Khi phim hài không thể gây cười…

10:54 | 07/09/2012

909 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phim hài mà không thể gây cười là thất bại. Nhưng không phải vì phim không có tình tiết để chọc cười mà là tình tiết ấy quá ngô nghê và nhảm!

Hiếm có một phim điện ảnh Việt nào chưa ra rạp đã “được” hầu như tất cả các báo đưa tin nhưng phim hài “Nàng men chàng bóng” công chiếu trong dịp 2/9 vừa qua đã làm được điều đó! Song, không phải là những lời khen ngợi vì đây là một bộ phim xuất chúng mà đó là những lời chê bai vì siêu nhảm!

Thể loại phim hài kiểu như Nàng men chàng bóng không phải bây giờ mới có, nó đã xuất hiện từ khá lâu rồi. Và sự bộc phát của nó cũng đã manh nha vài năm nay từ khi xuất hiện Thiên sứ 99 vào tết 2009 đến gần đây là Hello cô Ba, Công chúa teen và ngũ hổ tướng hay Hoán đổi thân xác, Gia sư nữ quái... Chiêu làm những phim hài này khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian và tiền của đầu tư. Đó là nhà sản xuất tập hợp nhiều danh hài đang ăn khách lại cho họ diễn như tấu hài trên sân khấu với một kịch bản hài ngô nghê và lối dàn dựng thiếu chuyên nghiệp. Phim được thực hiện trong một thời gian ngắn, thậm chí chỉ cần một vài tháng là đã sản xuất ra một phim hài hước kiểu như thế để ra rạp!

"Nàng men chàng bóng" - phim hài được cho là siêu nhảm gây ồn ào trên báo chí suốt tuần qua

Một trong những tên tuổi gắn với thể loại hài này chính là hãng phim Phước Sang của ông bầu Phước Sang. Tuy nhiên mức độ hài nhảm của Phước Sang xem ra vẫn còn chấp nhận được và nhu cầu của thị trường với thể loại này vẫn còn, thậm chí khá nhiều bởi năm nào hài của Phước Sang cũng thắng lớn trong mùa phim Tết với doanh thu ngất ngưởng! Và có lẽ chính vì lý do doanh thu mà phim hài đã dần trở thành thứ cám dỗ không thể cưởng lại với nhiều nhà làm phim tư nhân. Nó đã khiến cho họ bỏ ngoài tai những lời chê bai thậm tệ và nó càng cũng cố niềm tin cũng như động lực làm phim hài nhảm nhí, dễ dãi.

Những nhà làm phim này lý sự rằng họ phục vụ cho thị hiếu của công chúng bình dân. Và thách thức mọi lời chê bai chỉ trích của dư luận bằng tuyên bố: “Nếu thích sự cao siêu, đừng xem phim của tôi” như lời tuyên bố của đạo diễn Lê Bảo Trung khi phim Gia sư nữ quái không nhận được sự ủng hộ của truyền thông và công chúng.

Tuyên bố đó không sai, bởi tiêu chí ban đầu của họ là làm phim hài nhảm để phục vụ cho công chúng bình dân, xem phim để lấy tiếng cười mà chẳng cần soi xét hay suy nghĩ gì, cũng chẳng cần rút ra ý nghĩa hay bài học gì từ nội dung của phim. Và nếu thích hài cao siêu, gây cười thâm thúy thì đừng xem hài nhảm hoặc đã xem thì đừng có chê bai! Như vậy rõ ràng là công chúng không có lý do gì để có thể trách họ, những nhà làm phim hài nhảm được! Bởi không thích xem thì hãy cứ chờ đợi những phim hài trí tuệ, tinh tế khác mà xem!

Có một thực tế đáng buồn là cả nước mỗi năm chỉ có khoảng chục phim nhựa được chiếu thương mại trên các rạp toàn quốc, và thể loại phim hài thì không có nhiều, chỉ chiếm vài phim trong số ấy. Thế nhưng vài phim ấy lại toàn là hài nhảm thì thử hỏi, khán giả sẽ xem gì?! Họ chẳng còn lựa chọn nào khác, hoặc quay lưng hoặc là xem xong rồi ức mà không thể nói gì! Ừ, thì ta không thể trách gì những nhà làm phim hài nhảm được nhưng chắc chắn rằng đại bộ phận khán giả trong chờ vào một phim hài tử tế trên màn ảnh rộng sẽ nghi ngại rằng họ là những nhà làm phim bất tài và cả những hãng phim làm việc theo kiểu chụp giựt để cho ra đời những phim dễ dãi và rẻ tiền như thế!

Cảnh trong phim "Nàng men chàng bóng"

Trở lại câu chuyện về bộ phim hài được cho là siêu nhảm gây ồn ào trên báo chí suốt tuần qua, “Nàng men chàng bóng” của đạo diễn nổi tiếng Võ Tấn Bình, đạo diễn nổi tiếng với phim truyền hình Hương phù sa. Chuyện phim kể về hai cư dân “hổng giống ai” ở vùng sông nước miền Tây, Rạch Giá. Một là Nàng Men Út Chót (diễn viên Đinh Ngọc Diệp), là con gái mà tóc gọt ngắn như giang hồ, áo thun quần dù, balô bộ đội, với đam mê lớn nhất là cưỡi ca-nô, phóng dây thòng lọng, múa côn nhị khúc để trừng trị kẻ gian.  Còn lại là Ẽo Ợt – Chàng Bóng (Ngô Kiến Huy), con trai mà da trắng như bông bưởi, dáng đi dịu dàng, giọng nói thánh thót, và đặc biệt là vô cùng khéo tay.

Vào một ngày kia, Út Chót đột nhiên bị vạ lây vào phi vụ thứ 100, được xem là khó khăn nhất trong những gì cô đã trải qua: giải cứu Ẽo Ợt khỏi đại nạn… lấy vợ là Út Hường (Kim Hiền). Chẳng những vậy, nhiệm vụ của Út Chót còn phải tác hợp cho Ẽo Ợt đến với chàng “bạch mã hoàng tử” của lòng anh là Hùng (Đức Tiến). Cuộc phiêu của “nàng men – chàng bóng” bắt đầu. Bất cứ nơi nào họ đi qua luôn để lại phía sau những trận cười ngặt nghẽo, để rồi dẫn tới một cái kết có nằm mơ đi nữa thì Út Chót mà Ẽo Ợt cũng không ngờ tới, đó là cả hai thành đôi!

Khi xác định Nàng men chàng bóng là phim hài nhảm (hay thậm chí siêu nhảm), xem để cười rồi thôi (mặc dù chưa chắc có thể gây cười vì sự ngô nghê của tình tiết) thì không có gì phải bàn. Nhưng nếu chú ý về nội dung và tính nghệ thuật của phim và nhất là so sánh phim này với những phim truyền hình nổi tiếng như Hương phù sa của chính đạo diễn thì phim này đúng là “thảm họa” hay như nhiều người vẫn gọi đó là “siêu nhảm”. Giữa phim truyền hình và phim điện ảnh là một khoảng cách khá xa và rất khác nên dù vẫn chọn đề tài về con người miền Tây sông nước nhưng tác phẩm phim điện ảnh đầu tay Nàng men chàng bóng của đạo diễn Võ Tấn Bình không có chút gì để mang ra so sánh với chính tác phẩm phim truyền hình Hương phù sa của chính anh!

Nhưng không phải phim không có chút gì để ủng hộ, bởi ít ra phim cũng đã thể hiện được tinh thần của những con người miền sông nước thật thà, chân chất chẳng hạn. Và giữa vòng vây của phim bom tấn ngoại lúc này cũng như giữa sự lựa chọn an toàn chỉ làm phim Việt cho mùa tết, giáng sinh của nhiều nhà làm phim thì Nàng men chàng bóng là lựa chọn đầy dũng cảm! Hơn nữa, việc quay trên sông nước khó gấp mấy lần so với trên bờ nên việc hoàn thành phim này là một nỗ lực của đạo diễn và êkip.

Dư luận, báo chí chê bai Nàng men chàng bóng thậm tệ nhưng có khi cái sự chê ấy lại giúp phim này đoạt kỷ lục doanh thu phòng vé! Khi doanh thu phòng vé chi phối quá lớn vào chất lượng phim ở các hãng phim tư nhân thì việc chỉ trích hay trong chờ vào lương tâm của họ với sự phát triển chung của điện ảnh nước nhà có lẽ còn là điều xa xỉ. Thay vì thế, hãy làm rõ trách nhiệm của những nhà quản lý, cấp phép sản xuất, phát hành phim; họ đã ở đâu trước sự xuất hiện ngày càng nhiều và tính nhảm ngày càng đỉnh của nhiều phim hài Việt hiện nay!

Linh Lan