Kinh doanh vàng là rủi ro nhất hiện nay
Vàng hạ giá là một diễn biến tốt
PV: Thưa ông, giá vàng trong nước đang có sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua, ông có nhận định như thế nào về diễn biến này của thị trường?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng trong nước sụt giảm là do nhiều tác động. Thứ nhất, giá vàng thế giới ở trong chiều giảm không ai ngờ đến. Từ tháng 3 đến nay giá vàng qua nhiều phiên giảm liên tục. Giá vàng ở ngưỡng khoảng 1.700USD/ounce xuống còn 1.200USD/ounce. Đây là sự phá giá một cách kinh khủng. Thị trường trong nước cũng không tránh khỏi tác động của giá vàng thế giới, lao xuống một mức thấp hơn so với mấy năm trước. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc hạ giá không hẳn hoàn toàn do giá vàng trên thị trường thế giới, mà do thời gian qua Nghị định 24 của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt là giảm hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế đến cuối cùng phải triệt tiêu hiện tượng này. Từ nỗ lực của Chính phủ, trong đó có vai trò rất lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thiết lập lại trật tự thị trường đã giúp cho thị trường vàng trong nước có những diễn biến tốt. Gần đây, đã có những phiên đấu thầu đến hơn 33 tấn vàng. Chính những nguồn cung đó giúp cho thị trường cung cầu gặp nhau nhiều hơn, đẩy giá vàng trong nước xuống.
TS Nguyễn Trí Hiếu
PV: Giá vàng trong nước tuy đã giảm nhiều nhưng mức chênh lệch với giá vàng thế giới vẫn còn rất cao, có những ngày lên đến 6,4 triệu đồng/lượng. Tại sao lại có mức chênh lệch cao như vậy, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đó không phải là điều ngạc nhiên. NHNN đã từng tuyên bố, trong lúc này mục tiêu của ngân hàng là không phải là kéo giá vàng xuống thấp so với thế giới mà thiết lập trật tự trên thị trường. Và hiện tại NHNN đang đạt được những kết quả nhất định với mục tiêu đề ra. Rồi đây, giá vàng cũng sẽ phải ổn định, giá trong nước sẽ sát với xuống với giá vàng thế giới. Tôi nghĩ rằng việc này sẽ sớm xảy ra. Nó sát xuống bao nhiêu khó có thể đoán trước được. Nhưng hy vọng đến cuối năm giá vàng trong nước có thể chênh với giá vàng thế giới áng chừng khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng.
PV: Theo dự báo của các chuyên gia, giá vàng thế giới sẽ giảm sâu nữa và một khi mục tiêu tất toán vàng cơ bản hoàn thành, các ngân hàng thương mại đóng xong trạng thái vàng thì vàng trong nước cũng sẽ tiếp tục giảm. Nhưng hiện nay người dân vẫn ùn ùn đổ xô đi mua vàng. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Không chỉ thị trường vàng mà còn chứng khoán, bất động sản rồi ngoại hối nữa, trừ một số ít những người tham gia thị trường có tính chuyên nghiệp thì đa phần người dân tham gia vào tất cả các phân khúc thị trường một cách mạnh mẽ, ồ ạt. Nhưng họ lại chỉ nghe ngóng và phản ứng theo dư luận chứ không theo những toan tính, thông tin cập nhật nhất trên thị trường. Vì thế việc người dân ồ ạt đi mua vàng trong những ngày qua là một hiện tượng bình thường, một hiện tượng tâm lý đám đông. Việc này đã xảy ra nhiều trong quá khứ trên tất cả phân khúc thị trường.
Hiện tượng này xảy ra vào thời điểm thị trường vàng thế giới bị kéo xuống rất sâu do một lực kéo rất mạnh mà không phải giảm từ từ. Đồng thời, NHNN cũng vừa bán ra một lượng vàng lớn, các ngân hàng thương mại phải đóng xong trạng thái vàng. Tất cả các nguyên nhân trên khiến cho người dân cảm tưởng giá vàng sẽ tiếp tục lao dốc nên họ ồ ạt đi mua và tin rằng họ mua được với một giá hời. Có thể người dân đúng cũng nên.
Vẫn chưa thấy “đáy” của giá vàng
PV: Ý của ông là nên mua vàng vào thời điểm này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Dưới góc nhìn về thị trường vàng, cá nhân tôi vẫn chưa thấy đáy của nó ở đâu. Nên mua vào lúc này chưa chắc đã là giá hời. Không nên có hiện tượng, thấy hàng xóm của mình chạy đi mua mình cũng nóng ruột gom góp, bán tài sản, vay mượn tiền để mua. Năm ngoái rất nhiều nhà bị trắng tay trong vài tiếng đồng hồ. Hiện tại thị trường đang lao xuống, người mua rất dễ gặp phải thiệt hại lớn. Giá vàng thế giới vẫn đang xuống, NHNN vẫn tiếp tục đẩy một lượng vàng vào lưu thông, tìm mọi cách kéo giá xuống sát với giá vàng thế giới.
PV: Trong giai đoạn nhạy cảm này ông có thể “mách nước” gì cho người dân?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi có vài lời khuyên cho người dân:
Thứ nhất phải chốt chặt, nếu giá đang xuống thì mình có chốt nào mình định luôn cái chốt đó. Nếu chạm chốt mà giá vàng vẫn tiếp tục rơi thì mình vẫn lấy cái chốt đó để mua vào. Rồi ngay cả khi bán ra cũng vậy, thị trường có lên bao nhiêu mình vẫn phải dựa vào cái chốt đã định để bán ra. Trong đầu tư cái đó gọi là kỷ luật đầu tư. Đó là vấn đề quan trọng để mình tính toán được, dự đoán được việc mua vào hay bán ra ở mức độ nào, mình xem mức độ đó là mức độ rủi ro chấp nhận được. Các nhà đầu tư trên thế giới cũng theo một thể thức như thế. Rất nhiều lệnh bán vàng xuống đến chốt 1.500USD hay 1.400USD/ounce…, hễ cứ tới một chốt như thế họ đưa ra một lệnh bán tự động. Trong mấy ngày vừa qua, những lệnh bán vàng ồ ạt không phải họ chủ động bán vàng ra mà đã có những lệnh tự động bán, đến chốt là lệnh tự động chạy. Vậy dân chúng cũng nên theo thể thức như thế. Nên có một kỷ luật như thế, người mua vào hay bán ra cũng cần theo một chốt chặt chẽ.
Thứ hai, không nên nóng vội. Nhận định của đám đông chưa chắc là đúng, mà phải là nhận định của nhà chuyên môn. Mình phải theo dõi cập nhật tin tức hằng ngày, hằng giờ ngay cả trên thế giới qua các kênh truyền thông. Phải có cách tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin của riêng mình.
Thứ ba, nên phân bổ đầu tư. Chẳng hạn có 1 tỉ không nên đem hết đi mua vàng. Lúc lỗ sẽ rất lớn. Nên phân bổ ra, vào vàng, ngân hàng, bất động sản hay ngoại hối. Phân bổ bao nhiêu vào vàng và như thế nào thì tùy vào tài sản của mình, vào độ tuổi. Chẳng hạn như tôi, nếu tôi gần đất xa trời rồi, không còn nhiều thời gian thì không nên mạo hiểm, bỏ nhiều tiền vào ngân hàng là chắc ăn nhất. Nếu còn trẻ, có thể đầu tư mạo hiểm.
Với vàng, người dân cần có định hướng: Mua vàng để làm gì? Để dành, cho con cháu, kinh doanh, chống lạm phát. Mua để kinh doanh Chính phủ không khuyến khích. Người dân không nên kinh doanh vì nó là thị trường rủi ro nhất là lúc này. Có thể vài năm trước đó là thị trường tốt khi lạm phát cao. Chính phủ nào cũng mua vào để chống lạm phát. Nhưng hiện tại lạm phát ở mức độ thấp, trên thế giới cũng không quan tâm đến lạm phát nữa thì họ sẽ bán vàng ra vì vàng không phải là hầm trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư. Việt Nam cũng vậy, khi lạm phát của mình ở mức kiểm soát được, không nên xem vàng như một tài sản chống lạm phát, càng không nên kinh doanh vàng. Người kinh doanh nào cũng cần có kiến thức chuyên môn, còn chúng ta chỉ nghe và thấy người khác làm rồi làm theo sẽ rất nguy hiểm. Tất cả mọi người cần có định hướng: mua vàng để làm gì?
PV: Theo ý kiến của cá nhân ông, giá vàng giảm là điều mừng hay lo? Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế trong nước?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nếu tiền mất giá thì giá vàng cao. Bất cứ khi nào thấy lạm phát cao, thấy đồng tiền bất ổn thì hầm trú ẩn an toàn, thường là đôla và vàng. Giờ vàng xuống giá có nghĩa là đồng tiền của mình dường như có giá trị hơn.
Mặt khác, khi giá vàng lên cao sẽ có nhiều người nhảy vào đầu tư, kinh doanh. Nếu hiện tượng đó bành trướng thì như chúng ta biết trong quá khứ rất nhiều quốc gia dùng ngoại tệ để mua vàng kể cả buôn lậu. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Bởi chúng ta dùng rất nhiều ngoại tệ để mua vàng sẽ thiếu hụt dự trữ quốc gia, ảnh hưởng tới sự ổn định của tiền đồng. Hơn nữa, vàng cũng là mặt hàng có giá trị đặc biệt, khi giá vàng tăng lên có thể kéo theo những giá khác, những hàng hóa khác trong xã hội. Chính vì thế xu hướng giá vàng xuống là điều tốt.
Giá vàng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng
PV: Theo đánh giá của ông thì Việt Nam có hiện tượng đầu cơ vàng không?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn có. Với việc chênh lệch giá như thế, chênh quá 400 ngàn/lượng thì có thể có yếu tố đầu cơ. Mà hiện tại chênh lệch tới 5-6 triệu như thế thì vấn đề đầu cơ là có. Thực ra đầu cơ và đầu tư về cơ bản không có gì khác nhau. Nhưng người đầu tư có những toan tính, có phương pháp không gây ra những biến động lớn trên thị trường qua tin đồn. Còn người đầu cơ dùng mọi biện pháp ngay cả biện pháp không minh bạch, không đúng pháp luật để thổi giá lên và trục lợi. Hiện tượng này đã từng xảy ra ở nước ta, các nhà đầu cơ thường có một động thái gom vàng, tạo ra một sự thiếu hụt về nguồn cung, từ đó tung ra những tin tức nóng bỏng để đẩy mức cầu lên. Mức cầu lên cao mà cung xuống thấp thì họ đẩy giá lên và mang vàng ra bán để kiếm lời.
Cái khác nhau cơ bản giữa đầu tư và đầu cơ là ở chỗ đấy. Những nhà đầu tư chân chính không dùng những biện pháp bất lợi cho quốc gia. Còn nhà đầu cơ sẵn sàng làm mọi biện pháp để trục lợi. Về cách làm cả hai nhà đầu tư và đầu cơ đều như nhau, mua rẻ bán đắt.
Người Việt thường mua vàng theo "tâm lý”
PV: Mua rẻ bán đắt, hình như chỉ có người dân là chịu thiệt thòi. Còn các đối tượng khác, thậm chí cả ngân hàng cũng vô can?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nói ngân hàng không thiệt hại là không đúng. Mấy năm vừa rồi, ngân hàng cũng lỗ lắm. Như lúc này những ngân hàng có trạng thái âm, họ phải tất toán trạng thái, phải mua vào với giá cao thì có thể nhiều ngân hàng lỗ. Như mấy tuần trước giá đâu có tốt. Chỉ có mấy ngày nay giá xuống như vậy. Năm nay, tôi không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ báo lỗ trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
PV: Có nghĩa là các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng hiện tại đối với những người có trạng thái âm thì hoàn toàn bất lợi. Người trạng thái âm là người lấy vàng vào sau đó cho vay ra hoặc bán ra. Lúc bán ra với giá thấp hơn trong tuần, tháng vừa rồi. Khi giá vàng tăng lên, những người tất toán trạng thái đó họ phải mua vào một lượng lớn để bù đắp cho trạng thái âm. Trong quá khứ họ bán, mua vàng với giá thấp giờ họ phải mua vào với giá cao thì chắc chắn họ thiệt hại rất lớn.
PV: Ông có thể dự đoán được có bao nhiêu ngân hàng ở Việt Nam phải chịu ảnh hưởng do giá vàng giảm như bây giờ?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Các chuyên gia đều có những dự đoán riêng của họ, nhưng nó không dựa trên cơ sở những thống kê. Nên chúng tôi rất ngần ngại khi đưa ra dự đoán về số lượng các ngân hàng sẽ lỗ, lỗ bao nhiêu. Thực ra, thị trường vàng của nước ta không có con số thống kê rạch ròi. Ngay cả việc có bao nhiêu ngân hàng có trạng thái âm thì mỗi lúc lại có một con số riêng. Có những lúc lên tới 98% các ngân hàng đã tất toán được rồi nhưng đùng một cái nghe tin có hàng chục ngân hàng có trạng thái âm. Vì những con số không được công bố một cách chính thức nên chúng tôi cũng rất khó đưa ra dự đoán.
PV: Theo chủ quan của ông, giá vàng sẽ thế nào trong thời gian tới?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Dự đoán giá vàng trong nước tiếp tục thuyên giảm, nhưng không phải ngày một ngày hai mà trong vòng 1 tháng tới sẽ tiếp tục giảm. Từ đây cho đến 3 tháng sẽ có mức giảm sâu hơn. Vậy nên, nhà đầu tư phải rất cẩn thận vì trên thị trường thế giới giá vàng tiếp tục giảm. Đến cuối năm nó có thể xuống đến cái đáy dưới 1.000USD. Với tình trạng như thế vẫn có thể mua vào để dự trữ, làm tài sản nhưng để đầu tư có lời thì không nên.
Ba nguyên tắc trong đầu tư
PV: Giá vàng, chứng khoán đều xuống, bất động sản thì đóng băng. Vậy người dân có tiền nên làm gì trong giai đoạn này, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Gửi tiền ngân hàng rồi về ăn ngủ, cuối năm nhận được 7%. Không có rủi ro. Tôi không thấy có một kênh nào thuận lợi hơn kênh ngân hàng cả.
PV: Nhưng với những người có lượng tiền vừa phải thì ngân hàng cũng không phải là kênh tốt, vì lợi nhuận là rất ít, không đủ để họ đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Riêng những người sống bằng nghề đầu tư thì họ nên làm thế nào trong thời điểm này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Khi nói đến đầu tư mình không chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà còn phải nghĩ đến giá trị gia tăng. Chẳng hạn tôi mua cổ phiếu, mỗi năm tôi nhận cổ tức 14%. Ngoài việc nhận cổ tức tôi phải xem giá trị cổ phiếu có tăng hay không. Lúc tôi mua 14.000/cổ phiếu nếu nó tăng lên 20.000 là tuyệt vời. Vậy nên có hai vấn đề trong đầu tư là lợi tức và giá trị gia tăng trên tài sản đầu tư của mình. Với ngân hàng thì chỉ có lợi tức, không có giá trị gia tăng. Bỏ vào ngân hàng 1 tỉ sau 10 năm nhận lại vẫn 1 tỉ đồng mà còn lỗ nữa vì lạm phát, mất giá. Vì vậy ngân hàng chỉ có lợi trong thời điểm hiện tại đến 6 tháng hoặc 1 năm. Trên quan điểm về tài chính, gửi tiền ngân hàng không phải là đầu tư.
Hiện nay, vẫn có những doanh nghiệp chứng khoán làm ăn rất tốt, vẫn có cổ phiếu trái phiếu cho mình lợi tức tốt. Tại sao lại không nhắm đến nó. Bất động sản vẫn có nhà mua được giá rẻ. Dĩ nhiên phải có công tìm kiếm, tìm đến. Trong đầu tư có ba khía cạnh nhà đầu tư cần chú ý là: tỷ lệ sinh lời, giá trị gia tăng của tài sản đầu tư, và sự an toàn, tính thanh khoản của tài sản đầu tư. Nếu nhà đầu tư hay người dân luôn chú trọng đến ba điều này thì sẽ hạn chế được mức rủi ro trong thời điểm hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù giá vàng đang giảm mạnh so với thời gian trước đây nhưng người dân không nên đổ xô đi mua vàng, bởi theo ông trong 6 tháng cuối năm giá vàng có thể giảm sâu hơn. Bên cạnh đó, vàng không phải là hầm trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư, bởi vậy không nên xem vàng như một tài sản chống lạm phát. Vì thế, nếu muốn mua để dành, cho con cháu thì mua vàng, còn nếu để đầu tư thì cần chọn kênh khác. Điều đặc biệt, theo TS Trí Hiếu, khi lạm phát đã ở mức kiểm soát được thì tiền đồng có giá trị hơn vàng. |
Thái Linh (thực hiện)
-
Vừa làm, vừa hoàn thiện thị trường carbon trong nước
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh
-
Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về biển vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Biển Đông
-
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN kết nối hơn, tự cường hơn
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” của Hà Nội