Kiểm tra sau thông quan đạt 110% đăng ký

09:02 | 02/01/2012

343 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau gần một năm thực hiện quyết liệt Chỉ thị 568/CTTCHQ về Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), năm 2011 – “Năm kiểm tra sau thông quan” đã đạt được những kết quả thành công rực rỡ và được đánh giá là một trong những động lực quan trọng tạo động lực thúc đẩy hoạt động KTSTQ toàn ngành Hải quan phát triển nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Được biết, để thực hiện thắng lợi chiến lược cải cách, phát triển hải quan giai đoạn 2011 – 2020, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Ngày 9/2/2011, Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã ký ban hành chỉ thị 568/CT-TCHQ với quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, tiến tới chuyển đổi căn bản phương thức quản lý từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan (KTSTQ).

Quán triệt tinh thần của Chỉ thị trên, lãnh đạo Hải quan các cấp đã thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất. Đảng ủy các cục Hải quan như Hà Nội, Hà Giang, Gia Lai- Kon Tum, Lạng Sơn… đã đưa việc thực hiện Chỉ thị 568 vào Nghị quyết, đồng thời thể hiện qua những việc làm cụ thể. Nhiều Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục hải quan tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các vấn đề của công tác KTSTQ, giải quyết những khó khăn về điều kiện làm việc, đời sống của cán bộ công chức KTSTQ, tăng cường cán bộ KTSTQ tại hầu hết các đơn vị…

Kiểm tra lô hàng thủy sản ở Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.

Đến nay, theo đánh giá, về cơ bản ngành Hải quan đã xóa bỏ được “vùng trắng” về KTSTQ tại trụ sở doanh nghiệp, về số thu. Dẫn đến kết quả hoạt động KTSTQ tăng vượt bậc so với những năm trước. Cụ thể:

Trong năm 2011, toàn lực lượng đã kiểm tra, đánh giá được 2016 doanh nghiệp (DN), bằng 241% so với năm 2010 (835 DN), đạt 110% so với chỉ tiêu đăng ký (1832 DN). Các đơn vị có mức tăng trưởng cao tiêu biểu như: Bình Định (gấp 12 lần), Quảng Ngãi (gấp 8 lần), Thanh Hóa (gấp 23 lần),…

Năm 2011, các đơn vị KTSTQ toàn Ngành đã quyết định truy thu được 512,5 tỉ đồng, đạt 163% so với chỉ tiêu đăng ký của Hải quan địa phương (267,5 tỉ đồng) và bằng 176% so với năm 2010 (290,4 tỉ đồng). Số thu trên chưa kể số thu do lực lượng KTSTQ phát hiện giao lại hải quan các cửa khẩu thu chưa thống kê được, nhưng ước khoảng trăm tỉ đồng, trong đó riêng thu về áp dụng sai về thuế suất hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng thuốc lá nhập khẩu đã là 75 tỉ đồng.

Số tờ khai đã phúc tập đạt 92,98%, qua công tác phúc tập ra quyết định truy thu 47,5 tỉ đồng. Trong đó 2 đơn vị có số thu lớn là: Quảng Nam đạt 20,5 tỉ đồng và TP Hồ Chí Minh 12,8 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, công tác KTSTQ cũng còn hạn chế. Số biên chế đã tăng lên nhưng mới đạt hơn 50% tỉ lệ quy định tại Chỉ thị 568. Số cuộc kiểm tra tại trụ sở DN có mức tăng vượt bậc so với năm 2010 nhưng vẫn rất thấp, chỉ đạt 140 DN so với hơn 4 vạn DN có hoạt động xuất nhập khẩu là đối tượng kiểm tra. Một số yêu cầu của Chỉ thị chưa được thực hiện hoặc mới làm được rất ít như: tổ chức lại quy trình quản lý để đạt hiệu quả cao nhất ; nghiên cứu giải pháp sử dụng cán bộ KTSTQ theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp; Vấn đề đãi ngộ, trang bị điều kiện làm việc cho lực lượng KTSTQ.

Phát huy những thành công trên, trong năm 2012, đại diện của Tổng cục Hải quan cho biết toàn ngành sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh quyết tâm chính trị trong thực hiện nhiệm vụ KTSTQ tới lãnh đạo các cấp cũng như trong từng cán bộ, công chức để khắc phục các tồn tại, đưa công tác KTSTQ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Thanh Ngọc