Kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp hay cao thì đều thôi thúc Chính phủ, các thành viên Chính phủ làm việc tốt hơn

18:46 | 03/11/2018

216 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ thống nhất với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp hay cao thì đều thôi thúc Chính phủ, các thành viên Chính phủ làm việc tốt hơn.
ket qua lay phieu tin nhiem thap hay cao thi deu thoi thuc chinh phu cac thanh vien chinh phu lam viec tot hon
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu họp báo.

Chiều ngày 3/11, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 3/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018. Trước đó, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018, có đánh giá 3 năm 2016-2018, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, trong đó có các thành viên Chính phủ. Các thành viên Chính phủ cũng đã trả lời chất vấn, làm rõ nhiều vấn đề được Quốc hội, cử tri quan tâm.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2018, các thành viên Chính phủ đều thống nhất với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc: Việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là dịp để Chính phủ và từng thành viên nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại mình, lắng nghe các ý kiến, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo khẩn trương giải quyết những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhắc lại phát biểu trước Quốc hội là kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cao hơn so với lần trước, người thấp nhất cũng đạt 70% cả hai tiêu chí “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”. Tuy nhiên kết quả thấp hay cao thì đều thôi thúc Chính phủ, các thành viên Chính phủ làm việc tốt hơn. Điều quan trọng với Chính phủ là như 5 ngón tay trên 1 bàn tay (có ngón dài, ngón ngắn), song cần chụm lại, đoàn kết, thống nhất để phát triển đất nước trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục phát triển tích cực với những kết quả nổi bật như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; CPI tháng 10/2018 chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6% (trong mức kiểm soát).

ket qua lay phieu tin nhiem thap hay cao thi deu thoi thuc chinh phu cac thanh vien chinh phu lam viec tot hon
Người lao động Dầu khí

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Trong 10 tháng tiếp tục xuất siêu 6,4 tỷ USD.

Trong 10 tháng, vốn FDI thực hiện ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3%, có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8%. Tính chung vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đạt 21,4 tỷ USD.

Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn. Còn có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển tốt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng, 10 tháng năm 2018 tăng 10,4% cao hơn so với cùng kỳ năm trước (9,6%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tăng từ 51,5 điểm tháng 9 lên 53,9 điểm vào tháng 10, thể hiện sự tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức. Theo xếp hạng của WB và WEF, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy tăng điểm nhưng lại tụt hạng nhẹ. Điều này cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam hạn chế, đây khâu cần dồn sức chỉ đạo; cần tiếp tục đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để xóa bỏ rào cản trong quản lý và cơ chế xin-cho, phát huy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh.

Một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm như điều, cao su, hạt tiêu. Còn nhiều vấn đề cần lưu tâm như dịch tả lợn châu Phi. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý tình trạng bản quyền giống khi Việt Nam có nhiều giống cây trồng quý nhưng đã rơi vào tay nước khác. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa còn diễn biến rất phức tạp. Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy, hoạt động xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật vẫn xảy ra ở một số địa phương…

Hải Anh

ket qua lay phieu tin nhiem thap hay cao thi deu thoi thuc chinh phu cac thanh vien chinh phu lam viec tot hon Thủ tướng: Bộ trưởng yếu kém, Thủ tướng cũng phải chịu trách nhiệm