Khổ như ngân hàng đòi nợ xấu
Vấn đề nợ xấu cao đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và tính lành mạnh của các ngân hàng. Nguyên nhân để xảy ra nợ xấu thì rất nhiều, bao gồm cả nguyên nhân từ phía ngân hàng, từ khách hàng hay do tác động khách quan từ môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, xuất phát từ lý do nào thì thực tế, nợ xấu đang bào mòn lợi nhuận và làm hụt vốn của cácngân hàng, trong đó, nhiều ngân hàng đã rơi vào trạng thái âm vốn chủ sở hữu.
Vì vậy, mục tiêu thu hồi nợ xấu được các ngân hàng đặt ra như một nhiệm vụ sống còn. Nhiều bộ phận chuyên trách về thu hồi nợ xấu được lập ra. Các ngân hàng còn thành lập Khối Xử lý nợ hay công ty con AMC với nhân sự lên tới hàng trăm người để phục vụ cho quá trình xử lý các khoản nợ xấu này.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc nhân viên ngân hàng đồng thời bị giao cả ba chỉ tiêu: huy động vốn, tín dụng và thu hồi nợ là áp lực không hề nhỏ. Trong đó, chỉ tiêu thu hồi nợ là “khoai” nhất và khiến nhiều nhân viên ngân hàng ngán ngẩm nhất.
Về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng luôn có điều khoản về việc ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khách hàng để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, để xử lý những TSBĐ này thì tốn quá nhiều công sức và chi phí khiến cho nhiều ngân hàng phải kêu trời vì quá trình thu hồi nợ này.
Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/12/2006 của Chính phủ về, Điều 63 quy định: Tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền yêu cầu bên giữ TSBĐ (khách hàng – PV) phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản (ngân hàng – PV) theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đồng thời, nghị định này cũng nêu rõ: Trong quá trình tiến hành thu giữ TSBĐ, nếu bên giữ TSBĐ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý TSBĐ có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ.
Như vậy, Nghị định một mặt cho phép ngân hàng được quyền thu giữ TSBĐ cho mình nhưng trong trường hợp bị chống đối, cản trở,… thì chỉ quy định: ngân hàng được yêu cầu cơ quan chức năng giữ gìn trật tự để ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản. Xét về trách nhiệm, cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ bằng quyền hạn giữ gìn an ninh chung chứ hoàn toàn không tham gia vào chuyện bảo vệ quyền thu hồi TSBĐ hợp pháp của ngân hàng nếu xảy ra chống đối, cản trở.
Quy định là thế nên trong trường hợp ngân hàng gặp phải khách hàng chây ì, manh động thì khả năng thu hồi TSBĐ là rất thấp. Khi ngân hàng thực hiện mạnh tay như thuê bên thứ ba tiến hành niêm phong nhà, chặn thu giữ ô tô cũng rất dễ bị kiện ngược lại về vi phạm quyền công dân hay xâm phạm quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp: công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất...
Nhiều trường hợp, khách hàng dựa vào chính quy định tại điều 63 Nghị định trên để buộc ngân hàng phải đưa vụ việc ra tòa án giải quyết. Quá trình khởi kiện tốn rất nhiều công sức, vả lại, trong trường hợp ngân hàng khởi kiện thắng khách hàng vay thì cơ quan thi hành án cũng yêu cầu ngân hàng và khách hàng vay hay người thi hành án phải thỏa thuận với nhau về việc mua chỗ ở mới. Chi phí để mua chỗ ở mới cho khách hàng vay hoặc người bảo lãnh được xác định trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương và điều kiện sống tối thiểu cho những người đang sinh sống trong ngôi nhà thế chấp bị cưỡng chế. Như vậy, xử lý xong TSBĐ của khách hàng thì chưa chắc đã bù đắp được số nợ cần thu hồi và chi phí bỏ ra trong quá trình khởi kiện. Chính vì các trở ngại này mà nhiều ngân hàng gặp khó hay gần như không thể thu hồi được nợ dù TSBĐ của khách hàng là có.
Theo báo cáo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 diễn ra sáng nay 24/6 vừa qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tiếp tục xử lý nợ xấu. Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đúng và tích cực bán nợ cho VAMC. Nhiệm vụ chính trị được đặt ra cho toàn ngành ngân hàng: “Đến tháng 9/2015sẽ đưa nợ xấu về dưới 3%”. Như vậy, nhiệm vụ 3 tháng tiếp của các ngân hàng là rất nặng nề, khi mà đâu đó, vẫn còn thống kê không chính thức cho rằng, nợ xấu một số ngân hàng đang ở mức cao hơn con số 3% rất nhiều. Và hơn ai hết, người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là các nhân viên thu hồi nợ tại các ngân hàng sẽ phải hoạt động hết công suất và vận dụng hết các kỹ năng để có thể thu được nợ cho ngân hàng – càng nhiều càng tốt.
Hiện, tại đa số các ngân hàng đã giao chỉ tiêu đánh giá công việc theo chuẩn KPI, tức là giao và đánh giá công việc dựa trên kết quả thực hiện cụ thể hàng tháng làm cơ sở để trả lương, thưởng. Đối vớinhân viên ngân hàng công tác tại bộ phận xử lý nợ, KPI của họ tập trung vào kết quả thu hồi được bao nhiêu tiền trong tổng số nợ xấu được giao quản lý, tiếp xúc gặp gỡ khách hàng bao nhiêu lần… trong khi khách hàng có nợ xấu thì “lẩn như chạch” thì việc thực hiện các chỉ tiêu này khó chẳng khác gì lên Trời cả.
Thay lời kết, xin trích lời tâm sự của nhân viên xử lý nợ của một ngân hàng để thấy được những nỗi khổ của công việc này: “Việc hàng tháng bị cắt lương do không đạt KPI là chuyện rất bình thường chứ thưởng là điều quá viển vông đối với bọn em. Vì vậy, đa số mọi người trụ lại với công việc này không lâu do lương không đủ sống.Nhân sự phòng em chủ yếu là các nhân viên tín dụng trước đây thực hiện cho vay khách hàng, nay khoản cho vay này chuyển thành nợ xấu thì bị điều chuyển qua bộ phận xử lý nợ để giải quyết hậu quả. Các sếp giao: khi nào đòi được thì mới thôi”.
Thành Trung
(Năng lượng Mới)
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số
-
Thuyết âm mưu về chính sách của OPEC+?