Hydrogen - Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng

19:00 | 16/03/2023

388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các chuyên gia, cùng với những giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen (được tạo thành nhờ quá trình điện phân phân tử nước) và những dẫn xuất của hydrogen đang được kỳ vọng chính là giải pháp quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng.
Hydrogen - Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng

Hydrogen - Nguồn năng lượng thay thế tối ưu

Vừa qua, tại hội thảo “Đánh giá tổng thể về sản xuất hydrogen xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và tiềm năng sử dụng ở Việt Nam”, ông Lê Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết, sản xuất hydrogen xanh là phương pháp sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng điện từ năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, quá trình điện phân được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy. Công nghệ này có thể giảm đáng kể lượng phát thải carbon và góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Hydrogen - Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng
Hydrogen đang được kỳ vọng chính là giải pháp quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng

Tuy nhiên, sản lượng hydrogen xanh toàn cầu từ quá trình điện phân nước là không đáng kể, năm 2020 chỉ chiếm 0,03% sản lượng hydrogen của thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2030, khi các công nghệ điện phân phát triển vượt bậc và chi phí cho năng lượng tái tạo dự kiến sẽ giảm mạnh, hydrogen xanh sẽ là một lựa chọn khả thi hơn về tài chính. Các quốc gia có tiềm năng cao về năng lượng tái tạo, có mối quan hệ thương mại tốt, ổn định chính trị và có vị trí địa lý gần các nhà nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ hưởng lợi từ công nghệ này.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Năm 2022, tăng trưởng của Việt Nam tới hơn 8%. Sự tăng trưởng kinh tế đó diễn ra đồng thời với sự gia tăng nhu cầu năng lượng và đòi hỏi các giải pháp sáng tạo để bảo đảm an ninh năng lượng. Năng lượng ở Việt Nam, chủ yếu được sản xuất từ than đá, ước tính chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của Việt Nam vào năm 2030. Điều đáng khích lệ là Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió kể từ năm 2019.

Hydrogen - Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng
Việt Nam có triển vọng sản xuất hydrogen xanh (ảnh phối cảnh nhà máy điện phân TGS Green Hydrogen)

Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Vào tháng 12-2022, Việt Nam, các nước G7, châu Âu, Đan Mạch và Na Uy đã ký kết đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), theo đó, cam kết ban đầu trị giá 15,5 tỉ USD sẽ được huy động để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nhằm giảm 30% lượng phát thải cao nhất hằng năm từ ngành năng lượng, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện từ 36% lên ít nhất 47% vào năm 2030, điều chỉnh giảm lượng than đá tối đa và đỉnh phát thải vào năm 2030 thay vì năm 2035.

“Sản xuất và sử dụng hydrogen xanh là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Để triển khai sản xuất và sử dụng hydrogen xanh, cần hiểu và cập nhật những kiến thức cần thiết về các điều kiện cần thiết, các thuận lợi, khó khăn, thách thức về nguồn lực, tài chính, các điều kiện pháp lý, giúp cho các nhà phát triển, các nhà sử dụng, cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn... định hướng phát triển, chuẩn bị và hỗ trợ phát triển phù hợp với nhu cầu”, ông Lê Việt Cường nhấn mạnh.

Cơ hội và thách thức với Petrovietnam

Ông Đặng Thanh Tùng - Ban Chiến lược Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - cho hay, trong lĩnh vực lọc hóa dầu, nguyên liệu hydrogen “sạch” là giải pháp khử carbon có nhiều lợi thế so với các giải pháp khác như lưu trữ hay sử dụng carbon.

Hydrogen - Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng
Hydrogen - Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng

Petrovietnam có năng lực tài chính và có khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính, các ưu đãi của Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch. Bên cạnh đó, Petrovietnam có các đơn vị với kinh nghiệm, nguồn nhân lực sẵn có trong việc sản xuất hydrogen “xám” như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, nhà máy sản xuất phân bón của PVFCCo và PVFCFC... để triển khai sản xuất hydrogen “sạch”. Việc này có thể giúp các đơn vị sử dụng hydrogen “lam” để khử carbon, giảm phát thải khí nhà kính và chế biến nguồn khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao.

Tuy nhiên, Petrovietnam phải giải quyết được các thách thức như sản xuất hydrogen cần có chi phí đầu tư lớn, cần có chiến lược, lộ trình phát triển của quốc gia cũng như các chính sách hỗ trợ cụ thể. Bên cạnh đó, công nghệ và nguồn nhân lực còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý, kỹ thuật và sản xuất, vận chuyển, tồn trữ hydrogen. Cơ sở hạ tầng của công nghiệp khí và lưới điện truyền tải chưa xem xét, tính đến nhu cầu và cơ chế sử dụng chung cho phát triển hydrogen. Cuối cùng là nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của năng lượng hydrogen và lợi ích của việc sản xuất nguồn nguyên liệu này.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, định hướng phát triển hydrogen “sạch” của Petrovietnam sẽ trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 sẽ bắt đầu xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển lĩnh vực hydrogen đến năm 2035, định hướng đến năm 2045; tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng chôn lấp CO2, lựa chọn các điểm tiềm năng để đánh giá tính khả thi của các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; nghiên cứu thị trường thế giới, khu vực và đánh giá khả năng chuyển đổi của ngành Dầu khí; xây dựng mô hình kinh doanh và các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp hydrogen trong nước và xuất khẩu.

Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để triền khai các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí.

Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2045, sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực và thế giới...

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: Việc sản xuất hydrogen xanh và các nhà máy năng lượng tái tạo có thể đáp ứng một phần nhu cầu lưu trữ, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam. Hydrogen xanh có thể giúp Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26. UNDP sẽ tiếp tục hợp tác với Viện Năng lượng trong sản xuất và sử dụng hydrogen xanh.

  • vietinbank