Kinh tế Việt Nam năm 2012: Buồn vui những con số

11:00 | 08/02/2013

2,089 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dự báo trước những thách thức và khó khăn mà nền kinh tế sẽ phải đối diện trong năm 2012, hàng loạt chính sách mới liên tục được Chính phủ đưa ra để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp, tiêu thụ khó khăn, doanh nghiệp giải thể hàng loạt…

 

Thành tựu kinh tế Việt Nam trong năm 2012 được đánh giá là hợp lý trong khó khăn.

Khép lại năm 2012, dù vẫn còn rất nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội còn khiêm tốn nhưng theo đánh giá chung, bức tranh kinh tế Việt Nam dù vẫn còn những gam sáng – tối đan xen nhưng đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Dưới đây, Petrotimes xin điểm lại một số kết quả tổng quan mà nền kinh tế Việt Nam đã làm được trong năm 2012.

GDP tăng trưởng thấp nhưng hợp lý

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011, trong đó quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%.

Mức tăng trưởng năm nay được đánh giá là thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. CPI bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011.

Điều khác biệt so với các năm trước là CPI tăng không quá cao vào 2 tháng đầu năm nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giáo dục. CPI đã tăng chậm dần trong những tháng cuối năm thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.

Một điều khác thường của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết Nguyên Đán mà giảm vào 2 tháng giữa năm.

Việt Nam lần đầu xuất siêu sau 19 năm

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12 ước đạt 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 13% so với năm 2011. Cả năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước.

Năm 2012 xuất siêu 284 triệu USD, là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa từ năm 1993. Trong năm chỉ có 3 tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại bởi nguyên nhân xuất siêu chủ yếu do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Đáng chú ý là xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước

ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 ước đạt 2.324.400 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011 (loại trừ yếu tố giá tăng 6,2%).

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 288.900 tỷ đồng, chiếm 12,3% và giảm 1,2%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.968.100 tỷ đồng, chiếm 84,8% và tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 67.400 tỷ đồng, chiếm 2,9% và tăng 34,7%.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP, đây là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây.

Sản xuất công nghiệp, tiêu thụ tăng thấp, tồn kho tăng 20,1%

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2012 ước tính tăng 5% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2012 tăng 4,8% so với 2011. Một số ngành tăng cao: Đóng tàu và cấu kiện nổi (+136,7%), SX

thiết bị truyền thông (+48,3%), SX phụ tùng và bộ phận phụ trợ (+39,6%), SX linh kiện điện tử (+23,7%)... Một số ngành giảm so với 2011: Sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) (-3,9%); SX xi măng (-6%), SX sản phẩm điện tử dân dụng (-8,1%), khai thác và thu gom than cứng (-9,4%), SX xe có động cơ (-10%), SX mô tô, xe máy (-14,6%), khai thác đá, cát, sỏi (-19,3%)...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất đường tăng 112,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 34,2%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trướ. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao: Sản xuất xe có động cơ (+76,6%), sản xuất dây, cáp điện (+56,8%), sản xuất bia (+44,5%), sản xuất thuốc lá (+42,2%)...

Vận tải hành khách năm 2012 ước tính đạt 2862,3 triệu lượt khách, tăng 12,2% và 123,2 tỷ lượt khách.km, tăng 9,5% so với năm 2011.

Vận tải hàng hóa năm 2012 ước tính đạt 940,4 triệu tấn, tăng 9,5% và 185,2 tỷ tấn.km, giảm 8,7% so với năm trước.

Số thuê bao điện thoại phát triển mới năm 2012 đạt 12,5 triệu thuê bao, tăng 5,5% so với năm trước, gồm: 16.500 thuê bao cố định (bằng 33,4% năm 2011) và 12,5 triệu thuê bao di động (tăng 5,8%).

Trong năm 2012, có khoảng 8 triệu thuê bao bị cắt giảm, tương đương 70% số phát triển mới, chủ yếu là các thuê bao không còn hoạt động trên mạng và sim rác. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 12/2012 ước đạt 136,6 triệu thuê bao, tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước, gồm: 14,9 triệu thuê bao cố định (giảm 2,9%) và 121,7 triệu thuê bao di động (tăng 3,5%).

Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông năm 2012 ước đạt 179.900 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2011.

Khách quốc tế đến nước ta năm 2012 ước đạt 6.647.700 lượt người, tăng 9,5% so với năm trước. Trong đó, khách đến du lịch, nghỉ dưỡng đạt 4.170.900 lượt người (tăng 7,3%), đến vì công việc đạt 1.166.000 lượt (tăng 16,2%), thăm thân nhân đạt 1.150.900 lượt (tăng 14,3%).

Dân số trung bình cả nước năm 2012 ước đạt 88,78 triệu người, tăng 1,06% so với năm 2011 trong đó nam giới chiếm 49,47%, tăng 1,09%; nữ giới chiếm 50,53%, tăng 1,04%.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm năm 2012 giảm nhẹ so với các tỷ lệ tương ứng của năm 2011 nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước từ 34,6% năm 2010 lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012 cho thấy mức sống của người dân còn thấp, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển mạnh nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp kéo dài mà chấp nhận làm những công việc không ổn định với mức thu nhập thấp và bấp bênh.

Thanh Ngọc