Kiên Giang có thế mạnh gì để phát triển năng lượng tái tạo?

13:46 | 05/08/2024

142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kiên Giang, một trong 28 tỉnh, thành phố có biển, một trong 4 ngư trường trọng điểm của quốc gia, giàu tiềm năng, hiện thực hóa khát vọng giàu lên từ biển. Ngoài khai thác và nuôi trồng thủy sản, vùng biển, du lịch công nghiệp, hàng hải…, Kiên Giang còn có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
Lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời ở Bình ThuậnLợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời ở Bình Thuận
Năng lượng tái tạo, năng lượng mới là trọng tâm thu hút đầu tư của Việt NamNăng lượng tái tạo, năng lượng mới là trọng tâm thu hút đầu tư của Việt Nam
Kiên Giang có thế mạnh gì để phát triển năng lượng tái tạo?
Ảnh minh họa

Tỉnh này xác định “Phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện mặt trời, điện sóng và điện khí…” là một trong những khâu đột phá về phát triển kinh tế biển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong dài hạn.

Kiên Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, nằm trong vùng có số giờ nắng cao từ 2.200-2.500 giờ/năm; bình quân từ 1.733-1.846 giờ nắng/năm, cường độ bức xạ trung bình từ 4,74-5,05 kWh/m²/ngày, được xem là lý tưởng để phát triển điện mặt trời. Các khu vực như Phú Quốc và các huyện ven biển có cường độ bức xạ mặt trời cao, thích hợp cho việc lắp đặt các hệ thống pin mặt trời.

Những năm gần đây, điện năng lượng mặt trời đã và đang trở thành một mô hình sử dụng năng lượng sạch quen thuộc, đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời về kinh tế, chất lượng, cuộc sống, sức khỏe và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cũng ngày càng phát triển rộng rãi.

Ngoài ra, Kiên Giang có đường bờ biển dài khoảng 200 km, đặc biệt là ở các huyện như Kiên Lương, Hòn Đất, và An Biên. Vị trí ven biển này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió. Các khu vực ven biển ở Kiên Giang có tốc độ gió trung bình từ 6-7 m/s, đáp ứng tốt yêu cầu cho việc phát triển các dự án điện gió. Đặc biệt, hệ thống giao thông đường bộ và đường biển tại Kiên Giang khá phát triển, thuận lợi cho việc vận chuyển thiết bị và lắp đặt các trạm điện gió.

Đến năm 2022, tỉnh đã có chủ trương cho khảo sát đo gió 05 dự án, với tổng công suất 1.436MW. Trong đó, có 02 dự án đã lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và đã được UBND tỉnh có ý kiến thống nhất vị trí, diện tích đến Bộ Công Thương với tổng công suất 636MW.

Theo mục tiêu đến năm 2025, tỉnh khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15% vào năm 2030 và đạt 25% vào năm 2045.

Để đạt được mục tiêu nói trên, Kiên Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai các dự án điện, phát triển năng lượng; trong đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để phát điện; tổ chức tuyên truyền vận động người dân dân hạn chế sử dụng than trong sinh hoạt, các đơn vị sản xuất kinh doanh chuyển đổi nhiên liệu than trong các khâu sản xuất sang sử dụng nhiên liệu sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường…

PV