Thủ tướng: Bộ trưởng yếu kém, Thủ tướng cũng phải chịu trách nhiệm

18:56 | 01/11/2018

312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trả lời chất vấn về giải pháp điều chỉnh hoạt động của các thành viên Chính phủ khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy Bộ trưởng nhận mức đánh giá tín nhiệm cao thấp khác nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Trăm dâu đổ đầu tằm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém".

Thủ tướng báo cáo Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ

Sai phạm đất đai Đà Nẵng: Do tiêu cực từ những năm trước

16h33’, Chủ tịch Quốc hội nhắc Thủ tướng đã hết giờ chất vấn. Tuy nhiên, thủ tướng muốn trao đổi thêm về vấn đề xử lý kết luận thanh tra đất đai tại Đà Nẵng. Đó là chất vấn của đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề cập, kết luận sau cuộc thanh tra công tác quản lý đất đai tại Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ yêu cầu thành phố thu hồi những “sổ đỏ” đã cấp sai cũng như thu hồi số tiền 5 và 10% mà chính quyền đã giảm trong cấp giấy chứng nhận với một số các dự án đền bù, giải tỏa.

Kết luận này gây nhiều vướng mắc trong việc thực hiện nên tháng 6/2018 vừa qua, các cơ quan đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nhưng nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Bà Hoa đề nghị người đứng đầu Chính phủ giải đáp vấn đề tại phiên chất vấn này. Thủ tướng khẳng định, tới nay thành phố đã cơ bản thực hiện xong các kết luận thanh tra, chỉ còn 2 vấn đề như đại biểu nêu. Cả 2 việc đó Đà Nẵng đã làm trái pháp luật, tất nhiên do những năm trước chứ không phải do những cán bộ hiện tại. "Đã sai thì nhất định phải sửa sai, khắc phục", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, 20/7 vừa rồi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã cùng thành phố thống nhất kế hoạch rà soát những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai quy định với tinh thần bảo vệ quyền lợi cho người dân, mua lại những diện tích đất bị cấp sai mà người dân đã nhận chuyển nhượng.

16h29', trả lời câu hỏi về chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL của đại biểu Chương ở Cà Mau, Thủ tướng nói về những dự án lớn đã rót về cho khu vực này thời gian qua với tổng số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu rất lớn. Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm để hỗ trợ khu vực này phát triển.

Về vấn đề nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đặt ra, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ các bộ, ngành. Đến 31/12/2017, các cơ quan đã thực hiện đúng quy định về việc thanh toán khối lượng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Về vấn đề động lực tăng trưởng cho 2019, Thủ tướng cho rằng đó là phát triển doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng kích cầu nội địa, phát huy tận dụng tốt các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký. Giải pháp căn cơ cho mọi giải pháp là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế.

thu tuong bo truong yeu kem thu tuong cung phai chiu trach nhiem
Thủ tướng chọn trả lời 5 chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ (ảnh: Như Phúc)

16h25’, Thủ tướng trả lời câu hỏi của đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh). Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị Thủ tướng làm rõ chính sách để các tôn giáo cùng bình đẳng phát triển.

Thủ tướng đáp, Việt Nam có 15 tôn giáo với 42 tổ chức, có hơn 25,3 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Chưa đất nước nào có hàng vạn chùa, nhà thờ khắp đất nước, được Giáo hội phật giáo Thế giới chọn để tiến hành 3 đại hội. Ngôi chùa mới nhất là chùa Tam Chúc đang được xây dựng ở Ninh Bình.

Việt Nam, như vậy, rõ ràng là một đất nước tự do tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước phát luật. Thời gian qua, các tôn giáo đều đoàn kết trong nhân dân, có sự đóng góp của hàng triệu tín đồ.

Tất nhiên còn những hiện tượng lợi dụng tôn giáo nhưng chỉ là số rất ít. Thủ tướng khẳng định, tới nay Chính phủ đã có nhiều hướng dẫn để thi hành luật Tôn giáo tín ngưỡng để đảm bảo một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người, là công cụ hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Làm Bộ trưởng không thể sơ sài, vô trách nhiệm

16h20, Thủ tướng cho biết, những ngày qua có gần 30 đại biểu chuyển các chất vấn tới Thủ tướng. Thủ tướng chọn một số câu hỏi để trả lời trước.

Cụ thể, đó là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM). Đại biểu Quyết Tâm nhận xét, kết quả lấy phiếu vừa qua cho thấy mức độ tín nhiệm với Thủ tướng rất cao trong khi các Bộ trưởng được đánh giá tín nhiệm cao thấp khác nhau. Kết quả cho thấy, có Bộ trưởng đã nỗ lực để khắc phục những hạn chế, giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực điều hành của mình nhiều năm qua và việc đó đã mang lại hiệu quả. Nhưng kết quả lấy phiếu cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên Chính phủ.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của mình hoạt động đều tay, trách nhiệm, hiệu quả hơn.

Thủ tướng nói “5 ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều nằm trên một bàn tay”. Cả bàn tay đó cùng chụm lại, đó chính là hình ảnh của 26 thành viên Chính phủ, trong đó có 6 ủy viên Bộ chính trị.

"Có một câu cho rằng trăm dâu đổ đầu tằm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém" - Thủ tướng xác định.

Các biện pháp được đưa ra khắc phục, Thủ tướng phải chỉ đạo, đôn đốc tốt hơn đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh. Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt. Ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành mà gây ra.

Thứ hai, Các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Thứ ba, Chính phủ yêu cầu mỗi Bộ trưởng tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Thứ tư, không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.

Lãnh đạo Chính phủ nói: "Nhân đây, tôi muốn nói với một nước đông dân đông dân như nước ta, Chính phủ, trưởng ngành điều hành công việc rất phức tạp, rủi ro, cũng mong đại biểu Quốc hội thông cảm vì anh em phần lớn làm nhiệm kỳ đầu".

thu tuong bo truong yeu kem thu tuong cung phai chiu trach nhiem
Thủ tướng: "Có một bộ phận cán bộ, công chức dửng dưng, vô cảm trước đời sống của nhân dân" (ảnh: NB)

"Trách nhiệm lát một viên đá trên đường lịch sử"

15h50, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn với sự tín nhiệm các vị đại biểu Quốc hội dành cho cá nhân ông cũng như các thành viên Chính phủ,

Thủ tướng cho rằng, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ hành động, thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

Thủ tướng nhắc tới mục tiêu đưa đất nước phát triển không ngừng, tạo không gian cho người dân phát huy cao nhất năng lực, sức sáng tạo, không để người nào bị bỏ lại phía sau. Theo người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Nói về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng khái quát, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần đây tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm trở lại đây tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%.

Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Về chất lượng tăng trưởng, những năm qua, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu quan điểm, để bảo vệ các thành quả đã đạt được, duy trì mức tăng trưởng thì cần luôn kiên định, quyết tâm, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp. Sau 30 năm đổi mới, giờ cần định hình cho chặng đường 30 năm tiếp theo và xa hơn nữa. Theo tính toán của Thủ tướng, đến 2045 – mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm lập nước, quy mô GDP đất nước sẽ đạt 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 18.000 USD.

Mục tiêu này, theo Thủ tướng, là thách thức rất lớn vì mỗi lúc, việc đạt thêm mỗi % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn.

“Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc” – Thủ tướng chia sẻ.

thu tuong bo truong yeu kem thu tuong cung phai chiu trach nhiem
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bên hành lang Quốc hội trước khi đăng đàn trả lời chất vấn

Đàn chim sẽ bay nhanh hơn nếu cùng chung khát vọng

Xét từ khía cạnh thành quả kinh tế mang lại cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, không thước đo tăng trưởng nào có thể lượng hóa được mọi nhu cầu này của người dân, từ việc “ăn ngon mặc đẹp” tới yêu cầu về không gian phát triển rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu.

Phát triển kinh tế thể hiện quá trình đổi mới tư duy và nhận thức. Yêu cầu đổi mới tư duy và nhận thức càng cấp bách khi làn sóng công nghệ đột phá ra đời và đang lan rộng toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn cần có xung lực mới cho phát triển, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp này. Tôi tin rằng nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5- 10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Người lãnh đạo đứng đầu cơ quan hành pháp dẫn chứng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đem đến khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau với những nước đang phát triển, nếu không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa.

Một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập. Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện then chốt, trong đó, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý, Việt Nam có trách nhiệm trước lịch sử cũng như với thế hệ hôm nay trước sứ mệnh đưa tài nguyên con người trở thành ưu thế chủ đạo của đất nước bởi Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số vàng, quy mô dân số lớn thứ 14 thế giới với truyền thống hiếu học đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh về thách thức về lợi thế cạnh tranh khi trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, và số các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn nữa. Tại Việt Nam, giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn khi tiền lương đang có xu hướng gia tăng, tốc độ tăng lực lượng lao động có xu hướng giảm khá nhanh.Muốn duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động.

Thời gian tới, theo dự báo, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Nhắc lại nhiệm vụ kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên, không phải bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng dẫn câu nói “một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”.

“Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn” – Thủ tướng kêu gọi, 63 tỉnh thành, cả hệ thống cùng chung khát vọng đó trong mọi hoàn cảnh, chắc chắn Việt Nam sẽ tiến bước dài trên con đường thịnh vượng.

thu tuong bo truong yeu kem thu tuong cung phai chiu trach nhiem
Thủ tướng bao cáo thêm một số vấn đề trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu

Cố Tổng Bí thư từng mơ mỗi gia đình có 1 radio, 1 TV, 1 tủ lạnh

Ông thuật lại nguyện vọng của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1976, sau khi đất nước thống nhất là “các ông bà già, trẻ con mỗi bữa có một quả trứng, một cốc sữa”. Mục tiêu của cố Tổng Bí thư khi đó rất giản dị, “trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh”.

40 năm trôi qua, đời sống của đại bộ phận người dân đã khá giả hơn rất nhiều nhưng thực tế vẫn còn không ít người, vùng khó khăn ở những “lõi nghèo”.

“Thực tế khó khăn đó luôn làm cho chúng ta day dứt, trăn trở, đầu tư nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm cải thiện tình hình nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức dửng dưng, vô cảm trước đời sống của nhân dân. Tình trạng trên nóng – dưới lạnh, trên bảo – dưới không nghe vẫn tiếp tục tồn tại. Có những người nhiệt huyết cải cách nhưng bị nỗi sợ rủi ro ngăn cản, có người còn do dự với cải cách vì sợ mất quyền lợi; cũng có người chờ đợi người đi trước dẫn đường, có người muốn thấy hết lối đi mới cất bước” – Thủ tướng chia sẻ bức xúc, kêu gọi một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trước Quốc hội, ông yêu cầu mọi thành viên Chính phủ, toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức thấm nhuần tinh thần “khoan thư sức dân” bằng cách giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Không chỉ vậy, tất cả cán bộ công chức, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải là những tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, vì lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Không tái diễn vụ Con Cưng, vụ đổi 100USD phạt 90 triệu

Dẫn ví dụ từ vụ việc Con Cưng hay vụ phạt tiền 90 triệu đồng với người đổi 100USD, Thủ tướng cho rằng, hơn lúc nào hết, cần hoàn thiện thể chế, cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, cải cách bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc tương tự. Nhân đây tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu thông tin, đầu năm 2019 tới, dân số Việt Nam được dự báo đạt 96.963.958 người. Những con số lẻ nêu ra là để mỗi cán bộ hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển.

Thủ tướng nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ sẽ triển khai trong những tháng cuối năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Theo Dân trí

thu tuong bo truong yeu kem thu tuong cung phai chiu trach nhiem Chiều nay (1/11), Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc