Iran-Israel đang chuẩn bị cho chiến tranh?

11:57 | 04/12/2020

1,146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran hồi cuối tháng 11/2020 sẽ là giọt nước tràn ly, đẩy cuộc đối đầu Iran-Israel (cùng Mỹ) bùng nổ? Iran đang tính toán các phương án trả đũa vụ ám sát mà họ cáo buộc Israel đứng sau, và Tel Aviv cũng đang chuẩn bị các phương án đề phòng. Tuy nhiên, xem những gì Tehran đang chuẩn bị có thể thấy cuộc đối đầu quân sự giữa hai “kẻ thù truyền kiếp” này khó diễn ra.
Iran-Israel đang chuẩn bị cho chiến tranh?

Ngay sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Moh­sen Fakhrizadeh bị ám sát hôm 27/11, Tehran đã công khai cáo buộc Israel là chủ mưu. Trong dòng tweet mới nhất, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng khẳng định, chính “kẻ thù không đội trời chung của Iran” là Israel đã tham gia vào vụ ám sát. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, Thiếu tướng Ali Shamkhani cho biết ông Fakhrizadeh đã bị tình báo Israel và một nhóm đối lập lưu vong sát hại trong "một chiến dịch rất phức tạp, sử dụng thiết bị điện tử và không ai xuất hiện ở hiện trường". Israel không đưa ra bất cứ bình luận nào về các cáo buộc trên.

Đây là vụ thứ hai trong năm nay. Cú sốc đầu tiên là khi tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds và các chiến dịch ở nước ngoài cũng như chịu trách nhiệm truyền bá các tư tưởng của Iran, bị giết chết hồi tháng 1/2020. Cái chết của tướng Soleimani và nhà khoa học Fakhrizadeh đã cho thấy điểm yếu của hệ thống tình báo và an ninh Iran, cũng như việc chính phủ nước này chưa có khả năng ngăn chặn việc rò rỉ thông tin mật.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã viết trên Twitter rằng, có 2 vấn đề cần ưu tiên thực hiện, đó là trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của Fakhrizadeh và tiếp nối các công việc mà nhà khoa học này vẫn đang dang dở. Ngay cả Tổng thống Iran, người theo đường lối ôn hòa, cũng khẳng định Iran sẽ trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh. Tuy nhiên, liệu Iran sẽ thực sự đáp trả hay không? Và nếu điều đó xảy ra, Iran sẽ đáp trả khi nào và như thế nào? Các nhà phân tích đưa ra 4 phương án. Thứ nhất, Iran sẽ tăng cường chương trình hạt nhân. Thứ hai, Iran có thể sẽ xây dựng lực lượng Hezbollah ở Liban, lực lượng Hamas ở Gaza để nã rocket vào Israel. Kế đến, Iran có thể ám sát một quan chức cấp cao của Israel, người có vị trí tương tự như ông Mohsen Fakhrizadeh.

Iran cũng hiểu rõ nếu nước này tấn công trực tiếp Israel, Tehran có thể đối mặt với một cuộc tấn công trên quy mô lớn. Israel không còn là một nước đơn độc hay bị các nước thuộc thế giới Arab cô lập nữa. Israel hiện đã bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain cũng như cải thiện quan hệ với Arab Saudi. Hiện nay, một cuộc chiến toàn diện với Israel và Mỹ không phải là điều Iran mong muốn. Do đó, Iran sẽ nỗ lực để tránh một cuộc xung đột trực tiếp. Những chiến lược gia của Iran sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về việc phản ứng với những diễn biến trên để lấy lại thể diện mà không gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện hay nguy cơ bị tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự. Cuối cùng, Iran có thể chọn án binh bất động và chờ đợi thời cơ trả thù.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã chỉ đích danh Israel và cảnh báo về ý định tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran của nước này trước khi ông Biden nhậm chức. Ông Zarif đã viết trên Twitter rằng: "Những kẻ khủng bố đã giết chết một nhà khoa học ưu tú của Iran ngày hôm nay. Sự hèn nhát này, cùng với những dấu hiệu nghiêm túc về vai trò của Israel đã cho thấy thái độ khiêu chiến liều lĩnh của thủ phạm".

Vì vậy, khả năng có thể xảy ra nhất là chính quyền Iran sẽ chờ đợi cho tới khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ trước khi tính đến việc trả thù hoặc cứu vãn thể diện.

Iran-Israel đang chuẩn bị cho chiến tranh?
Vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran ngày 27/11 đang thổi bùng căng thẳng Iran-Israel

Tuy nhiên, mọi kịch bản Iran tấn công trả đũa đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Đó không phải là một lựa chọn dễ dàng cho Iran cả về mặt quân sự lẫn chính trị ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là trong bối cảnh Iran muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ - một đồng minh của Israel trong thời gian tới. Bước đi trước mắt của Iran cho thấy nước này đang chọn 1 trong 4 phương án kể trên.

Hãng tin Fars đưa tin, Quốc hội Iran hôm 2/12 đã thông qua dự luật về khôi phục các hoạt động hạt nhân. Phát biểu trước quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Iran, Mohammad Bagher Ghalibaf, tuyên bố rằng những kẻ thù đã "sợ hãi" khi thấy đất nước Iran mạnh lên, tái khẳng định rằng họ sẽ phải hối hận về các hành vi phạm tội, theo Fars. Hiện tại, Iran làm giàu uranium lên 4%, trong khi tỷ lệ quy định của thỏa thuận hạt nhân là 3,67%. Dự án luật được phê chuẩn liên quan đến việc sản xuất và lưu trữ 120 kg uranium được làm giàu ở mức 20% mỗi năm, cũng như trên 20%, mức độ làm giàu này được coi là cấp quân sự. Sản lượng uranium làm giàu thấp dự kiến ​​sẽ tăng lên 500 kg mỗi tháng. Ngoài ra, các nghị sĩ Iran đang yêu cầu sử dụng hàng nghìn máy ly tâm IR-2M và 164 máy ly tâm IR-6 để làm giàu uranium trong vòng 3 tháng, trong khi thỏa thuận hạt nhân 2015 chỉ cho phép sử dụng máy ly tâm thế hệ IR-1. Cuối cùng, Quốc hội Iran dự định "tối ưu hóa" lò phản ứng Arak và khởi động xây dựng lò phản ứng thứ hai. Trước đó, Quốc hội Iran đã thông qua dự thảo hành động kêu gọi từ bỏ giao thức bổ sung cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận nhiều hơn với thông tin và các cơ sở hạt nhân của Iran. Nếu 3 tháng sau khi thông qua luật này, quan hệ ngân hàng của Iran ở châu Âu và lượng dầu mà châu Âu mua của Iran không trở lại "bình thường" và trong các điều kiện thỏa đáng, chính phủ Tehran sẽ đơn phương dừng thực hiện giao thức bổ sung trong thỏa thuận hạt nhân 2015, Fars kết luận.

Israel đang đối mặt với một cuộc tấn công đáp trả có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Các đại sứ quán của nước này đều đặt trong tình trạng báo động. Bộ Quốc phòng Israel đang hợp tác với UAE do lo ngại hàng nghìn du khách Israel ở Dubai và Abu Dhabi có thể trở thành các mục tiêu trong các vụ tấn công đáp trả của Iran. Cũng trong ngày 2/12, Israel đã nhận được phần đầu tiên của một hạm đội quân sự mới nhằm cải thiện "triệt để" khả năng ứng phó với các mối đe dọa trong khu vực, đặc biệt là từ một số đồng minh của Iran như Hezbollah ở Liban, quân đội Israel cho biết. Israel đã đặt mua 3 tàu ngầm và 4 tàu chiến từ tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đức ThyssenKrupp. Tàu đầu tiên, một tàu hộ tống loại Sa'ar 6 với tên gọi INS Magen, đã được chuyển đến cảng Haifa (phía bắc Israel). Được trang bị "radar tinh vi nhất hiện có trên tàu chiến", tàu hộ tống này sẽ "tăng đáng kể" khả năng phản ứng của hải quân Israel trước các mối đe dọa trong khu vực, theo người đứng đầu các hoạt động hải quân của quân đội Israel, Tướng Eyal Harel.

Liban và Israel, hai nước láng giềng về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, vào tháng 10/2020 đã tiến hành các cuộc đàm phán về biên giới trên biển, nhằm loại bỏ các trở ngại đối với việc tìm kiếm dầu khí tại một khu vực tranh chấp ở Địa Trung Hải. Một năm trước, Israel đã khởi động bên ngoài khu vực tranh chấp này, việc sản xuất tại mỏ Leviathan ngoài khơi với nguồn tài nguyên ước tính khoảng 605 tỷ m3 khí tự nhiên. Đây là "dự án năng lượng quan trọng nhất" trong lịch sử Israel, theo các cơ quan chức năng. Tướng Harel nói rằng những cơ sở khí đốt này ở Địa Trung Hải có thể là "một trong những mục tiêu ưu tiên của Hezbollah" trong trường hợp xảy ra xung đột, do đó tầm quan trọng của hạm đội mới này là rất lớn. Theo Trung tâm Quốc tế về an toàn hàng hải, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, tàu Sa'ar 6 có thể cho phép Israel tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào Iran, kẻ thù của họ, từ Địa Trung Hải.

Hiện chính phủ nhiều nước trong và ngoài khu vực Trung Đông tiếp tục kêu gọi kiềm chế sau vụ nhà khoa học Iran bị sát hại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc lên án vụ ám sát ông Fakhrizadeh và hy vọng vụ việc sẽ được điều tra kỹ lưỡng. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại sâu sắc trước "bản chất gây hấn của hành động khủng bố này và điều này rõ ràng gây ra bất ổn và nguy cơ xung đột trong khu vực". Tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế thực hiện những bước đi có nguy cơ leo thang căng thẳng. Tương tự, Liban cũng lên án mạnh mẽ vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh của Iran và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa để khu vực tránh rơi vào "kịch bản tồi tệ nhất". Về phần mình, Bộ Ngoại giao Kuwait lên án vụ ám sát và gửi lời chia buồn với đất nước Iran. Tuyên bố của bộ trên nhấn mạnh Kuwait phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng và phá hoại sự ổn định trong khu vực. Cùng ngày, các nước trong khu vực như Jordan, UAE cũng ra tuyên bố lên án vụ sát hại ông Fakhrizadeh và kêu gọi các bên kiềm chế nhằm tránh rơi vào bất ổn.

Một người phát ngôn của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi hối thúc các bên kiềm chế và tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Chúng tôi cũng lên án mọi hành động ám sát hay sát hại mà không qua xét xử". Bộ Ngoại giao Đức cũng hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng có thể ảnh hưởng tới đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Theo cơ quan này, điều quan trọng là duy trì cơ hội đàm phán nhằm giải quyết tranh cãi thông qua thương lượng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria gọi vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran là một “hành động khủng bố”, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án vụ "ám sát tàn ác" nhằm vào nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, kêu gọi đưa những kẻ liên quan đến vụ tấn công ra trước công lý. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Iran phê chuẩn dự luật tăng tốc hoạt động hạt nhânIran phê chuẩn dự luật tăng tốc hoạt động hạt nhân
Israel nhận tàu chiến mới trong bối cảnh căng thẳng với IranIsrael nhận tàu chiến mới trong bối cảnh căng thẳng với Iran
Lại thêm một cố vấn quân sự cấp cao của Iran bị giết?Lại thêm một cố vấn quân sự cấp cao của Iran bị giết?
Tư lệnh cấp cao Iran nghi bị ám sát bằng máy bay không người láiTư lệnh cấp cao Iran nghi bị ám sát bằng máy bay không người lái

H.Phan

AFP