Kiểm duyệt phim, bao giờ thì hết tranh cãi?

11:11 | 03/07/2013

1,543 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải lần đầu, câu chuyện kiểm duyệt phim gây nên những cuộc tranh cãi kịch liệt. Cũng không phải chỉ riêng Việt Nam mới có chuyện phim qua cửa kiểm duyệt thì ách lại hoặc bị cắt gọt những cảnh bị xem là… nhạy cảm hoặc vì một lý do nào đó…

"Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu vì quá bạo lực

Ngay cả trên thánh địa điện ảnh Hollywood, mặc dù đã nhiều lần được sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển phức tạp và không ngừng của điện ảnh, hệ thống kiểm duyệt ở Hollywood vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh và đôi khi đưa ra những quyết định gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt là những bộ phim có chủ đề nhạy cảm như tình dục, giới tính…

Ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và câu khách đã khiến số phận của một số bộ phim có thể đảo ngược hoàn toàn. Trên thế giới, có không ít bộ phim từng bị phản đối gay gắt và bị chụp mũ là đồi bại, khiêu dâm đã giành giải thưởng lớn tại những Liên hoan phim uy tín như Cannes hay Berlin, như “In The Realm of Senses” năm 1976, “The Piano Teacher” năm 2001, và thậm chí mới đây như “Antichirist” năm 2009.

Việt Nam, kể từ những ngày đầu của điện ảnh cách mạng, khi mà đất nước chưa “mở cửa”, câu chuyện kiểm duyệt phim hiển nhiên sẽ khắt khe, chặt chẽ hơn. Ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước, "Làng Vũ Đại ngày ấy" là một trong những phim gây tranh cãi trong hội đồng kiểm duyệt thời đó bởi những cảnh quay được xem là “nóng” khi Chí Phèo vạch yếm chộp cả hai bàn tay lên ngực Thị Nở hay Thị Nở để lộ cả bộ ngực trần trước ống kính quay phim. Nhưng cho đến nay, thực tế thì có rất ít bộ phim bị cấm phát hành phổ biến. Nếu có vấn đề gì ở khâu kiểm duyệt thì cũng chỉ là cắt gọt hay chỉnh sửa mà thôi.

Cách đây tròn một năm, bộ phim “Bẫy cấp 3” bị cấm phát hành phổ biến. Đây là bộ phim Việt Nam hiếm hoi không được ra rạp sau nhiều năm. Rồi mới đây, “Bụi đời chợ Lớn” tiếp tục hâm nóng dư luận khi có thông tin phim buộc phải chỉnh lại trước khi công chiếu, phát hành.

Là đất nước châu Á, có nền điện ảnh sinh sau đẻ muộn, mới hội nhập WTO chưa được 10 năm, chuyện phim ảnh bị kiểm duyệt khắt khe là điều đương nhiên. Như đã nói ở trên, ngay cả Mỹ hay những cường quốc điện ảnh khác trên thế giới, phim gây tranh cãi, phản đối cũng là chuyện bình thường ở phố. Phần lớn, những bộ phim bị coi “có vấn đề” đều là vì hai yếu tố, quá sexy hoặc quá bạo lực. Đây cũng là vấn đề mà “Bẫy cấp 3” hay “Bụi đời chợ Lớn” vướng phải.

Sở dĩ hai phim này ầm ĩ hơn một số phim khác bị “mắc” ở khâu kiểm duyệt như “Bi đừng sợ” hay “Hotboy nổi loạn” là bởi vì đây là hai trường hợp bị cấm chiếu thẳng thừng hiếm hoi. Xưa nay, phim có vấn đề chủ yếu đều bị yêu cầu chỉnh sửa một số chi tiết cho “phù hợp” thuần phong mỹ tục trước khi duyệt lại hoặc bị loại bỏ bớt những cảnh quay “quá nóng” hoặc “quá bạo lực”.

"Bẫy cấp 3" bị cấm chiếu vì "quá nóng"

Vấn đề là, như thế nào thì bị xem là “quá”? Khi mà phim là tác phẩm nghệ thuật, là kết quả của tư duy sáng tạo mang tính cá nhân của đạo diễn, của tác giả kịch bản? Chủ quan của người làm và người duyệt không đồng nhất, tất sẽ dẫn đến tranh cãi. Thực tế thì rất nhiều phim bị cấm mãi rất lâu sau mới được thừa nhận giá trị (nội dung và nghệ thuật) là chuyện không quá hiếm.

Từ bài học của nhiều bộ phim có số phận tương tự trên thế giới, thiết nghĩ, điều chúng ta cần làm không phải là ngồi phê phán ai đúng ai sai, rằng Hội đồng kiểm duyệt quá khắt khe, quá bảo thủ hay là đạo diễn đã quá đà khi câu khách bằng cảnh nóng, cảnh bạo lực? Điều chúng ta cần làm cũng không phải là rút kinh nghiệm những phim sau, khôn khéo hơn để “lách luật”, càng không phải là kiểm duyệt “thoáng” hơn để cho những bộ phim đáng cấm không bị cấm.

Kiểm duyệt phim là câu chuyện muôn đời gây tranh cãi, muôn đời là câu hỏi không có đáp án. Duy chỉ có một chân lý đã được chứng minh: sức ảnh hưởng, sự tác động khó cưỡng của điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung đến tâm lý, thị hiếu, và cả lối sống tư duy của một thế hệ người xem, nhất là người xem trẻ tuổi còn ít nhiều dễ bị xao động, kích động bởi tác nhân bên ngoài. Bởi thế, dù là người làm phim hay người kiểm duyệt cũng cần lấy khán giả làm thước đo, để sản xuất và để đồng ý cho công chiếu.

Đó có lẽ mới là việc cần và nên trong vấn đề này!

Ha Ny