nhưng, vì  về nguyên tắc, một chữ Hán chỉ tương úng với một âm tiết nên sự tồn tại của hai tiếng (âm tiết) la đá với tư cách là âm của chữ [石] hơi bị “vướng” (chữ của bạn Đỗ Công Minh). Thế là la đá đã bị thay thế bằng tân binh thạch để trỏ thành một từ bị xem là… nôm na. Nhưng nó vẫn sống dai dẳng trong những cái vỏ chữ Nôm, như có thể thấy trong những bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v...

Rồi cuối cùng âm tiết “la” cũng rụng đi vì sự tồn tại của tiền âm tiết không phù hợp với xu hướng đơn tiết hóa điển hình của tiếng Việt. Vì vậy mà chỉ có âm tiết thứ hai (“đá”) là còn tồn tại cho đến nay mà thôi. Phụ âm đầu Đ của “đá” vẫn còn được phản ánh trong những hình thanh tự có âm “đố” là [妬], [蠹], mà thanh phù chính là “thạch” [石]. Còn tiền thân của Ô trong “đố” thì lại chính là A. Vậy hoàn toàn chẳng có gì lạ nếu “(la) đá” ↔ “thạch” [石]”.

Xin lưu ý một điều quan trọng là ta không nên hoàn toàn ỷ lại vào âm vận học cổ điển của Tàu hoặc kết quả của riêng Hán ngữ học hiện đại để nghiên cứu về từ nguyên của những từ Việt gốc Hán. Tiếng Việt có con đường phát triển riêng của nó và từ nguyên của một số từ Việt gốc Hán đặc biệt còn có thể góp phần vào việc nghiên cứu chính tiếng Hán, mà “la đá” là một thí dụ tiêu biểu. Cứ như chúng tôi đã phân tích ở trên thì “la đá” dứt khoát không phải là một từ “thuần Việt”. Đây là âm cổ Hán Việt song tiết của chữ [石], mà âm Hán Việt hiện hành là “thạch”.

Hiển nhiên, đây là một ý kiến “không giống ai” nhưng, trong học thuật, “không giống ai” không hề có nghĩa là nhất định sai. Và theo cách hiểu trên đây thì mấy tiếng “la đá lựu” [喇大溜] /la ta liou/, mà An Nam dịch ngữ đã dùng để đối dịch hai chữ “thạch lựu” [石榴] của tiếng Hán, lại là âm cổ Hán Việt của chính hai chữ “thạch lựu” [石榴]. Hán tự cổ kim âm biểu của nhóm [李珍華] Lý Trân Hoa (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1999, tr.385), chẳng hạn, đã cho âm thượng cổ của chữ “thạch” [石] là [ʑiak4]. Nhưng với cứ liệu của tiếng Việt thì, thay vì [ʑ], đây có thể là một tổ hợp phụ âm.

Tóm lại, trong hai câu của “Vịnh Vân Yên tự phú” mà bạn đã nêu thì “la đá” là hình thái cổ song tiết của từ “đá” (trong “sỏi đá”) hiện nay, và là âm cổ Hán Việt song tiết của chữ [石], mà âm Hán Việt hiện hành là “thạch”.

A.C