Kéo điện về làng

10:35 | 27/07/2016

693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những nơi hẻo lánh, xa xôi bao đời sống trong cảnh u tịch của núi rừng bỗng một ngày bừng sáng lung linh ánh điện. Có điện cuộc sống của người dân đã thay đổi rõ rệt.

Chúng tôi về xã Thanh An, Minh Long, Quảng Ngãi vào đúng lúc trời tròn bóng. Nắng nóng ngoài trời tưởng chừng như đốt cháy cây cỏ. Dừng chân nghỉ ngơi trốn nắng tại ngôi nhà sàn của gia đình chị Đinh Thị Cái. Rót ly nước chè xanh đá lạnh mời tôi, chị Cái bảo: "Nhờ có điện nhà mình mua tủ lạnh, vừa dự trữ thức ăn, vừa làm ra đá lạnh uống nước cho mát. Đi làm về mệt, muốn có gió là bật cái quạt, gió mát liền".

Phía hiên nhà, mẹ chị bà Đinh Thị Lương cùng các cụ già trong làng ngồi nhai trầu bỏm bẻm cũng góp chuyện.

Câu chuyện của bà Lương và những người già trong Làng Hinh xoay quanh việc làng được kéo điện về. Ngày đóng điện, cả Làng Hinh reo vui vì "làng mình có điện thật rồi". Người Làng Hinh bảo kể từ ngày có điện, "cái việc gì làm cũng nhẹ nhàng hơn trước".

Già Lương chỉ tay vào chiếc cối giã gạo đã bị vứt xó kể từ khi có điện quốc gia kéo về Làng Hinh bảo: "Ngày trước muốn có gạo nấu phải đem lúa giã cả buổi mới thành gạo. Còn gây giờ, đem lúa ra máy xay xát, nhai chưa hết miếng trầu đã lúa đã xay thành gạo rồi. Nếu không có điện, có cái máy xát thì già thế này làm sao mà giã nổi lúa thành gạo nữa".

Có điện, nhà nhà ở Làng Hinh mua tivi, máy nghe nhạc về sử dụng.

keo dien ve lang
Người dân Làng Hinh (Thanh An, Minh Long) đầu tư máy xay xát gạo, phục vụ nhu cầu người dân trong làng, tạo thu nhập cho gia đình.

Cùng thời điểm kéo điện, nâng cấp lưới điện ở Làng Hinh, Điện lực Nghĩa Hành cũng đầu tư 2 tỉ đồng để cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn điện cho làng Tịnh Đố, Tam La (Thanh An), Làng Ren (Long Môn). Đây là những địa bàn heo hút, xa xôi, giao thông đi lại khó khăn.

Theo Điện lực Nghĩa Hành - đơn vị quản lý, vận hành lưới điện trên huyện Minh Long cho biết: Suất đầu tư kéo điện về những địa bàn nói trên bình quân lên đến vài trăm triệu đồng/hộ. Vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm nhưng vì chủ trương giúp người dân có thêm điều kiện vươn lên ổn định, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nên ngành điện vẫn quyết định đầu tư.

Được biết, năm 2016, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) giao kế hoạch sửa chữa lớn cho PC Quảng Ngãi gồm 32 danh mục công trình, tập trung chủ yếu là công trình thuộc các địa bàn trung du, miền núi. Trong đó có 28 công trình lưới điện và 4 công trình phục vụ sản xuất. Trong quý II/2016, PC Quảng Ngãi đã triển khai thi công 11 công trình sửa chữa lớn, gồm: Đại tu 10 công trình lưới điện và đại tu công trình phục vụ sản xuất; tổng giá trị hơn 8,15 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị đã và đang tiếp tục triển khai kế hoạch sửa chữa 15 công trình trong quý III/2016.

Còn theo PC Quảng Ngãi, trong năm 2015, tổng nguồn vốn ngành điện đầu tư hạ tầng lưới điện lên đến 80 tỉ đồng. Số tiền này được đầu tư hoàn thiện lưới điện nông thôn, miền núi. Và trong 6 tháng đầu năm 2016, PC Quảng Ngãi đã thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện và xây dựng mới, mở rộng lưới điện, với tổng số tiền khoảng 60 tỉ đồng. Trong đó tập trung chủ yếu chống quá tải lưới điện, hoàn thiện lưới điện phía Bắc, phía Nam và miền núi phía Tây Quảng Ngãi. Qua đó, giúp người dân có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất, đặc biệt là tạo thuận lợi trong học tập, nâng cao trình độ dân trí ở vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Ngành điện hiểu sự khó khăn của người dân vùng chưa có lưới điện, nhưng vì suất đầu tư quá lớn, phải bố trí, sắp xếp đầu tư trong khoảng thời gian dài. Để nhanh chóng cấp điện cho người dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, ngành điện rất mong nhận được sự quan tâm đầu tư thực hiện công trình điện từ nhiều nguồn vốn, đặc biệt là vốn của chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững" - Giám đốc PC Quảng Ngãi Nguyễn Thanh nói.

Thanh Nhị (EVNCPC)

  • el-2024