Khai thác titan: Hướng đến chế biến sâu

15:30 | 17/01/2014

3,167 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là địa phương chiếm đến 92% trữ lượng titan cả nước, để giải bài toán ô nhiễm môi trường và hạn chế việc xuất khẩu thô titan với giá trị thấp như lâu nay, tỉnh Bình Thuận đang hướng đến quy hoạch công nghệ chế biến sâu titan.

Năng lượng Mới số 292

Các chuyên gia về khoáng sản cho rằng, trước đây Việt Nam chủ yếu xuất khẩu quặng ilmenite thô (nguyên liệu để sản xuất titan) với hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Năm 2012, giá 1 tấn quặng ilmenite là 350USD trong khi sau khi chế biến, giá 1 tấn pigment (được chế biến từ nguồn nguyên liệu ilmenite) là 4.000 USD với giá trị tăng cao gấp 10 lần. Tài nguyên quặng titan của Việt Nam được cho là đứng thứ 2 toàn cầu với trữ lượng chiếm đến 17%, thế nhưng để khai thác được tiềm năng đó và nâng cao chuỗi giá trị chế biến titan thì đòi hỏi cần nhiều yếu tố, từ con người, nguồn vốn, chính sách tới hạ tầng và công nghệ.

Là người tâm huyết với chiến lược chế biến sâu titan, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) đặt vấn đề: Tại sao Việt Nam mới chỉ có một số nhà máy xỉ titan nằm rải rác và hoàn toàn chưa có đơn vị nào sản xuất được pigment, nguyên liệu dùng trong các ngành công nghiệp thiết yếu như sơn, lớp phủ bề mặt, giấy, vỏ điện thoại hay ống nhựa…? Nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư, không quyết tâm phát triển những cụm công nghiệp chuyên sâu về chế biến titan, không tự tin vào khả năng tổ chức, quản lý theo quy trình hiện đại thì có thể, rất lâu nữa chúng ta cũng không thể giành lấy cơ hội tạo ra giá trị thặng dư lớn với khoáng sản quý giá không thể tái tạo này?

Khai thác titan ở Bình Thuận cần hạn chế được những vấn đề về ô nhiễm môi trường

Theo đánh giá gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trữ lượng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ước gần 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng titan cả nước và đến nay chỉ mới khai thác được khoảng 1 triệu tấn.

Từ lâu, đã có nhiều khuyến cáo đối với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trước việc quản lý nguồn tài nguyên sa khoáng titan như thế nào để vừa khai thác lợi thế nguồn tài nguyên dồi dào phục vụ đắc lực cho xây dựng quê hương, đồng thời tránh được những hậu quả, mặt trái mà Bình Thuận phải trả giá trong việc quản lý, khai thác bừa bãi tài nguyên…

Chính vì vậy, để giải bài toán khai thác titan hướng đến chế biến sâu, hạn chế ô nhiễm môi trường, hiện nay Bình Thuận đã khoanh vùng 1.250km2 có trữ lượng titan, trong đó 700km2 là khu vực có thể khai thác quy mô công nghiệp. Để hạn chế việc xuất khẩu thô titan với giá trị thấp như lâu nay, Bình Thuận đã đưa vào quy hoạch hai khu vực chế biến sâu titan nhằm trở thành trung tâm chế biến titan lớn nhất Việt Nam, gồm: Khu công nghiệp Song Bình (250ha) ở huyện Bắc Bình và Cụm công nghiệp Thắng Hải tại huyện Hàm Tân (90ha). Riêng khu vực phía bắc Bình Thuận được phép khai thác diện tích khoảng 150km2 với trữ lượng khoảng 142 triệu tấn. Trước đây khu vực ven biển Bình Thuận có hàng chục dự án khai thác titan, nhưng nằm phân tán và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã đóng cửa các dự án này để đưa vào cụm công nghiệp Thắng Hải để khai thác, chế biến sâu titan tập trung.

Vào ngày 10/1/2014 vừa qua, Công ty CP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) đã động thổ xây dựng Cụm công nghiệp Thắng Hải II tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Tân, là cụm công nghiệp chế biến sâu titan đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Cụm công nghiệp này có diện tích 40ha nằm trong cụm Công nghiệp Thắng Hải với quy mô 90ha, tổng đầu tư trên 200 tỉ là dự án trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho ngành công nghiệp chế biến sâu titan. Dự kiến cụm công nghiệp này sẽ được xây dựng thành khu phức hợp chế biến sâu các sản phẩm titan, với công suất chế biến xỉ titan 180.000 tấn/năm, pigment 50.000 tấn/năm, nano titan 20.000 tấn/năm, zircon siêu mịn 20.000 tấn/năm và đúc gang kỹ thuật 10.000 tấn/năm. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cụm công nghiệp này vào khoảng 350 triệu USD, xây dựng trong 5 năm sẽ hoàn thành và mang lại doanh số 400 triệu USD/năm.

Theo nhận định, Cụm công nghiệp Thắng Hải II - một trong những cụm công nghiệp đầu tiên của cả nước về chế biến sâu titan, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp ngân sách cho tỉnh Bình Thuận. Cụm công nghiệp Thắng Hải sẽ đóng góp 500 tỉ tiền thuế, các loại phí cho ngân sách địa phương, đồng thời thu hút trên 2.000 lao động trực tiếp, 1.000 lao động gián tiếp tới làm việc.

Ông Nguyễn Ngọc Thành (Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương) cho rằng, Cụm công nghiệp Thắng Hải II đi vào hoạt động là một dấu mốc quan trọng, bước đột phá chiến lược đối với ngành công nghiệp chế biến titan của Việt Nam, cũng như hạn chế được những vấn đề về ô nhiễm môi trường trong việc khai thác titan.

Rất nhiều nhà khoa học, người dân, nhà quản lý mong mỏi rằng, khi đi vào hoạt động, Cụm công nghiệp Thắng Hải II sẽ góp phần giải bài toán ô nhiễm môi trường trong khai thác titan tại Bình Thuận, góp phần tạo việc làm cho người lao động, phát triên kinh tế địa phương. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vốn đang nhức nhối sẽ dần chấm dứt.

Thế Vinh