Không lo hàng hóa Tết bị đẩy giá

10:42 | 03/12/2013

641 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối năm thường là thời điểm các loại hàng hóa bị “làm giá” chờ Tết. Trước lo ngại này của người dân, ông Nguyễn Xuân Chiến – Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: chắc chắn giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ không tăng đột biến.

Theo lời Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Tết này, các mặt hàng thiết yếu không lo bị “làm giá”

Chiều 2/12, tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức, ông Chiến cho biết: Bộ đã chỉ đạo các địa phương, ngành hàng thực hiện nghiêm việc dự trữ cung ứng hàng hóa để đảm bảo giá cả không tăng đột biến trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 11 ước đạt 226,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng 10; tính chung 11 tháng ước đạt 2.386,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng trưởng là 5,54%).

Đáng chú ý, chỉ số tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11 tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012. Trong đó, một số ngành tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ số tồn kho lớn như: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 69,9%; sản xuất đồ uống tăng 20,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 20,3%; sản xuất giầy, dép tăng 2,1 lần…

Đặc biệt sản phẩm điện tử dân dụng tồn kho tăng 83,8%, mô tô, xe máy tăng 84%.

Tồn kho trong sản xuất một số sản phẩm ước đến hết tháng 11/2013: Than tiêu chuẩn tồn hơn 6,47 triệu tấn; thép các loại gần 300 nghìn tấn; giấy khoảng 22,1 nghìn tấn; phân bón tồn 880 nghìn tấn.

Trước lo ngại giá cả hàng hóa 2 tháng cuối năm sẽ bị “đẩy” lên cao, ông Nguyễn Xuân Chiến – Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, trấn an, chắc chắn giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ không tăng đột biến.

Lý do khiến vị lãnh đạo này tự tin rằng giá cả hàng hóa dịp cuối năm sẽ không “phi mã”, là do nhiều địa phương đã tích cực thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu. Chương trình bình ổn giá thực sự trở thành công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, khẳng định được vai trò định hướng giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát và hạn chế đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường những tháng cuối năm.

Nếu trước đây các địa phương, doanh nghiệp trông chờ ngân sách Nhà nước rót về mới thực hiện chương trình bình ổn giá, thì nay các địa phương đã chủ động lên phương án dự trữ hàng Tết.

“Đến nay đã có gần 30 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về dự trữ hàng hóa Tết dịp cuối năm. Chắc chắn sẽ không có sự đột biến nào về giá” -  Vụ phó Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Thảo Nguyên