Kinh tế đêm và tư duy mở của một vị Chủ tịch tỉnh

09:09 | 03/05/2023

49 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một khi kích hoạt được kinh tế đêm, du lịch sẽ tăng tốc, vòng quay kinh tế sẽ được vận hành một cách tối đa, từ đó đóng góp lớn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Kinh tế đêm: cuộc giằng co trong bóng tốiKinh tế đêm: cuộc giằng co trong bóng tối
Nỗ lực thành ngôi sao kinh tế đêm của Trung QuốcNỗ lực thành ngôi sao kinh tế đêm của Trung Quốc
Kinh tế đêm – mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh kinh tếKinh tế đêm – mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh kinh tế
Kinh tế đêm và tư duy mở của một vị Chủ tịch tỉnh
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại hội nghị do Thành ủy TP Bạc Liêu tổ chức hôm 27/4

Phát ngôn gây "bão mạng" của vị Chủ tịch tỉnh về kinh tế đêm

Vừa qua, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại phát biểu của ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ trăn trở về những vấn đề liên quan đến kinh tế đêm, xử phạt nồng độ cồn của lực lượng CSGT...

Cụ thể, trong đoạn clip, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị lực lượng công an, văn hóa... phải xem lại, hạn chế việc giới hạn giờ buôn bán, vui chơi của người dân và du khách trước 23h. Đồng thời, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng nhắn nhủ lực lượng CSGT dừng việc “canh bắt phạt” khách đi nhậu tại các quán.

Chỉ sau vài giờ xuất hiện trên mạng xã hội, đoạn clip này đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Đa số các bình luận của cộng đồng mạng đều đồng tình, tích cực ủng hộ phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản bác, cho rằng không “canh bắt phạt” thì làm sao kiểm soát tai nạn giao thông, rồi các “ma men” gây tai nạn ai chịu trách nhiệm, không kiểm tra nồng độ cồn ở quán nhậu thì ở đâu?...

Mới đây, trao đổi với báo Người lao động, ông Phạm Văn Thiều đã giải thích thêm để rộng đường dư luận, rằng: “Việc “canh bắt phạt” nồng độ cồn gần các quán nhậu là không cần thiết. Yếu tố về kinh tế, du lịch thì không cần phải bàn rồi, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Còn về vấn đề an toàn thì những người có năng lực hành vi, có ý thức trách nhiệm chắc chắn họ biết tự bảo vệ mình sao cho an toàn, đâu có ai muốn chết và muốn gây tai nạn. Số người uống rượu say lái xe kiểu bất chấp tính mạng của mình và người khác là rất cá biệt”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu lý giải thêm: “Hầu như khi có rượu bia trong người, ai cũng biết khả năng mình có chạy xe được hay không mà tự tìm cách về nhà. Bởi họ còn có công việc, gia đình… nên không ai đánh đổi như thế. Nên tập trung bắt các đối tượng chạy xe đánh võng, lạng lách trên đường; kiểm tra nghiêm ngặt đối tượng điều khiển xe không có bằng lái và đầu ra sát hạch lái xe mới là vấn đề căn cơ…”.

Khách quan mà nói, người viết không phản đối quan điểm trên của của vị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, mà cho rằng đó là một thứ tư duy mở và chúng ta muốn phát triển thì cần phải có những con người như thế.

Kinh tế đêm và tư duy mở của một vị Chủ tịch tỉnh
Thành phố Bạc Liêu

Có cần thiết phát triển loại hình kinh tế đêm?

Những năm qua, chúng ta đã đề cập và nói nhiều đến vấn đề phát triển kinh tế đêm, nó xuất phát từ cả dư luận cho đến các chuyên gia. Thậm chí, vào năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Theo đó, Đề án này cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.

Thực tiễn cho thấy, các loại hình kinh tế ban đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn tại Việt Nam, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí, như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), Bà Nà Hills (Đà Nẵng)…

Việc triển khai kinh tế đêm ở một số thành phố lớn cho thấy có nhiều lợi ích. Vậy lợi ích đó là gì?

Thứ nhất: Tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ của nền kinh tế.

Kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú, thì càng có khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành cách hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”.

Thứ hai: Tạo việc làm cho người lao động.

Kinh tế ban đêm cũng tạo công ăn việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Tức là, nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kỹ sư, bảo vệ, quản lý, nhân công vệ sinh, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành nghề khác.

Thứ ba: Động lực cho văn hóa phát triển.

Văn hoá, giải trí luôn phát triển song hành cùng kinh tế ban đêm. Khi phát triển kinh tế ban đêm cũng tạo sẽ tạo cho các lĩnh vực phụ cận phát triển theo như: âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác. Chính những yếu tố đó đóng góp nhiều hơn cho văn hoá xã hội của Việt Nam.

Thứ tư: Nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đêm.

Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm, bao gồm: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm.

Thứ năm: Phù hợp với xu thế thế giới.

Kinh tế đêm đang ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Tại khu vực Châu Á, Trung Quốc là một điển hình không thể không nhắc tới trong phát triển kinh tế đêm. Từ khoảng năm 2010, các trung tâm thương mại, con phố thương mại ban đêm ở các TP lớn đã rất sầm uất.

Cùng với xu thế du lịch chung và nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện đại, các chợ đêm tại Hàn Quốc lần lượt ra đời. Thậm chí, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) xây dựng kế hoạch thúc đẩy các chương trình du lịch đêm với sự hợp tác của chính quyền địa phương nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài và vực dậy ngành “công nghiệp không khói” sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Thái Lan, “đối thủ” du lịch hàng đầu của Việt Nam, lại phát triển rất tốt mô hình du lịch dựa trên các hoạt động tổ chức sự kiện, tiệc, câu lạc bộ đêm, thu hút lượng lớn khách quốc tế tới nghỉ dưỡng và chi tiêu.

Có thể thấy, kinh tế đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.

Dĩ nhiên, sự phát triển luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề. Và đi kèm với những mặt sáng, triển vọng nêu trên, thì kinh tế đêm vẫn luôn tồn tại những góc tối, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành đòi hỏi chúng ta phải có nhiều giải pháp kết hợp, đồng bộ để phát huy tối đa những mặt tích cực, hạn chế thấp nhất những thách thức của nó.

Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam chúng ta cần khai thác hiệu quả hơn kinh tế đêm. Bởi một khi kích hoạt được kinh tế đêm, du lịch sẽ tăng tốc, vòng quay kinh tế sẽ được vận hành một cách tối đa, từ đó đóng góp lớn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Muốn vậy, rất cần những tư duy mở trong phát triển kinh tế đêm như vị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói trên. Nếu không dám nghĩ, dám làm cái mới thì mãi mãi chúng ta vẫn cũ, khó tạo ra cú huých cho sự phát triển.

Theo DĐDN