Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI năm 2013:

Khơi lại trách nhiệm với Tổ quốc

07:00 | 26/02/2013

835 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rằm tháng Giêng (24/2) là chính hội Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI năm 2013 diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Song từ nhiều ngày qua, tại đây đã diễn ra hoạt động thi thơ, chuẩn bị gian thơ của 8 trường đại học, các CLB thơ trong cả nước. Với những cảm thức thiêng liêng về Tổ quốc được thể hiện trong một không gian và thời gian trang trọng như vậy, Ngày Thơ xuân Quý Tỵ đã trở thành điểm hẹn văn hóa cho những người yêu thơ, một lễ hội đặc biệt in dấu ấn đậm nét trong lòng trí thức trẻ Việt Nam.

Tuổi trẻ và Tổ quốc

Đặc biệt với chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc”, mà nòng cốt là lực lượng sinh viên tại các trường đại học, Ngày Thơ năm nay đã khơi lại một mạch nguồn thi ca thực sự ý nghĩa với đời sống đương đại và giới trẻ được coi là chủ thể ở cả hai sân thơ. Ban Tổ chức đã mời những cây bút trẻ hiện nay làm chủ lực và lựa chọn những tiết mục đặc sắc của sinh viên các trường để trình diễn trong ngày hội chính và đánh dấu sự trở lại của Sân Thơ trẻ. Trước đó, trong hai đêm 13 và 14 tháng Giêng (tức ngày 22 và 23/2), sân khấu Ngày Thơ Việt Nam đã sôi nổi với cuộc thi sáng tác và trình diễn thơ của sinh viên 8 trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện Cảnh sát nhân dân; Nhạc viện Hà Nội, Đại học Văn hóa; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Các tiết mục thơ của sinh viên có phần nghiêng nhiều về tạp kỹ, biểu diễn hơn là các tác phẩm tự sáng tác

Đến với Ngày Thơ năm nay, những người trẻ tuổi có dịp thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước, với thơ ca và sự mến mộ tài năng của vị lãnh tụ, nhà thơ lớn của dân tộc Hồ Chí Minh qua các phần thi: trình diễn thơ, đọc thơ Bác... Nổi bật trong số đó, các bạn trẻ đến từ Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cống hiến cho người yêu thơ một “nhạc phẩm thơ” với giai điệu quan họ mượt mà, êm dịu qua việc phổ nhạc một bài thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch...

Đồng hành cùng những “hạt giống” thơ năm nay là nhóm “Link hương cửu kiếm” gồm 9 nhà thơ trên khắp mọi miền đất nước có những tác phẩm chất lượng, gây tiếng vang trong thời gian gần đây. Họ đã cùng hòa ca với các tiết mục trình diễn của sinh viên các trường đại học trong chủ đề lớn “Tuổi trẻ với Tổ quốc”.

Đây vừa là điểm mới của Ngày Thơ năm 2013, vừa là cuộc huy động về tinh thần Tuổi trẻ với Tổ quốc và lịch sử đã chứng minh thi ca là cầu nối cho sự gắn bó máu thịt này. Qua hai cuộc kháng chiến, bao thế hệ thanh niên đã mang theo những vần thơ ra trận. Hiếm có cuốn sổ tay thanh niên, sinh viên nào những năm tháng ấy không có những bài thơ về tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc. Và trong thời bình, không ít sinh viên, thanh niên “trong những phút ngã lòng” đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”.

Đề tài này không mới, chỉ là sự trở lại đúng lúc trong thời điểm hiện nay, khi đất nước đang đứng trước vô vàn thách thức, khi tâm hồn con người nói chung, tuổi trẻ nói riêng đang có nguy cơ ngày một “sa mạc hóa”.

Một điều quan trọng khác, Ngày Thơ Việt Nam 2013 có thể xem như một sự minh chứng cụ thể cho hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và ngành giáo dục và đào tạo: Văn học sẽ phải được phát triển xứng đáng trong “thánh đường” của nó là nhà trường như phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Họ có thể trở thành nhà thơ hay không qua những cuộc thi này, chưa hẳn đã phải là điều quan trọng nhất. Từ thi ca, qua thi ca, họ biết yêu, trân trọng hơn gia đình, quê hương, Tổ quốc của mình, đó mới là đích đến cần thiết nhất.

Vẫn chưa ấn tượng

Có thể nói, mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng với thời gian kéo dài nhưng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI chưa thật sự gây ấn tượng trong lòng những người yêu thơ và chưa có nhiều bài thơ xuất sắc, nêu bật được tinh thần của chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc”.

Trong hai đêm thi thơ dành cho sinh viên đại học, vào ngày 22 và 23/2 (tức 13 và 14 tháng Giêng âm lịch), các tiết mục được trình diễn chủ yếu là biểu diễn ca nhạc, đọc và minh họa thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ chưa có nhiều tác phẩm do sinh viên tự sáng tác, tự dàn dựng và mang tới hội thơ. Mặc dù hầu hết các tiết mục ca nhạc được đánh giá là hoành tráng, công phu, nhưng số lượng các tiết mục quá nhiều khiến cả hai đêm thơ trở nên thiếu điểm nhấn và nghiêng về tạp kỹ. Thêm vào đó, có một số trường chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đối với các tiết mục tham gia Hội Thơ, dẫn tới tình trạng quên câu, quên từ; thậm chí, nhiều sinh viên, giảng viên phải cầm giấy đọc lại những bài thơ kinh điển như “Ca sợi chỉ” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), “Theo chân Bác” (Tố Hữu).

Nhà thơ Vũ Quần Phương (thành viên Ban Giám khảo đêm thơ cho sinh viên) cho biết, hầu hết các tác phẩm đều chưa có điểm nhấn đặc biệt, chưa nêu bật được chủ đề và chưa tạo được nhiều ấn tượng đối với người yêu thơ. Nhà thơ chia sẻ: Chủ đề đưa ra năm nay “Tuổi trẻ và Tổ quốc” cho thế hệ thanh niên, mà cụ thể là qua sự thể hiện của sinh viên 8 trường đại học không quá to tát so với các bạn. Các bạn có hăng hái nhưng lại chưa có sự sâu sắc cần có. Có nhiều bài thơ chưa phù hợp với tiêu chí của chủ đề năm nay, đi vào tình cảm riêng lẻ chứ chưa thể hiện được tình yêu lớn với Tổ quốc. Thơ còn mang giọng xã luận, báo chí chưa nói được tính trữ tình, làm rung động, có thể đi vào lòng người. Ngoài ra, một số bài thơ tham gia đêm thi còn thể hiện sự cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời, không hợp với hoàn cảnh, cũng như tinh thần thanh niên, tinh thần yêu nước mà Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đã hy vọng.

Thêm vào đó, nhiều người tỏ ra khá thất vọng về cách tổ chức biểu diễn các tiết mục đọc và trình diễn thơ. Cách bày trí, dàn dựng các tiết mục thể hiện rõ sự thiếu đồng nhất và không nêu bật được chủ đề mà Ngày Thơ Việt Nam đưa ra là “Tuổi trẻ và Tổ quốc”. Ngoài tiết mục được dàn dựng và tập luyện kỹ lưỡng như “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến được NSƯT Thanh Vinh và dàn nhạc dân tộc trình diễn; các tiết mục còn lại chỉ do tác giả đọc “chay”, ít nhiều gây nên cảm giác nhàm chán cho khán giả. Có lẽ cũng chính vì lý do ấy mà những khán giả kiên nhẫn ngồi xem phần lớn vẫn là những người lớn tuổi; còn tuổi trẻ thì bận đi chụp hình nhiều hơn vì Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày khai mạc được trang hoàng rực rỡ, bắt mắt hơn ngày thường.

Tuy nhiên, qua các hoạt động thiết thực, Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã thực sự trở thành là hạt nhân chính, lan tỏa hoạt động hướng đến thi ca, bồi bổ văn hóa đọc… đến với nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là tuổi trẻ, thanh niên. Và thông qua những vần thơ lấy cảm hứng từ tình yêu đất nước như “Những chuyến đi dài hơn cuộc đời” của Lữ Thị Mai (ĐH Văn hóa Hà Nội). Dẫu sao Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI vẫn thể hiện kết tình yêu Tổ quốc, sự kết tinh tài năng thơ ca của các nhà thơ, nhất là các nhà thơ trẻ mà còn là những nghĩ suy về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vương Tâm

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.