Kho 47 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội – nơi “tập kết” nhiều bất cập dân sinh

07:00 | 27/08/2013

2,012 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã từ lâu, kho tập kết hàng hóa ở địa chỉ 47 Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến, đơn thư phản ánh về tình trạng xả rác, phun sơn gây độc hại cho sức khỏe người dân và môi trường sinh thái nơi đây. Bãi đất này có diện tích khoảng 1.500m2, hiện thuộc quyền quản lý của Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi – Cửa hàng Thương mại Cát Linh. Không chỉ có thế, người dân sống xung quanh còn kiến nghị về tình trạng một số người lao động ở đây thường xuyên tụ tập đánh bạc gây mất trật tự khu vực. Dân đang mỏi mòn chờ phường giải quyết những vấn đề dân sinh nhức nhối này.

Nghẹt thở vì mùi sơn xe máy cứ “cuốn theo chiều gió”

Trước đây, khu bãi hàng 47 Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) là nơi sản xuất, trưng bày, buôn bán nhiều loại gạch men, đá ốp, vật liệu xây dựng với nhiều cửa hàng mọc san sát nhau. Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi đã ký hợp đồng cho thuê mặt bằng sản xuất với hơn chục cơ sở sản xuất gạch đá ốp lát này. Mọi rắc rối bắt đầu bùng phát khi cách đây 5-6 tháng, chủ một cơ sở sản xuất gạch men (sau khi đã ký hợp đồng thuê mặt bằng sản xuất của Công ty Tràng Thi) đã nhượng lại quyền thuê đất kinh doanh của mình cho cửa hàng sơn Hùng chuyên sơn, tân trang, gò hàn ôtô, xe máy ở địa chỉ 25 ngõ 49 Cát Linh. Từ ngày mới chuyển về, cơ sở sơn xì, gò hàn ôtô, xe máy này do anh Trương Việt Hùng làm chủ đã nhiều lần phun sơn gây mùi độc hại, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân sống xung quanh.

Điều đáng nói là cơ sở sơn xì, gò hàn này nằm ở cuối bãi, lại ở chỗ kín gió và sát khu dân cư 9D phường Cát Linh, thế nên cứ mỗi lần những người thợ phun sơn tạo màu cho xe của khách là mùi sơn lại nồng nặc, theo chiều gió tạt vào nhà dân gây khó chịu, thậm chí khó thở cho họ.

Cơ sở sơn xì, tân trang, gò hàn ôtô, xe máy Hùng

Chị Vũ Trần Thu Hương (số 34, ngõ 129 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội) – một người dân sống ngay phía sau cơ sở sơn này bức xúc cho biết: “Nhà tôi là một trong những nhà chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơ sở sơn này. Cứ một vài hôm, khi đến bữa ăn hoặc giờ nghỉ trưa của gia đình là mùi sơn bên ấy lại theo gió lùa vào cửa sổ khiến cho tôi không ăn không ngủ được. Tôi và nhiều hộ khác đã viết đơn đề nghị gửi lên UBND phường Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) và một số cơ quan báo đài để nhờ can thiệp. Tôi biết ai cũng phải làm ăn kiếm sống mưu sinh, không ai muốn căng thẳng với nhau làm gì cả. Thế nhưng, thực sự là chúng tôi quá bức xúc vì mùi sơn và cách cho thuê mặt bằng sản xuất thiếu trách nhiệm, không nghĩ đến cuộc sống người dân xung quanh của lãnh đạo Công ty Tràng Thi”.

Trao đổi với người viết về vấn đề này, anh Nguyễn Cảnh Đông (cán bộ Địa chính đô thị UBND phường Cát Linh, quận Đống Đa) cho biết: “Bên lãnh đạo phường cũng đã nhận được đơn thư phản ánh của khu dân cư về trường hợp của cơ sở sơn xì Hùng. Phường cũng đã phối hợp với công an quận tiến hành kiểm tra và lập biên bản cơ sở. Hiện trạng khi chúng tôi kiểm tra thì cơ sở đó chưa xuất trình được giấy phép kinh doanh. Đây là cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, hôm thì mở, hôm thì không. Hôm kiểm tra thì cơ sở đó không hoạt động nên chúng tôi chưa kiểm tra được mức độ gây ô nhiễm môi trường của nó. Bên công an và UBND phường cũng đã có công văn gửi UBND quận Đống Đa báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Hiện tại cấp trên chưa có ý kiến chỉ đạo để giải quyết triệt để vấn đề này".

Anh Trương Việt Hùng (chủ quản lý cửa hàng sơn xì, gò hàn, tân trang ôtô xe máy Hùng) chia sẻ: “Nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo bên môi trường thì tôi cũng tiến hành lắp đặt máy móc phun sương, quạt hút hai đầu rồi lại đưa vào túi vải để lọc khí nên so với trước khi chưa lắp, hiệu quả giảm mùi sơn đã đạt đến 80%. Vì nói thật là làm nghề này mà để không có mùi sơn thì không ai dám nói trước được”.

Được biết, cách đây không lâu, cơ sở sơn xì của anh Hùng đã được cán bộ phường và đại diện Cảnh sát môi trường quận đến kiểm tra và xử phạt hành chính khoảng vài triệu đồng.

Đất Nhà nước thành bãi rác tự phát và nơi con bạc sát phạt

Thực chất, khu tập kết hàng hóa ở địa chỉ 47 Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội mặc dù thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Tràng Thi nhưng đây là đất nằm trong diện quy hoạch của Nhà nước sắp tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Theo kế hoạch, đây là điểm khởi đầu của tuyến đường sắt trên cao với trọng tâm xây dựng là nhà ga Cát Linh nằm ở giao cắt đường Giảng Võ và Cát Linh. Thế nhưng, không hiểu có phải do việc chậm trễ giải phóng mặt bằng và thiếu sự quản lý, kiểm tra, giám sát sát sao của lãnh đạo Nhà nước hay không mà khu tập kết hàng hóa này đã và đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập dân sinh nổi cộm?

Rác thải chất thành đống ở bãi đất cạnh cơ sở sơn Hùng

Hiện tại, hầu hết diện tích của khu đất này được lãnh đạo Công ty Tràng Thi cho nhiều chủ cơ sở gạch men, đá ốp lát thuê để tiến hành sản xuất và kinh doanh. Theo phản ánh của nhiều người dân sống xung quanh, các công nhân gạch ngói nơi đây thường xuyên phóng uế ra bãi đất này, càng khiến cho băi đất thuộc diện quy hoạch của Nhà nước trở nên mất vệ sinh môi trường và phản cảm hết sức.

Cô N.T.B.H (một người dân sống ngay sau bãi đất đó) bức xúc cho biết: “Thấy họ đã xả rác vô tội vạ lại còn phóng uế gây mất vệ sinh môi trường ngay sát khu dân cư như thế, tôi đã nhắc nhở nhưng nói mãi mỏi miệng, họ vẫn lờ đi, chẳng tiếp thu gì. Có lẽ những kẻ vô ý thức này nghĩ rằng họ chỉ là người làm thuê cứ hết giờ làm việc thì về, đất này là đất hoang nên muốn làm gì thì làm, chẳng ai quản".

Chưa hết, con đường dẫn vào từ đầu kho hàng đến cuối bãi này liên tục “được” trải đầy gạch ngói vỡ, rác rưởi bẩn thỉu, gây cảm giác hết sức tồi tàn, tạm bợ. Ngay sát bãi rác tự phát vừa hôi thối, vừa mất vệ sinh đó là một quán nước - nơi thường xuyên tập trung nhiều người lao động trong kho bãi hàng đến “uống nước thì ít mà cờ bạc thì nhiều”. Họ không đánh bài cho vui mà thường tổ chức tụ tập đánh ăn tiền, sát phạt nhau suốt từ sáng đến tối mịt bất chấp ngay sát họ là bãi rác không lấy gì làm sạch sẽ và thơm tho cho lắm.

Nhiều người dân sống xung quanh còn phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mà những người làm thuê này gây ra. Cô Vũ Trần Thu Hương bức xúc: “Không chỉ đánh bạc, họ còn thường xuyên cãi vã om tỏi, gây mất an ninh trật tự nơi đây”. Thêm nữa, cứ vài ba ngày, những người thợ ở bãi hàng này lại vứt hàng đống gạch men phế phẩm trong quá trình sản xuất ra “bãi rác tự phát” kia khiến cho nơi đây càng ngày càng mất vệ sinh và ô nhiễm.

Xử lý bất cập kiểu “đánh trống bỏ dùi”?

Trao đổi về những vấn đề này, ông Nguyễn Thế Dũng (Trưởng đơn vị Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, Cửa hàng Thương mại Cát Linh) thừa nhận: “Đây không phải là lần đầu tiên dân gửi đơn kiến nghị giải quyết tình trạng phun sơn gây mùi độc hại của cơ sở sơn Hùng. Bên công an, Cảnh sát môi trường ở quận đã về làm việc với chủ cơ sở sơn đó có sự chứng kiến của tôi. Nếu như bên cơ sở sơn đó khắc phục được thì chúng tôi sẽ để tồn tại, còn nếu như các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền thấy việc sản xuất của cơ sở này gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường là tôi cho dừng”.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết đến thời điểm này chưa có ai là đại diện của bên công an hay phòng tài nguyên môi trường quận đến làm việc trực tiếp với mình về vấn đề này cả mà họ chỉ một hai lần đến làm việc với bên cơ sở sơn xì kia. Thế nên, ông cũng chỉ thỉnh thoảng đến nhắc nhở chủ cơ sở kia về vấn đề này.

Theo như ông Dũng thì đến tháng 9, cơ quan chức năng tiến hành giải phóng mặt bằng khu đất này để xây dựng nhà ga Cát Linh phục vụ cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nên các cơ sở sơn và gạch men, vật liệu xây dựng ở đây cũng phải chuyển đi hết. Vì vậy, có lẽ vị đại diện thuê đất này nghĩ không cần thiết phải xây dựng, cải tạo hay chỉnh đốn gì cả vì đằng nào Nhà nước chả bắt những hộ kinh doanh và văn phòng công ty ông tại đây phải di dời chăng?

Hiện trạng sản xuất và kinh doanh ở kho tập kết hàng hóa ở địa chỉ 47 Cát Linh đã và đang tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc dân sinh. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng từ cơ sở đến thành phố và Trung ương cần kiên quyết mạnh tay xử lý nghiêm khắc và đồng bộ những cá nhân vi phạm, trả lại cuộc sống yên bình cho những người dân lương thiện và sớm triển khai giải phóng mặt bằng, di chuyển những hộ kinh doanh nằm trong diện giải tỏa ở đây để một mặt yên dân, một mặt lợi nước giúp dự án đường sắt trên cao sớm được triển khai và đi vào hoạt động, phục vụ dân sinh. 

                                                                                 Đăng Đức