Hướng dẫn xử lý F0, F1 tại các cơ sở giáo dục
Ngày 16/2, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kết nối các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19. Đây được đánh giá là vấn đề cấp thiết cần quan tâm trong bối cảnh trường học trên cả nước mở cửa trở lại.
![]() |
Hội nghị tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Trao đổi tại hội nghị tập huấn, TS Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) chia sẻ, thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0. Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Tại hội nghị tập huấn, TS Dương Chí Nam đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể cơ sở giáo dục xử lý trường hợp mắc, nghi mắc Covid-19.
Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh nghi mắc Covid-19, TS Dương Chí Nam hướng dẫn nhà trường cần thông báo cho Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, đồng thời thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.
Học sinh nghi mắc Covid-19 sẽ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Sau đó, nhà trường khai thác các tiền sử tiếp xúc của học sinh này, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương.
Học sinh nghi mắc Covid-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Trường hợp phát hiện ca mắc Covid-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển em này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để ngay lập tức cùng xử lý.
TS Dương Chí Nam lưu ý tất cả cơ sở giáo dục cần phải trao đổi, liên hệ thường xuyên với trạm y tế cấp xã/phường và cơ sở y tế để khi có tình huống phát sinh có thể được hỗ trợ nhanh.
Đối với lớp có F0, tất cả học sinh ngồi tại chỗ, tổ chức xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Toàn bộ học sinh của lớp được test kháng nguyên nhanh, mẫu gộp. Sau đó, trường cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ phòng học.
Những học sinh không phải là F1, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.
Trường hợp học sinh được xác định là F1, các em được ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại.
Học sinh F1 chưa được tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13. "Về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT. Có thể, chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa", TS Dương Chí Nam nói thêm.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại điểm cầu Bộ Y tế |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe tham luận một số nội dung như: Báo cáo tình hình điều trị Covid-19 cho trẻ em; hướng dẫn xử trí khi trẻ bị mắc Covid-19 tại trường học và tại nhà; nghe các chuyên gia hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ em bị mắc Covid-19 tại nhà; hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ em bị mắc Covid-19 tại bệnh viện…
Trao đổi tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ dưới 18 tuổi của Việt Nam hiện nay là 19,2%. Tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42%. Thứ trưởng đánh giá ở trẻ em, tỷ lệ mắc thấp nhưng vẫn có những trường hợp tử vong và biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, khi các trường học mở cửa trở lại, việc bảo đảm an toàn dịch bệnh ở trường học cho trẻ là rất quan trọng. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng dịch.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nếu không có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho trẻ để các em quay trở lại trường học an toàn.
Về phía ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, ngành sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các trường xử trí tình huống xảy ra khi học sinh trở lại học tập trung, không để bị động, lúng túng, bất ngờ; đồng thời, phối hợp các cơ sở y tế trên địa bàn để xử lý, chăm sóc học sinh F0, F1.
N.H
![]() |
![]() |
![]() |
-
VinFast và cuộc cách mạng trong phân khúc xe máy điện dành cho học sinh
-
The Up Project mùa 7: Hành trình vẽ nên “Khoảng xanh” yêu thương và hy vọng
-
Khám phá hành trình phát triển khoa học tại triển lãm Science Tornado 2024
-
Nhiều địa phương miễn 100% học phí cho học sinh các cấp
-
Tặng hơn 1,7 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên toàn quốc
- Tử vi tuần mới (14-20/4/2025): Tuổi Hợi vận may tài lộc, tuổi Sửu cơ hội thăng tiến
- Tử vi tuần mới (7-13/4/2025): Tuổi Mùi hạnh phúc vẹn tròn, tuổi Mão công danh sáng rõ
- Tử vi tháng 4/2025: Tuổi Ngọ sự nghiệp khởi sắc, tuổi Thân vượng vận đào hoa
- Tử vi tuần mới (31/3-6/4/2025): Tuổi Tý tài lộc vượng phát, tuổi Dậu quý nhân trợ vận
- Tử vi tuần mới (24-30/3/2025): Tuổi Sửu nỗ lực không ngừng, tuổi Dần tài lộc bội thu
- Việt Nam tăng hạng vượt bậc về chỉ số hạnh phúc
- Tử vi tuần mới (17-23/3/2025): Tuổi Thân tài chính khởi sắc, tuổi Dậu sự nghiệp thuận lợi
- Tử vi tuần mới (10-16/3/2025): Tuổi Tý chuyển biến tích cực, tuổi Thìn công danh khởi sắc