Khi lòng tham và nỗi sợ hãi ngự trị...

07:00 | 27/03/2013

924 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã lâu rồi, thị trường chứng khoán nước ta mới có những phiên lên và xuống đầy ấn tượng. Theo thống kê, từ nửa cuối năm 2012 đến tháng 3/2013 đã có nhiều đợt sóng lớn hình thành với nhiều phiên giao dịch bùng nổ, giá trị giao dịch đạt hàng nghìn tỉ đồng. Cảnh cổ phiếu đua nhau tăng trần bất chấp lỗ, lãi dường như lặp lại. Tuy nhiên, xen kẽ đó là những phiên lao dốc không phanh khi các nhà đầu tư ùn ùn tháo chạy, dư bán sàn cổ phiếu tràn ngập thị trường. Đó là những cao độ cho thấy lòng tham và nỗi sợ hãi vẫn đang ngự trị thị trường chứng khoán nước ta.

Chen nhau mua trần rồi lại ùn ùn bán sàn

Trong chỉ một thời gian ngắn, từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 3/2013, trên cả hai sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và thành phố Hồ Chí Minh (HSX) đã chứng kiến nhiều phiên giá cổ phiếu liên tục tăng trần với lượng dư mua rất lớn. Nhiều khi, phiên hôm trước có lượng dư mua giá trần nhưng phiên hôm sau lại có lượng dư bán giá sàn. Ngoài ra, ngay trong một phiên giao dịch, đầu phiên thì dư bán giá sàn nhưng đến cuối phiên lại dư mua giá trần. Thị trường đảo chiều quá nhanh, quá đột ngột và quá sức tưởng tượng, bất chấp tình hình hoạt động của các công ty niêm yết.

Nhìn lại diễn biến thị trường cho thấy, thị trường đã chạm đáy khi chỉ số VN-Index rơi xuống mức 374 điểm ngày 28/11/2012 nhưng sau đó đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng liên tục trong gần 2 tháng để đạt đỉnh 469 điểm vào ngày 11/1/2013. Dòng tiền liên tục đổ vào thị trường, kết thúc phiên giao dịch thường là trạng thái dư mua trần cổ phiếu, kể cả những cổ phiếu đang nguy cơ hủy niêm yết.

Nhưng cũng chỉ 10 ngày sau, thị trường lại rơi xuống mức 440 điểm. Nhà đầu tư lại nháo nhào bán tháo cổ phiếu. Tính ra, thị trường đã liên tục đảo chiều chỉ trong vòng 4-5 phiên giao dịch với tỷ lệ tăng giảm điểm dao động có khi lên tới 10-12%. Giá trị giao dịch cũng thất thường, có phiên giá trị giao dịch chỉ xấp xỉ 500 tỉ đồng cho dù phiên trước đó giao dịch đang rất hứng khỏi với giá trị đạt gần 2.000 tỉ đồng.

Chứng khoán - Sân chơi mạo hiểm

Mới đây, ngày 4/3, các cổ phiếu đã rơi giá cực mạnh khi các nhà đầu tư cuống cuồng tìm cơ hội rút tiền mặt về. Dư bán sàn lại tràn ngập. Tiếp đó, ngày 18/3, thị trường cũng lại đột đột quay đầu giảm điểm, giá trị khớp lệnh trên HSX chỉ vọn vẹn gần 700 tỉ đồng, mặc dù phiên trước đó thị trường đang tăng điểm với giá trị khớp lệnh gần gấp đôi. Trên sàn HNX diễn biến cũng không khác là mấy. Thị trường đột ngột chuyển xấu không vì lý do cụ thể nào. Nhiều nhà đầu tư thường phải thốt lên: “Chứng khoán bị bán ộc ra, không trên cơ sở tin tức, có lẽ là vì ức chế bị dồn nén”.

Trước đó, ngày 21/8/2013, thị trường từng chứng kiến sự tháo chạy ồ ạt của các nhà đầu tư khỏi thị trường khi VN-Index vừa đạt đỉnh ở 437,61 điểm vào ngày 20/8/2012 thì ngay sau đó, sự kiện “bầu” Kiên bị bắt đã kéo tụt chỉ số này rơi thẳng đứng xuống mức thấp nhất là 378,17 điểm vào ngày 24/8, tức là giảm gần 14% chỉ trong có 5 phiên giao dịch. Theo ước tính, cú sốc “bầu Kiên” không chỉ làm bốc hơi hàng nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán mà còn làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế. Thiệt hại của các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi cố “thoát hàng” với giá thấp không phải là nhỏ.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó phòng Công ty Chứng khoán IVS nhận định: Dòng tiền đổ vào chứng khoán thời gian qua chủ yếu là dòng tiền đầu cơ, tức là nhà đầu tư thực hiện đánh nhanh, rút gọn. Người vào trước bán cho người vào sau và người vào sau lại bán cho người vào sau nữa. Người sau cuối cùng sẽ là người phải gánh chịu rủi ro từ sự mất giá cổ phiếu.

Thử đi tìm nguyên nhân lý giải hiện tượng này

Lý giải về hiện tượng tranh mua trần rồi lại đua bán sàn, một chuyên gia kinh tế nhận định: Đó là hành vi đầu tư bầy đàn, tâm lý đám đông của các nhà đầu tư xuất phát từ lòng tham và nỗi sợ hãi - là tâm lý vốn có của con người. Cũng theo một kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, hành vi bầy đàn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là rất mạnh và trong trường hợp thị trường giảm, tính bầy đàn càng cao. Do đặc thù nền kinh tế nước ta đang trong quá trình phát triển, chất lượng thông tin và tính minh bạch vốn là yêu cầu cần thiết của thị trường chứng khoán còn nhiều bất cập.

Chính vì vậy, khi phải ra quyết định mua hay bán trong một môi trường thiếu thông tin như vậy, người ta thường có xu hướng không tin tưởng vào những phân tích của cá nhân mình mà họ thường bắt chước hành động của các nhà đầu tư khác trên thị trường. Điều đó lý giải vì sao hành vi bầy đàn vẫn tồn tại và song hành cùng thị trường chứng khoán nước ta.

Khi thị trường đang thăng hoa, lòng tham của họ đã thắng thế để bỏ qua các quy tắc phân tích và những bài học xương máu đã phải trả để lao vào tranh mua cổ phiếu với hy vọng sẽ bán được ở đỉnh. Nhưng kết cục, khi đến thời điểm T+3, thị trường giảm điểm và nỗi sợ hãi đã vây lấy họ, không mấy nhà đầu tư đủ can đảm giữ số cổ phiếu đã mua ở giá cao mà đổ xô bán khiến thị trường giảm điểm chóng mặt. Tâm lý này càng được thể hiện rõ nét khi cổ phiếu hay thị trường có xu hướng tăng, nhà đầu tư lao vào thị trường và giành nhau mua; còn khi cổ phiếu hay thị trường có xu hướng giảm thì lại cố hết sức để bán ra.

Bên cạnh đó, hành vi làm giá trục lợi cũng là nguyên nhân tạo ra các đợt sóng để thu hút lòng tham của các nhà đầu tư khác. Lợi dụng tâm lý đám đông, những nhà đầu tư tổ chức hoặc các nhóm nhà đầu cơ thường tìm cách làm giá cổ phiếu. Cùng với những lỗ hổng của cơ chế điều hành thị trường hiện nay, nhiều cá nhân hoặc nhóm cá nhân đã liên kết với nhau tạo cung cầu ảo, làm giá cổ phiếu. Những cổ phiếu mệnh giá thấp, ít giao dịch là miếng mồi ưa thích. Kiếm lời được qua vài phiên giao dịch, các nhà đầu tư sẽ bị hút vào sóng và tiếp tục đổ tiền tranh mua cổ phiếu. Khi các nhà đầu tư khác bị cuốn theo sóng do họ tạo nên, họ sẽ nhanh chóng xả hàng và những người nhẹ dạ sẽ mắc kẹt với đống cổ phiếu không có thanh khoản.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành vi một nhà đầu tư cá nhân sử dụng 5 tài khoản làm giá cổ phiếu LUT trong suốt 1 năm qua. Tuy vậy, nhìn vào diễn biến thị trường, chắc chắn hiện tượng làm giá tương tự như trên là phổ biến đòi hỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa để ngăn chặn hành vi này.

Sống chung với tin đồn và nhập cuộc với tâm lý bầy đàn là tiêu chí của không ít các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Khi thị trường hứng khởi, họ sẵn sàng dốc hết vốn liếng của mình đua mua trần cổ phiếu. Nhưng hễ có động, họ lại bán đổ bán tháo cổ phiếu của mình không thương tiếc. Và lần nào cũng vậy, sau khi thất bại, họ đều rút ra bài học cần phải cảnh giác với tin đồn, chế ngự lòng tham và nỗi sợ hãi của mình.

Nhưng để làm được điều đó, đi ngược lại với diễn biến toàn thị trường là hoàn toàn không dễ dàng, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ bản lĩnh. Vì vậy, khi mà thị trường chưa có đủ tính minh bạch cần thiết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần kịp thời cung cấp những thông tin cần thiết và có biện pháp cứng rắn để tránh hiện tượng sóng cổ phiếu dao động theo những kịch bản của riêng các nhà đầu tư lớn như thời gian vừa qua.

Thành Trung