Khắc khoải phong cảnh sông nước biến đổi

08:40 | 14/05/2012

1,732 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Những con sông lớn ở Đông Nam Á trong thế kỷ 21 là tâm điểm tranh chấp, bởi chúng là nguồn sống của người dân địa phương, là nơi sản xuất thủy điện và phát triển công nghiệp. Hai yếu tố này là tác nhân góp phần tàn phá và làm suy thoái môi trường.

Có thể nói những con sông chính là biểu tượng của cuộc đấu tranh giữa cuộc sống hiện đại và bảo tồn thiên nhiên. Cuộc đấu tranh có ý nghĩa rõ ràng về chính trị, dân chúng ngày càng lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ cách sống cộng đồng của họ. Sông nước và những gì họ đại diện thúc đẩy sự tham gia và tổ chức của cộng đồng vì có những cơ cấu quyền lực rắn chắc.

Những dòng sông chảy qua nhiều quốc gia cũng tạo ra tâm lý dân tộc chủ nghĩa, những cuộc tranh giành sở hữu sông đã làm chính phủ quên mất nhiệm vụ phải bảo vệ môi trường của mình.

Tác phẩm "Dấu tích", tưởng nhớ những nạn nhân được tìm thấy trong trận lũ lịch sử ở Huế năm 1999

Sông Hồng, sông Mekong, sông Irrawaddy và sông Chaopraya ở Đông Nam Á không giống với các khu vực khác trên trái đất, được khắc họa đặc trưng bởi phong cảnh sông nước. Nhưng mạch sống và hệ sinh thái quan trọng đối với đời sống con người đang bị đe dọa nghiêm trọng do hậu quả của sự phát triển kinh tế xã hội và bây giờ là sự biến đổi khí hậu. Phong cảnh sông nước đang bị đe dọa bị phá hủy và theo đó là sự tồn tại của hàng triệu người dân.

Sự trù phú của sông nước tại Đông Nam Á đối với chính phủ các nước là nguồn thủy điện. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập chắn đang đe dọa đến cân bằng sinh thái ở mỗi nước và giữa các nước, và những dòng sông vốn là một phần không thể thiếu đối với hoạt động công nghiệp giờ đang trở thành bãi rác thải công nghiệp.

Do vậy, nhiều tuyến giao thông đường thủy, đơn cử như sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, đang trở thành những địa chỉ gây nhiều tranh cãi từ cả hai phía những người cổ xúy cho sự phát triển cũng như những người theo chủ nghĩa bảo tồn.

"Tonle Sap đang dâng": tảng băng nhân tạo trôi nổi trên sông Mekong và sông Tonle Sap từ từ tan chảy...

... màu sắc của dòng sông và những thứ trên sông trôi nổi từ chỗ này đến chỗ khác.

Mối quan hệ giữa con người với sông nước đang ngày một biến đổi đồng thời càng làm tăng thêm sự căng thẳng trên bình diện quốc tế khi mà các quốc gia đều muốn được chia phần kiểm soát và khai thác nguồn tài nguyên. Vấn đề môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, và càng trở nên cấp bách ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà xã hội dân sự còn ở giai đoạn phát triển sơ khai, các cá nhân cũng như cộng đồng ít có tiếng nói trong các quyết định do chính quyền đưa ra, trong đó những vấn đề sinh thái chính là một phần của những vấn đề chính trị – xã hội ở tầm bao quát hơn.

Dự án nghệ thuật có tên "Phong cảnh sông nước biến đổi” (Riverscapes IN FLUX) do Viện Goethe Hà Nội lên kế hoạch và tổ chức, muốn mở ra những khía cạnh mới về vấn đề sinh thái chủ chốt này. Viện Goethe muốn mời các nghệ sĩ trẻ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Philippines, qua các tác phẩm của họ sẽ phản ánh sự thay đổi về môi trường cũng như về kinh tế, văn hóa, xã hội mà phong cảnh sông nước ở các nước này hiện đang trải qua.

"Dòng sông tình yêu"

"Phong cảnh sông nước biến đổi” thông qua nghệ thuật thị giác đã đưa khối Đông Nam Á lại gần nhau hơn, giải quyết một trong những quan ngại mang tầm ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ chúng ta, đó là phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường. Dự án cũng đặt ra những câu hỏi thiết yếu của quyền cá nhân.

Được hướng dẫn bởi những giám tuyển có kinh nghiệm, 17 tác phẩm đã ra đời: các tác phẩm truyền thông đa phương tiện, seri ảnh, Video và sắp đặt. Triển lãm được khai mạc và trưng bày tại Hà Nội, sau đó là TP HCM, tiếp theo ở Bangkok, Phnom Penh, Jarkata và Manila, song song với triển lãm sẽ có chiếu phim về biến đổi khí hậu và các hoạt động sáng tạo khác.

Với dự án nghệ thuật này, Viện Goethe mong muốn góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa và sinh thái vô giá của phong cảnh sông nước tại Đông Nam Á, đại diện và kiến tạo ra mạng lưới gắn kết giữa các nghệ sĩ vượt qua ranh giới.

Trong số 17 nghệ sĩ tham gia triển lãm "Phong cảnh sông nước đang biến đổi” có 4 nghệ sĩ Việt Nam: Nguyễn Thế Sơn đến từ Hà Nội với sê-ri ảnh về những vùng đặc biệt nhạy cảm của sông Hồng. Tác phẩm sắp đặt âm thanh và text của Lương Huệ Trinh đề cập tới những hậu quả sinh thái của việc khai thác kinh tế quá mức vùng sông Mê Kông.

Phan Thảo Nguyên đến từ TP HCM tập trung vào nền công nghiệp đánh bắt cá dọc sông Mê Kông. Nguyễn Thị Thanh Mai đến từ Huế sẽ gợi nhớ lại những nạn nhân của trận lụt khủng khiếp tại Huế năm 1999 với tác phẩm sắp đặt từ 60 hộp gỗ trưng bày những vật thể được tìm thấy dọc sông Hương như giày, dép. Đây được coi là một tác phẩm sắp đặt tương tác: người xem triển lãm ở các nước khác, những nơi bị lũ lụt tấn công, có thể đưa thêm vào tác phẩm các vật thể trong ký ức của các nạn nhân của họ.

Lòng sông Bengawan Solo (Java) đang dâng lên do bồi lắng với lượng lớn rác thải bị ném xuống.

Các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam được giám tuyển bởi Trần Lương, nghệ sĩ thị giác và giám tuyển uy tín quốc tế, anh cũng là người phụ trách thiết kế trưng bày các tác phẩm cho triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm bắt đầu diễn ra từ ngày 13/5 đến hết ngày 26/5/2012 tại Phòng tranh Cactus Contemporary, TP HCM.

Nguyễn Hiển