Khơi thông đầu tư điện sinh khối Việt Nam

15:01 | 21/04/2020

2,341 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Là một cường quốc nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… Quyết định tăng giá mua điện sinh khối của Chính phủ lên ngang tầm điện gió và điện mặt trời đang được hy vọng sẽ khơi thông nguồn đầu tư vào dạng năng lượng sạch này.

Trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, giá dầu thế giới tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.

khoi thong dau tu dien sinh khoi viet nam
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (sản xuất mía đường) tại tỉnh Phú Yên đã xây dựng và trực tiếp sử dụng nhà máy điện sinh khối từ bã mía.

Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người.

Hằng năm, tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Theo số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn, mỗi năm Việt Nam có thể thu được hàng trăm MW điện. Phế phẩm nông nghiệp rất dồi dào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp toàn quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng với 15% tổng sản lượng toàn quốc.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện sinh học đang được triển khai. Tại miền Bắc, dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, công suất 40 MW, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2013 với sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm.

Tại miền Nam, Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đã chuẩn bị thủ tục để đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sinh khối (biomass) tại khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) có công suất thiết kế 19 MW, cung cấp hơi nước 70m3/giờ. Nguyên liệu thô cung cấp cho nhà máy hoạt động chủ yếu từ thực vật ngành nông - lâm nghiệp. Tập đoàn sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý và dự án có thể hoàn thành vào năm 2015.

Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại KCN Trà Nóc 2 (TP Cần Thơ) do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Đình Hải đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 20 tấn hơi nước/giờ. Nhà máy có công suất phát điện 2 MW khi vận hành ở chế độ không sản xuất hơi nước. Giai đoạn 2 của sẽ đầu tư turbine 3,7 MW cấp điện lên lưới quốc gia.

khoi thong dau tu dien sinh khoi viet nam
Bã mía chuẩn bị đưa vào nhà máy nhiệt điện sinh khối tại Công ty Mía đường Lam Sơn.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó sửa đổi quy định giá điện đối với dự án điện sinh khối.

Cụ thể, đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh tương đương 7,03 UScent/kWh (quy định cũ là 1.220 đồng/kWh tương đương 5,8 UScent/kWh), theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScent/kWh, theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Giá mua điện quy định nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của đồng đô la Mỹ (tính tương đương UScent/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.

Các dự án điện sinh khối đã vận hành phát điện trước thời điểm 5/3/2020 được áp dụng mức giá mua điện nêu trên kể từ ngày 25/4/2020 cho thời gian còn lại của hợp đồng mua bán điện đã ký.

Chi phí mua điện từ các dự án điện sinh khối nêu trên được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các dự án điện sinh khối áp dụng giá mua điện theo quy định này không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

Có thể thấy rằng, với việc tăng giá mua cho điện sinh khối lên gần 2.000 đồng/kWh điện, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm thu hút đầu tư toàn diện cho năng lượng tái tạo, giải quyết tận gốc bài toán về nguồn điện cho đất nước.

Hiện nay, Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện nhà máy nhiệt điện sinh khối tại khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc với công suất 19 MW, cung cấp hơi nước 70m3/giờ; Nhà máy điện sinh khối đốt trấu tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Đình Hải đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với công suất 20 tấn hơi nước/giờ.

Tùng Dương

khoi thong dau tu dien sinh khoi viet nam

Làm sao để doanh nghiệp mặn mà với điện sinh khối?
khoi thong dau tu dien sinh khoi viet nam

Điện sinh khối có thể bán được tới gần 2.000 đồng/kWh
khoi thong dau tu dien sinh khoi viet nam

Điện sinh khối - nguồn năng lượng tái tạo hữu ích