Kiểm tra giám sát mua bán điện: Không chỉ là "Cảnh sát điện"

21:35 | 02/12/2019

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những cán bộ làm công tác kiểm tra giám sát mua bán điện (KTGSMBĐ) như chúng tôi thường được ví von như những “Cảnh sát điện”, nhưng đối với tôi, thực sự nghề này còn bao hàm nhiều tính chất ý nghĩa khác nữa. Thực tế công việc chúng tôi làm đã thể hiện một cách sinh động và phong phú.

Chia sẻ một chút về nghề, tôi kể với các bạn câu chuyện sau: Trong một lần "lọc" ra các khách hàng sử dụng điện bất thường trên địa bàn quản lý để đi kiểm tra thực tế, tôi liệt kê được một danh sách rất nhiều khách hàng “có nghi vấn”, đinh ninh sẽ phát hiện ra điều gì đó... Nhưng rồi tôi phải nản lòng “toàn tập”, vì việc đi kiểm tra thực tế có kết quả như sau: một số khách hàng đang sửa nhà, một số khách hàng thì mới mua được cái điều hòa, cái quạt mới, một số khách hàng thì một số thiết bị điện bị hỏng nên sản lượng tăng, giảm bất thường… Ôi thật là khó khăn! Lúc đó tôi thầm nghĩ, nếu như ngành điện của mình mà liên kết được với tất cả các cửa hàng, trung tâm điện máy trên địa bàn thì hay biết mấy, khi đó mỗi thiết bị được bán ra thị trường thì ngành điện sẽ biết của gia đình nào và rất dễ kiểm soát. Khi đó, chắc cái nghề “cảnh sát điện” không còn ai nhớ tới nữa.

Kiểm tra giám sát mua bán điện: Không chỉ là

Kiểm tra viên điện lực đang tác nghiệp tại hiện trường

Qua một thời gian làm công tác KTGSMBĐ, tôi nhận thấy đây là một nghề có vẻ cũng đơn giản nhưng cũng không kém phần phức tạp. Công việc của nghề này luôn luôn âm thầm, lặng lẽ, nhưng không ai biết được rằng, để thực hiện công việc của mình chúng tôi phải thực hiện rất nhiều công đoạn, mất rất nhiều công sức và thời gian: Từ sàng lọc, trích xuất chương trình phần mềm chuyên dụng tìm kiếm sự bất thường của khách hàng sử dụng điện, đến nghiên cứu tính cách và các hoạt động tại địa phương của khách hàng, hoặc nghiên cứu thực tế hiện trường để nắm bắt các diễn biến mới liên quan đến hoạt động sử dụng điện... Thấy hết được những việc như vậy mới có thể thấu hiểu được nghề này là một nghề không hề đơn giản.

Qua những lần tham gia vào công tác mà chúng tôi hay gọi vui với nhau là “Rình rập - Tập kích” để bắt quả tang khách hàng vi phạm sử dụng điện, tôi thực sự thấu hiểu được những khó khăn anh em trong nghề đã trải qua. Có nhiều lúc chúng tôi phải núp trong bụi cây hàng giờ liền, chờ đến tối khách hàng thực hiện hành vi vi phạm sử dụng điện, hoặc cũng có lúc phải leo lên các tòa nhà cao tầng bên cạnh bất chấp nguy hiểm để có thể bắt được, giữ được hiện trường vi phạm của khách hàng và không ít lần phải chịu sự phản kháng, chống đối của khách hàng vi phạm. Và đặc biệt hơn nữa, đó là khi khách hàng đã phi tang hiện trường vi phạm, chúng tôi phải dàn dựng lại các chi tiết rất tỉ mỉ và sử dụng các kinh nghiệm trong nghiệp vụ của mình chứng minh cho khách hàng hiểu về vấn đề, để cuối cùng khách hàng tâm phục và thành thật nhận lỗi.

Mặc dù đặc thù của công việc của chúng tôi là vậy, nhưng để xây dựng được hình ảnh người thợ điện gần gũi với nhân dân, hòa đồng với người dân, khách hàng, chúng tôi phải luôn luôn thực hiện đúng theo tiêu chuẩn của ngành điện trong giao tiếp với khách hàng và tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật. Ngoài công việc trực tiếp là một “cảnh sát điện”, chúng tôi cũng kiêm luôn công việc của một tuyên truyền viên trong nhân dân. Qua mỗi nơi chúng tôi đến, chúng tôi đều tranh thủ lồng ghép tuyên tuyền về tiết kiệm điện, đề cập đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai và mong muôn mọi người hãy cùng chung tay tiết kiệm điện, khuyến khích sử dụng các loại năng lượng tái tạo...

Mong muốn sâu sắc của mỗi người chúng tôi khi tham gia công việc này là nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn và điều chỉnh để mọi người dân trong xã hội sử dụng điện một cách có trách nhiệm, tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Nhất Tâm (EVNCPC)

Nghề của ba
Những “người lính" thời bình trong sắc áo cam
Chuyện nữ công nhân vận hành…
Cố lên, để sớm có điện!
Dòng điện băng qua những cơn mưa núi

  • el-2024