Indonesia bán tín chỉ carbon lập quỹ xanh trị giá 65 tỷ USD

16:40 | 15/09/2024

302 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một cố vấn nói với Reuters rằng Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto có kế hoạch thành lập một quỹ kinh tế xanh bằng cách bán tín dụng phát thải carbon từ các dự án như bảo tồn rừng nhiệt đới nhằm huy động 65 tỷ USD vào năm 2028.
Indonesia bán tín chỉ carbon lập quỹ xanh trị giá 65 tỷ USD
Indonesia có kế hoạch thành lập một quỹ kinh tế xanh bằng cách bán tín dụng phát thải carbon. Hình minh họa

Ferry Latuhihin, một trong những cố vấn của Prabowo về chính sách khí hậu cho biết, một cơ quan quản lý mới sẽ được thành lập để giám sát các quy định về phát thải carbon nhằm giúp Indonesia đạt được các mục tiêu khí thải theo Thỏa thuận Paris.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cơ quan này sẽ tạo ra một “tổ chức chuyên trách” để quản lý quỹ xanh và vận hành các dự án bù đắp lượng carbon. Các dự án này sẽ bao gồm việc bảo tồn rừng, trồng lại rừng và phục hồi đất than bùn và rừng ngập mặn, nhằm tạo ra tín chỉ carbon có thể bán trên phạm vi quốc tế, ông Latuhihin cho biết.

Ông nói thêm rằng mục tiêu là phát triển tổ chức này lên 1.000 nghìn tỷ rupiah (tương đương 65 tỷ USD) vào năm 2028.

Ông Latuhihin nhấn mạnh: “Chúng ta cần tận dụng lợi thế của mình, đó là thiên nhiên”.

Quy mô của quỹ đề xuất, chưa được báo cáo trước đây, có thể giúp một trong mười quốc gia phát thải hàng đầu thế giới, Indonesia, nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới, đạt được mục tiêu trung hòa carbon ròng vào năm 2060.

Tuy nhiên, quốc gia này cũng đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm sự cạnh tranh trên thị trường carbon toàn cầu và nhu cầu đảm bảo rằng các dự án được coi là đáng tin cậy.

Christina Ng, Giám đốc điều hành của Energy Shift Institute, một tổ chức tư vấn về quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á, cho rằng hệ sinh thái tự nhiên rộng lớn của Indonesia mang lại cơ hội cho các dự án bù đắp lượng carbon quy mô lớn, nhưng các mục tiêu đề ra là rất tham vọng xét từ quan điểm tài chính và hoạt động.

Ông Prabowo, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/10, đã cam kết nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 8% trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, so với mức 5% hiện nay, đặc biệt là thông qua đầu tư vào các dự án xanh.

Ông Latuhihin cho biết các dự án bù đắp carbon sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và có thể góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ông cho biết, Chính phủ mới sẽ cung cấp vốn ban đầu, hiện vẫn đang được xác định, nhưng họ hy vọng rằng quỹ này sẽ tăng trưởng bằng cách bán tín dụng carbon trong và ngoài nước và trả cổ tức cho Chính phủ khi “quỹ này đã có lãi”.

“Việc huy động vốn vào một tổ chức như vậy sẽ cho phép Indonesia thực hiện các dự án xanh quy mô lớn mà không cần sử dụng ngân sách nhà nước”, ông Latuhihin giải thích.

Ông cũng bổ sung rằng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được tuân thủ và các công nghệ sẽ được triển khai để xác nhận lượng carbon dioxide (CO2) mà mỗi dự án loại bỏ khỏi khí quyển.

Thách thức mục tiêu của quỹ

Ông Christina Ng cho biết, tín dụng carbon có nguồn gốc tự nhiên thường được giao dịch trong khoảng từ 5 đến 50 USD/tấn CO2 tương đương, nhưng giá trung bình năm ngoái chưa đến 10 USD/tấn.

Ngay cả ở mức 50 USD/tấn, 200 triệu tấn tín chỉ carbon sẽ cần được bán để huy động 10 tỷ USD mỗi năm, con số này vẫn không đủ để đáp ứng mục tiêu của quỹ trong vòng 4 năm tới. Con số này gần bằng lượng tín chỉ carbon toàn cầu phát hành tự nguyện cao nhất từng ghi nhận là 239 triệu tấn vào năm 2021, ông Ng cho biết, đồng thời nhấn mạnh khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của quỹ.

Với mức giá 10 USD/tấn, khối lượng tương tự sẽ chỉ mang lại 2 tỷ USD mỗi năm, khiến mục tiêu 65 tỷ USD càng trở nên xa vời hơn.

“Trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường carbon toàn cầu, với các quốc gia như Brazil và các nước khác ở Đông Nam Á cũng cung cấp các khoản tín dụng dựa trên tài nguyên thiên nhiên, tổ chức này sẽ cần chứng minh rằng các khoản tín dụng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất”, ông nói và lưu ý rằng Indonesia từng gặp vấn đề về quản trị.

Tỷ lệ phá rừng ở Indonesia đã giảm trong những năm gần đây, mặc dù nước này thường xuyên báo cáo các vụ cháy rừng, thường do nông dân đốt rừng để dọn đất làm đồn điền.

Ông Latuhihin cho biết, Chính phủ mới sẽ tổ chức các chuyến tham quan dự án ở nước ngoài với hy vọng hợp tác với các ngân hàng quốc tế lớn để bán tín chỉ carbon tại các thị trường có giá carbon cao hơn.

Quá trình chuyển đổi xanh gặp rủi ro khi các kế hoạch bù đắp carbon Quá trình chuyển đổi xanh gặp rủi ro khi các kế hoạch bù đắp carbon "chùn bước"
Châu Âu: Giá tín chỉ carbon tăng mạnhChâu Âu: Giá tín chỉ carbon tăng mạnh
Mỹ: Những cải cách mới về thị trường carbon tự nguyệnMỹ: Những cải cách mới về thị trường carbon tự nguyện
Làm thế nào để lấy lại “uy tín” cho thị trường carbon?Làm thế nào để lấy lại “uy tín” cho thị trường carbon?

Nh.Thạch

AFP