Không được quên lãng!

06:06 | 21/03/2014

1,286 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay cả nước đang rà soát lại danh sách người có công với nước chưa được hưởng chế độ nhưng để làm tốt việc này, các bộ, ngành liên quan cần rà soát ngay lại chính đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách.

Năng lượng Mới số 306

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, hàng chục vạn c (TNXP) đã đóng góp sức trẻ của mình, làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Có người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, có người mang thương tật và di chứng suốt đời, có người mất sức lao động, phải nhờ gia đình chăm nuôi. Họ hoàn thanh nhiệm vụ và thanh thản trở về quê hương mà không mảy may đòi hỏi chế độ đãi ngộ gì của Nhà nước.

Lực lượng TNXP đã trở thành hình tượng cao đẹp từ những cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Đó cũng là mô hình độc đáo trong lịch sử chiến tranh với phương châm toàn dân, toàn diện ở nước ta. Công lao của họ được đời đời ghi nhớ. Nhưng tiếc thay, một thời gian dài sau chiến tranh, họ đã bị lãng quên!

Hội Cựu TNXP Việt Nam cho biết, trong số hơn nửa triệu cựu TNXP thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, hiện đã xác định được danh sách của hơn 420 nghìn người. Mặc dù từ năm 2005 đến nay đã có những văn bản giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng này, nhưng tới giờ vẫn còn hàng vạn người chưa được hưởng chế độ, trong đó chủ yếu là do thất lạc giấy tờ và những bất cập trong các văn bản hướng dẫn. Hiện còn khoảng 52 nghìn cựu TNXP chưa được hưởng bảo hiểm y tế. Bức xúc nhất vẫn là hơn 7 nghìn trường hợp chưa được công nhận là thương binh, 681 trường hợp chưa được công nhận là liệt sĩ và khoảng 11 nghìn người và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ. Hai tỉnh Thanh Hóa và Thái Bình có số lượng TNXP cao nhất.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm mà đến nay số cựu TNXP được giải quyết chế độ chính sách mới chỉ chiếm 70%. Ước tính, hiện cả nước còn 13 vạn cựu TNXP và 30.000 thanh niên xung kích phục vụ biên giới chưa được giải quyết chế độ chính sách. Một trong những lý do của tình trạng này là nhiều cựu TNXP không còn hồ sơ, giấy tờ để chứng minh mình là đối tượng được hưởng chính sách.

Phải nói rằng, nguyên nhân chính gây ra thiệt thòi quá lớn cho các cựu TNXP chính là vì thủ tục hành chính rườm rà, lối làm việc tắc trách và vô cảm của bộ máy công quyền các cấp đối với những người có công với cách mạng. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, những thanh niên tuổi 18, đôi mươi phơi phới lên đường ra trận, có ai đòi hỏi chế độ, chính sách. Và trong chiến tranh, hồ sơ, giấy tờ thất lạc, không đầy đủ cũng là chuyện phổ biến. Nhưng khi Nhà nước có chính sách giải quyết chế độ cho họ thì các cơ quan chính sách lại có những đòi hỏi máy móc, chẳng khác gì đánh đố họ. Người có điều kiện thì chạy ngược, chạy xuôi khắp trong nam, ngoài bắc để xin xác nhận. Người già cả ốm đau, nghèo khó không thể chạy đủ giấy tờ đành chịu.

Từ nhiều năm nay, chế độ chính sách cho người có công đã từng được nhiều lần đưa ra chất vấn tại Quốc hội. Nhiều quy định bất hợp lý đã được điều chỉnh, bổ sung, thay thế. Tuy nhiên vẫn còn những quy định chưa phù hợp, chưa tháo gỡ được vướng mắc cho cựu TNXP. Nhiều người chờ đợi mãi và di chứng chiến tranh khiến họ lần lượt từ giã cõi đời mà chưa được hưởng chế độ gì. Đó là một nỗi đau mà những người làm chính sách có một phần trách nhiệm.

Từ 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 40/2011/QĐ-TTg, quy định chế độ đối với TNXP tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Mỗi lần có những thông tin về chính sách đãi ngộ người có công, TNXP lại khấp khởi mừng thầm, nghĩ mình sắp được hưởng quyền lợi. Sau 2 năm, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính mới ra được Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng. Rồi cuối năm 2013, các bộ, ban, ngành liên quan mới dự thảo được văn bản “Hướng dẫn thực hiện Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”. Thế có nghĩa là, năm nay và năm 2015, đối tượng TNXP còn phải trông đợi sự “rà soát” của liên ngành, sau đó mới được “ban phát” chế độ.

Các cựu TNXP, người trẻ nhất cũng đã ở tuổi 60. Số hưởng thọ đến 70-80 rất hiếm. Vậy mà họ vẫn tiếp tục phải chờ đợi thì hỏi rằng, đến khi được giải quyết chế độ ưu đãi thì mấy người còn sống? Đó cũng là điều đáng buồn và trở thành niềm day dứt không chỉ với cựu TNXP, thân nhân của họ mà của toàn xã hội!

Tháng 7/2013, lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tuy quá muộn mằn nhưng cũng phần nào được an ủi. Họ gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Cũng nhân dịp ấy, Báo Năng lượng Mới cùng với một số công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về chúc mừng và tặng quà, tặng nhà tình nghĩa cho một số cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ sau đó vài tháng, đã có một số cựu TNXP về cõi vĩnh hằng. Họ đã kịp chứng kiến sự ghi công của Nhà nước và hưởng chút quà tình nghĩa từ lòng hảo tâm của các cơ quan, doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn cả là hiện nay còn đến 13 vạn cựu TNXP và thanh niên xung kích phục vụ biên giới chưa được hưởng chính sách, chế độ gì. Đó mới là điều day dứt!

Vẫn phải nhắc lại rằng, việc chậm giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP là do cơ quan làm chính sách và giải quyết chính sách. Rất nhiều trường hợp là quân nhân trong lực lượng vũ trang, liệt sĩ, thương binh, nhiễm chất độc da cam… nhưng bị đòi hỏi quá nhiều thủ tục rườm rà và những yêu cầu vô lý mà gây thiệt thòi cho các đối tượng.

Gần đây nhất là việc xử lý bất nhân của ngành lao động - thương binh & xã hội tỉnh Hòa Bình đối với liệt sĩ Đặng Trường Thanh - quê phường Đồng Tiến, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (trước là số nhà 12, khu Đồng Tiến) - sinh năm 1953, hy sinh ngày 26/1/1973. Do giấy báo tử gửi về cho gia đình lại ghi nhầm tên liệt sĩ là Đặng Văn Thành nên bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Chiến công Giải phóng, Huân chương Kháng chiến được Đảng, Nhà nước truy tặng cho liệt sĩ đều ghi là Đặng Văn Thành. Đó là lỗi do trợ lý chính sách của đơn vị quân đội. Khi có sự phản ánh của gia đình, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình phải kịp thời liên hệ với đơn vị quân đội, sửa chữa và cấp lại giấy báo tử khác cho đúng với họ tên liệt sĩ. Nhưng do Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hòa Bình, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Hòa Bình đã không làm. Sau 40 năm vất vả tìm kiếm, gia đình đưa được hài cốt liệt sĩ từ Tịnh Biên, An Giang về thì lại bị chính quyền địa phương từ chối, không công nhận và không cho vào nghĩa trang liệt sĩ phường. Gia đình buộc phải an tang hài cốt liệt sĩ tại phần đất riêng của mình. Đó lại là nỗi đau xé lòng đối với những người đã có công với nước.

Từ thực trạng trên, có thể nói rằng, hiện nay cả nước đang rà soát lại danh sách người có công với nước chưa được hưởng chế độ nhưng để làm tốt việc này, các bộ, ngành liên quan cần rà soát ngay lại chính đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. Phải xử lý nghiêm minh và đuổi việc những kẻ vô tâm, vô ơn ra khỏi bộ máy hành chính. Đó mới là cái gốc của vấn đề!

Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc