Lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời ở Bình Thuận

08:00 | 31/07/2024

92 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năng lượng tái tạo là đột phá ưu tiên, quan trọng của Bình Thuận. Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo ở Phú YênĐẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo ở Phú Yên
Quảng Bình định hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của cả nướcQuảng Bình định hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của cả nước
Lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời ở Bình Thuận
Ảnh minh họa

Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời so với các tỉnh khác của cả nước; số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình của các tỉnh khác, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định. Ngoài ra, với đặc điểm khí hậu ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi phát triển các nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Đến nay, tỉnh Bình Thuận có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động phát điện với tổng công suất 1.409,71 MW, gồm 09 nhà máy điện gió với công suất 299,6 MW; 26 nhà máy điện mặt trời có công suất khoảng 1.110,11 MW đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Năm 2022, tổng sản lượng điện sản xuất của 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đạt 2.732,21 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện sản xuất của 09 nhà máy điện gió đạt 657,21 triệu kWh, sản lượng điện sản xuất của 26 nhà máy điện mặt trời là 2.075 triệu kWh. Nhìn chung, ngành năng lượng tái tạo thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp tỉnh nhà.

Bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện, điện gió trên bờ, điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đăng ký khảo sát và lập dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 09 dự án với tổng công suất 25.200 MW các nhà đầu tư đăng ký, đề xuất; trong đó, dự án Thăng Long Wind có công suất đề xuất 3.400 MW đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát…

Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng, trong đó trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần tỷ trọng các ngành năng lượng truyền thống; không chấp thuận đầu tư các dự án điện than mới…; đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Song song với đó, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư đến phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp năng lượng, như sản xuất turbin, cánh quạt… theo hướng tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị kỹ thuật, giảm sự phụ thuộc việc nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào, hướng tới một ngành công nghiệp tự chủ, bền vững trong tương lai.

PV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc