"Không chọn được người tài, bộ máy chính quyền sẽ phình to"

08:47 | 18/02/2017

1,031 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người dân có quyền bình đẳng trước pháp luật, trong đó có việc tiếp cận các cơ hội việc làm và cơ quan Nhà nước có thể coi là tài sản vô giá của dân nên phải quản lý thật chặt. Các cơ quan Nhà nước không phải của riêng ai cho nên không ai có quyền cho, biếu hay tặng ai...
khong chon duoc nguoi tai bo may chinh quyen se phinh to
Nguyên đại biểu quốc hội Bùi Thị An

Sau khi nắm bắt thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh tại nhiều địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả họ làm quan”, gây bức xúc trong nhân dân, Bộ Nội vụ đã tiến hành thanh tra. Quá trình thanh tra được tiến hành từ ngày 31/10/2016 đến ngày 3/11/2016 tại 9 địa phương là Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, TP Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng.

Kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ như sau: Số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người (thực tế có 2 người không có quan hệ họ hàng). Trong đó: Số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ: 15 người; không có chức vụ: 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ: 22 người, không có chức vụ: 18 người); số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra các địa phương, đơn vị; căn cứ các quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ đã có báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện một số nội dung:

Tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được phát hiện qua kiểm tra. Rà soát điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu của các công chức, viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo kết quả kiểm tra lại tại biên bản làm việc giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan, đơn vị; xem xét theo thẩm quyền việc miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp không đáp ứng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội). Bà An cho rằng: "Cơ quan Nhà nước có thể coi là tài sản của dân, là tài sản vô giá nên phải quản lý thật chặt. Các cơ quan Nhà nước không phải của riêng ai cho nên không ai có quyền cho, biếu hay tặng ai".

“Hiến pháp 2013, quy định rất rõ mọi người dân có quyền bình đẳng trước pháp luật trong đó có việc tiếp cận các cơ hội việc làm. Trong trường hợp này tất cả mọi người có cơ hội như nhau. Nếu con cháu các đồng chí đó mà đủ tiêu chuẩn thì mình không bàn nhưng trong trường hợp báo chí thông tin về các trường hợp không đủ tiêu chuẩn thì phải bàn. Vì sao lại có những hiện tượng như vậy?” - bà An đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, theo bà Bùi Thị An, phải đặt vấn đề là trong cả một vùng mà chẳng lẽ chỉ có con cháu các đồng chí đó đủ tiêu chuẩn? Trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo với dân như thế nào? Ít ra phải có mặt bằng chung để mọi người dân được tiếp cận các cơ hội tìm kiếm công việc chứ chẳng lẽ chỉ con cháu các đồng chí mới đủ năng lực? Hơn nữa, các đồng chí ấy là công bộc của dân thì phải biết lo cho dân về việc công ăn việc làm, tạo điều kiện để họ được tiếp cận các cơ hội.

“Thời gian vừa qua, việc tuyển dụng các con ông cháu cha đã gây tâm lý hơi nặng nề trong dân đó là: Cơ quan đấy là của các ông ấy, ông ấy tuyển con ông ấy vào còn mình không có tiền thì không vào được…” - bà An cho biết thêm.

Bà Bùi Thị An cho rằng, có nhiều đồng chí làm lãnh đạo tốt, tâm huyết và tận tâm vì dân vì nước rất vô tư nhưng đâu đó vẫn còn những người khiến nhân dân mất lòng tin: “Ta phải có dân, dân ủng hộ trong suốt một chặng đường lịch sử, họ đã hy sinh xương máu, thân thể… để đổi lấy độc lập tự do như ngày hôm nay. Đến bây giờ họ tiếp tục lao động quên mình để xây dựng đất nước này nên phải thấm nhuần tinh thần của hiến pháp là nhà nước của dân do dân và vì dân. Tôi nghĩ những người nào được nhà nước giao phó, tin tưởng giao trách nhiệm thì phải làm tròn trách nhiệm đó chứ không được vơ vét cá nhân”.

Đánh giá về khâu tuyển dụng nhân sự tại các cơ quan nhà nước trong thời gian qua, bà Bùi Thị An cho hay: “Giai đoạn vừa rồi mình có tiêu chí nhưng phải nói là có những nơi tiêu chí chỉ mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất. Trong quá trình tuyển dụng đáng ra phải công bố tiêu chí công khai, phải chọn ra hội đồng chuẩn nhưng có nhiều nơi báo chí phản ánh trong thi cử còn để lộ đề… thế thì rõ ràng khâu tuyển chọn chưa đạt yêu cầu. Chính việc này dẫn đến tình trạng sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”.

Việc tuyển chọn chưa đạt yêu cầu nên không chọn được người tài, người có phẩm cách vào làm việc tại các cơ quan công quyền nên cuối cùng bộ máy cứ phình to nhưng không đạt được hiệu quả cao.

Theo bà Bùi Thị An, cần phải thu gọn bộ máy, giảm biên chế vì trong giai đoạn vừa rồi việc tuyển dụng cán bộ chưa đạt yêu cầu. Việc giám sát tuyển dụng cũng chưa đạt yêu cầu nên mới có nhiều cán bộ vi phạm pháp luật.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, bà Bùi Thị An đề nghị để dân giám sát việc tuyển dụng. Các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng phải công bố công khai tất cả các thông tin như: Đơn vị nào tuyển, cần tuyển những vị trí nào và những ai tham gia dự thi. Minh bạch công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân biết bởi dân có quyền giám sát.

Ngoài ra, cũng cần công khai chế tài xử lý để xem có đủ mạnh không chứ không thể để một trường hợp bị kỷ luật ở đơn vị này lại được điều chuyển sang đơn vị khác làm lãnh đạo thế thì không có nghĩa lý gì. Việc công khai chế tài xử lý để xem có đủ mạnh không, có đúng tội không chứ nếu chỉ rút kinh nghiệm thì không có tác dụng.

Minh Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc