Iran mời Nga đầu tư vào hóa dầu, lĩnh vực năng lượng không bị cấm vận

17:15 | 27/04/2022

1,625 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tạp chí Oilprice.com ngày 27/4/2022 có bài phân tích cho rằng Iran đã mời Nga đầu tư, tham gia sâu hơn vào lĩnh vực hóa dầu của mình (petchem), với mục tiêu Iran trở thành nhà sản xuất hàng đầu của Trung Đông và xuất khẩu trong lĩnh vực này vào năm 2027. Với đối tác lâu năm của mình là Nga, hiện đang đối mặt với các ràng buộc cấm vận giống như Iran, không có gì ngạc nhiên khi Tehran đã mời Moscow tham gia sâu hơn vào việc phát triển kinh doanh hóa dầu của mình.
Iran mời Nga đầu tư vào hóa dầu, lĩnh vực năng lượng không bị cấm vận
Iran mời Nga đầu tư vào hóa dầu, lĩnh vực năng lượng không bị cấm vận. Ảnh: Oilprice.com

Cụ thể hơn, tuần trước, Giám đốc điều hành mới của Công ty Hóa dầu Quốc gia Iran (NPC) Morteza Shahmirzaei, đã mời các công ty Nga giúp họ khai thác nhiều hơn nữa các cơ hội có sẵn trong lĩnh vực hóa dầu của mình. Lời mời này không chỉ giới hạn đối với các công ty Nga đang đầu tư và làm việc trực tiếp trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu ở và từ Iran mà còn được mở rộng đối với nguồn nguyên liệu cho lĩnh vực hóa dầu, bao gồm tất cả lĩnh vực dầu khí của Iran.

Morteza Shahmirzaei đã nói về các nguồn lực và khả năng hiện có của Iran trong các lĩnh vực dầu khí và hóa dầu. Iran có trữ lượng hơn 159 tỷ thùng dầu, 33 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, hiện tại một tỷ mét khối khí đốt đang được sản xuất hàng ngày ở Iran và sản lượng dầu thô của Iran công suất khoảng 4 triệu thùng/ngày. Shahmirzaei nhấn mạnh một phần của sản lượng này được tiêu thụ làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa dầu của Iran.

Shahmirzaei nêu bật các cơ hội địa chính trị có sẵn cho Nga thông qua sự hợp tác như vậy nhờ biên giới biển rộng lớn của Iran. Iran có khả năng tiếp cận 5.600 km đường bờ biển ở phía bắc và phía nam của đất nước. Sự tồn tại của nhiều cảng trên những bờ biển này đã cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các sản phẩm và hoạt động của dầu, khí đốt, hóa dầu và các ngành công nghiệp khác. Có rất nhiều tuyến đường mà Iran đã sử dụng trong 40 năm qua có thể chuyên chở bất cứ mặt hàng gì, đến bất cứ nơi nào họ muốn mà không gặp nhiều cản trở từ bất kỳ ai khác, và Nga cũng có thể được sử dụng những tuyến đường này.

Hóa dầu là chìa khóa để lách các lệnh cấm vận

Kể từ những ngày đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo từ năm 1979, Iran đã coi lĩnh vực hóa dầu của mình như một chìa khóa cho mô hình “nền kinh tế kháng chiến”, tạo ra lợi nhuận giá trị gia tăng bằng cách tận dụng vốn tri thức thành doanh thu, lợi nhuận và công nghệ. Lĩnh vực này luôn mang trong mình lợi thế là chiếm lĩnh một vùng xám hợp pháp trong các lệnh cấm vận khác nhau áp đặt đối với Iran trong hơn 40 năm qua.

Iran mời Nga đầu tư vào hóa dầu, lĩnh vực năng lượng không bị cấm vận
Nga đã có kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD vào ngành dầu khí của Iran. Ảnh: Russiabusinesstoday.com

Shahmirzaei ám chỉ việc Nga đồng ý với một loạt thỏa thuận trong lĩnh vực hóa dầu của Iran sẽ là chìa khóa để Nga có quyền tiếp cận tới tất cả các tuyến đường biển của Iran, theo một cách cho phép Nga có thể lách nhiều lệnh cấm vận trong khi không công khai đối đầu Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) hiện không có biện pháp cấm vận cụ thể nào đối với hoạt động kinh doanh hóa dầu của Iran và cũng không có kế hoạch áp đặt chúng. Từ quan điểm của Mỹ, Mỹ hiện không thể thực thi quyền tài phán đối với các biện pháp cấm vận trừ khi có sự tham gia của các cá nhân Mỹ, nhất là các ngân hàng Mỹ và nhân viên Mỹ. Thỏa thuận hợp tác hóa dầu rõ ràng sẽ mang lại lợi thế cho Nga trong việc xuất khẩu những sản phẩm mà nước này muốn trong lĩnh vực hóa dầu và nhiều lĩnh vực khác.

Ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao các biện phấp cấm vận của Mỹ và E.U, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014, một luật sư cấp cao có trụ sở tại Washington DC với một công ty pháp lý chuyên về tố tụng và trọng tài quốc tế, nói riêng với OilPrice.com rằng mặc dù từ góc độ pháp lý nghiêm ngặt, Iran chỉ có thể bán các sản phẩm hóa dầu cho khách hàng bên ngoài Mỹ và EU, các kênh khác, đặc biệt là ở châu Á, vẫn mở cửa cho xuất khẩu hóa dầu và các sản phẩm khác.

Các biện pháp cấm vận thứ cấp được áp dụng tại Mỹ đối với bất kỳ người nào trên toàn thế giới mua, bán, vận chuyển hoặc tiếp thị các sản phẩm hóa dầu có xuất xứ từ Iran hoặc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ có giá trị từ 250.000 USD trở lên (hoặc 1 triệu USD trong khoảng thời gian 12 tháng) để sử dụng trong sản xuất các sản phẩm hóa dầu của Iran. EU cũng có lệnh cấm nhập khẩu, mua hoặc vận chuyển các sản phẩm hóa dầu có xuất xứ từ Iran và xuất khẩu sang Iran một số thiết bị để sử dụng trong ngành công nghiệp hóa dầu.

Iran mời Nga đầu tư vào hóa dầu, lĩnh vực năng lượng không bị cấm vận
Tàu chở dầu Pandi của Iran bị Mỹ bắt giữ ngoài khơi tháng 8/2020. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ.

Tuy nhiên, về mặt thực tế, ngay cả trong giai đoạn gia tăng các lệnh cấm vận này, lĩnh vực hóa dầu của Iran vẫn tiếp tục tăng sản lượng và nguồn doanh thu.

Đầu tư dài hạn của Nga vào lĩnh vực dầu khí của Iran

Một nguồn tin cấp cao, hợp tác chặt chẽ với Bộ Dầu mỏ của Iran, cho biết, từ năm 2015, khi biết các lệnh cấm vận được hoãn lại, các kế hoạch đầu tư đã cam kết của Nga cho lĩnh vực dầu khí của Iran đã tăng lên hơn 50 tỷ USD và được mở rộng phạm vi. “Đây là một kế hoạch chiến lược của Nga nhằm định vị mình ở vị trí trung tâm khi các lệnh trừng phạt cuối cùng được dỡ bỏ và các hợp đồng phát triển thực địa đã sẵn sàng”.

Điều này dẫn đến các thỏa thuận ban đầu được GazpromNeft ký cho các nghiên cứu khả thi cho các mỏ dầu Changouleh và Cheshmeh-Khosh, Zarubezhneft cho các mỏ Aban và Paydar Gharb và Tatneft cho mỏ Dehloran. Những thỏa thuận nằm trong biên bản ghi nhớ trước đây (MoU) được ký bởi Lukoil và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) cho các nghiên cứu về các mỏ dầu Ab Teymour và Mansouri, dẫn đến việc các công ty Nga được giao 7 nghiên cứu thực địa, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm đó.

Nguồn tin cho biết, điều quan trọng hơn nữa là các thỏa thuận này chỉ là một phần của Biên bản ghi nhớ 22 điểm rất rộng được ký tại thời điểm đó bởi Thứ trưởng Dầu khí Iran Amir-Hossein Zamaninia và Thứ trưởng Năng lượng Nga Kirill Molodtsov, trong đó không chỉ bao gồm các nghiên cứu và kế hoạch thăm dò và khai thác dầu mà còn để chuyển giao khí đốt, hoạt động hoán đổi hóa dầu, nghiên cứu về cung cấp và tiếp thị các sản phẩm hóa dầu, sản xuất thiết bị dầu cùng với các công ty kỹ thuật địa phương của Iran, và công nghệ chuyển giao trong lĩnh vực lọc dầu.

Bây giờ Nga sẽ cảm thấy ít bị ràng buộc hơn với Mỹ trong việc phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Iran, và thực sự sẽ tìm thấy nhiều lợi ích khi xóa mờ ranh giới giữa dầu, khí đốt, các sản phẩm hóa dầu của Nga và Iran, việc xuất khẩu và các tuyến đường xuất khẩu.

Lợi ích của Iran khi mời Nga tham gia sâu vào hóa dầu

Nguồn tin Iran nhấn mạnh rằng việc nối lại chiến lược của Nga ở Iran là rất hợp lý so với chiến lược ban đầu được dự trù vào năm 2015. Trước tiên, trong lĩnh vực hóa dầu, Nga có chuyên môn rất lớn trong lĩnh vực này và đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia vào các dự án như vậy, đã trao đổi một số nội dung với nước láng giềng Iraq về việc tiếp quản phát triển nhà máy hóa dầu Nebras ở trung tâm dầu mỏ phía nam Basra.

Iran mời Nga đầu tư vào hóa dầu, lĩnh vực năng lượng không bị cấm vận
Nhà máy lọc dầu Ngôi sao vùng Vịnh Ba Tư (PGSR).Ảnh: Thời báo Kinh tế tiếng Anh của Iran (financialtribune.com)

Điều này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của Iran vì trước khi Mỹ tái áp đặt các lệnh cấm vận vào năm 2018, hai trong số các mục tiêu chính của Tehran là trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hóa dầu số một ở Trung Đông và trở thành nhà xuất khẩu xăng dầu lớn trong và ngoài khu vực.

Nguồn tin Iran cho biết, đối với Iran, lĩnh vực hóa dầu tạo ra doanh thu cao hơn khoảng 15 đến 16 lần trên mỗi tấn sản phẩm so với dầu thô và đối với các nhà đầu tư, dựa trên các điều khoản hợp đồng hiện tại, hóa dầu tạo ra tỷ suất lợi nhuận từ 30-35% so với 12-15% trong phân khúc thượng nguồn và các công ty hóa dầu thường chia cổ tức tương đối cao cho các cổ đông. Về mục tiêu xăng, mục tiêu là trong vòng hai năm rưỡi kể từ khi hoàn thành nhà máy lọc dầu Ngôi sao vùng Vịnh Ba Tư (Persian Gulf Star Refinery-PGSR), Iran sẽ đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu xăng và dầu diesel của Nam Âu, khi Iran sẽ là nhà sản xuất xăng hàng đầu ở Trung Đông với tỷ suất lợi nhuận lớn vào thời điểm đó./.

Thanh Bình