Hưởng lợi từ dòng tiền trong và ngoài nước
Bài học cho thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn từ Trung Quốc Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc vừa trải qua một tháng điên rồ. Các chỉ số chính là Thượng Hải Composite và Thâm Quyến Composite đã sụt giảm tới 34 và 40% số điểm... |
Trong 6 tháng đầu năm 2015, TTCK tăng trưởng tương đối khá, gần 10% so với cuối năm 2014. Mức giao dịch bình quân đạt khoảng 130 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE và khoảng 94 triệu cổ phiếu trên sàn HNX, khối lượng giao dịch bình quân đạt khoảng 2.300 tỉ đồng/phiên. Đáng lưu ý là trong khoảng tháng 5, tháng 6-2015 các giao dịch của thị trường diễn biến tương đối tích cực. Hiện tại, giao dịch đang tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng. Đây là nhóm không được kỳ vọng nhiều ngay từ những dự báo đầu năm 2015 bởi lo lắng với vấn đề xử lý nợ xấu, cũng như tăng trưởng tín dụng thấp, không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, nhóm ngành này đã tạo “sóng” trên thị trường thời gian vừa qua và trở thành nhóm cổ phiếu “vua” dẫn dắt thị trường. Một tín hiệu tích cực khác là sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại. Trong nửa đầu năm 2015 khối ngoại đã rót ròng vào khoảng 5.000 tỉ đồng trên cả 2 sàn, góp phần không nhỏ vào đà tăng trưởng của thị trường.
Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm được dự báo tích cực |
Từ những diễn biến tích cực của thị trường trong thời gian qua và những tín hiệu lạc quan cho thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định, 6 tháng cuối năm thị trường sẽ có diễn biến tương đối tích cực, cốt lõi là do dòng tiền trên thị trường sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các dòng tiền trong và ngoài nước.
Đối với dòng tiền trong nước, tín hiệu tích cực cho TTCK là dòng tiền từ thị trường trái phiếu Chính phủ. Nếu những năm trước, giai đoạn 2012 - 2014, kinh tế phục hồi chưa rõ nét thì phát hành trái phiếu của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm rất thành công, đạt khoảng 120% so với kế hoạch và tỷ lệ thành công trúng thầu khi phát hành lần đầu thường đạt 100%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, trái phiếu Chính phủ phát hành không còn được như các năm trước. Tính đến ngày 17-6-2015 phát hành chỉ đạt khoảng 72.000 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ 2014 và chưa đạt được 1/3 kế hoạch của năm. Giới phân tích nhận định, dòng tiền từ đây sẽ đổ vào các kênh đầu tư khác trong đó có TTCK, góp phần vào đà tăng trưởng của thị trường.
Bên cạnh đó, sau đợt tái cơ cấu vừa qua, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu ấm dần trở lại, giao dịch liên ngân hàng cũng có dấu hiệu gia tăng. Một vài ngân hàng thương mại cổ phần bắt đầu tăng lãi suất huy động để tăng huy động vốn. Cho thấy, dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và đổ vào các mục tiêu khác. Trong đó, TTCK là một trong những nơi hấp dẫn dòng tiền gửi vào khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
Và hỗ trợ chung cho sự phát triển của doanh nghiệp, các kênh đầu tư, trong đó có TTCK là kinh tế tăng trưởng tích cực, GDP 6 tháng đầu năm tăng cao hơn mục tiêu 6,1% đề ra; dòng vốn FDI tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Xu hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giảm lãi suất cho vay xuống và giữ ổn định lãi suất huy động, điều đó rất có lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất của nền kinh tế. Đồng thời, theo thông lệ hằng năm kinh tế 6 tháng cuối năm thường tăng trưởng cao hơn các tháng đầu năm là yếu tố tích cực hỗ trợ cho TTCK.
Đối với dòng tiền nước ngoài, Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, từ vấn đề Hy Lạp sẽ có một dòng tiền rất lớn rút ra khỏi đồng euro. Vì theo dự báo đồng euro sẽ có xu hướng giảm giá từ đây đến cuối năm. Trong khi đó, cùng với xu hướng phục hồi và mạnh lên của USD thì nơi trú ẩn hiện tại của dòng tiền rút ra khỏi châu Âu không có nhiều, đến một lúc nào đó nó sẽ đổ vào một số thị trường mới nổi, trái phiếu... “Chúng tôi đánh giá, 6 tháng cuối năm, khoảng cuối quý III, đầu quý IV khả năng Việt Nam cũng là một trong những điểm đến rất lý tưởng của dòng tiền đang tháo chạy khỏi đồng euro. Trong quá khứ, vào những thời điểm tương tự như vậy, dòng tiền khối ngoại sẽ có tác động rất lớn thị trường do quy mô thị trường của nước ta chưa thật sự lớn”, ông Đào Hồng Dương, Phòng Tư vấn Đầu tư Công ty PSI đánh giá.
Ngoài ra, về mặt chính sách, chúng ta đang có nhiều chính sách hỗ trợ để có thể thu hút dòng tiền đầu tư gián tiếp của nước ngoài. Thứ nhất là việc duy trì, ổn định tỷ giá. Mặc dù áp lực tỷ giá vẫn còn cao nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái tăng từ đầu năm và hiện tại tỷ giá tương đối ổn định. Điều này còn được củng cố thêm do thị trường trái phiếu Chính phủ từ đầu năm hoạt động không được tốt ở nội địa. Do đó, khả năng cao là 6 tháng cuối năm sẽ phát hành ra nước ngoài. Khi trái phiếu đã phát hành ra nước ngoài thì có thêm căn cứ để giữ ổn định về mặt tỷ giá.
Bên cạnh đó, Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực trong nửa cuối năm 2015 và Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC là những điểm có sự hỗ trợ rất tốt đối với dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam. Do những thay đổi cơ chế tích cực về rút ngắn thời gian giao dịch, thanh toán tạo thuận tiện và giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia thị trường và nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài với một vài ngành nghề theo hướng dẫn có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư cũng như kích thích dòng vốn ngoại chảy mạnh vào TTCK nước ta. Cùng với đó, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và bắt đầu đi vào lộ trình thực hiện đã góp phần thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, TTCK Việt Nam đang được đánh giá là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi so sánh tương quan với thị trường các nước trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức định giá TTCK đang thấp với mức P/E đang thấp hơn 30-40% so với khu vực. Với chỉ tiêu đánh giá thấp như vậy, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và hứa hẹn dòng tiền khá sôi động, nhất là từ nay đến 6 tháng cuối năm 2015.
Đánh giá về triển vọng thị trường của các ngành hàng, ông Đào Hồng Dương, Phòng Tư vấn Đầu tư Công ty PSI nhận định, nhóm chứng khoán bất động sản, ngân hàng vẫn được đánh giá trung tính vì các dấu hiệu tích cực vẫn chưa rõ nét và có nhiều yếu tố bất định. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành da giày, may mặc được đánh giá tích cực vì mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao và triển vọng tăng trưởng hơn nữa khi được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như Hiệp định TPP khi được ký kết. Hai ngành hàng được đánh giá cao theo xu hướng vừa tăng trưởng vừa mang tính chất đột phá là ngành xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng và ngành bán lẻ. Bởi đây là hai nhóm ngành được kỳ vọng phát triển mạnh theo xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Lê Mai
Năng lượng Mới 445