Hoàn thiện Luật Điện lực tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực

14:36 | 17/04/2024

8,124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc hoàn thiện Luật Điện lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành.

Sửa đổi Luật Điện lực đáp ứng yêu cầu mới, cơ chế, chính sách mới về chuyển đổi năng lượng

Theo Chính phủ, việc hoàn thiện Luật Điện lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành.

Mục tiêu sửa đổi Luật Điện lực còn là tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

PHIÊN HỌP THỨ 32 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sửa đổi Luật Điện lực tại phiên họp thứ 32.

Phát biểu tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã thành lập Ban soạn thảo và xây dựng bản dự thảo lần 1, xin ý kiến rộng rãi.

Thứ trưởng nhấn mạnh, dự án luật này mang tính cấp thiết vì liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay cũng đã khá chậm. Bên cạnh đó, dự thảo luật có 6 nhóm chính sách lớn, với nhiều nội dung cấp thiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, và đặc biệt đáp ứng yêu cầu mới, cơ chế, chính sách mới về chuyển đổi năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo... Đây là những nội dung trong luật hiện hành chưa đề cập tới.

Đồng thời, nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phù hợp với đặc thù của ngành điện lực, đảm bảo phù hợp với sự cải tiến của khoa học, kỹ thuật, góp phần tích cực trong công tác bảo đảm an ninh cung cấp điện, cũng là mục tiêu của lần sửa đổi này.

Các nhóm chính sách sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua

Chính phủ đã cơ bản thống nhất 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Công Thương gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Chính sách tiếp theo là quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện. An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện, là chính sách thứ 6. Dự kiến cuộc họp lần thứ 3 của Ban soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đối với dự thảo 2 dự kiến trong tuần cuối tháng 5/2024 (từ ngày 27/5 đến ngày 31/5/2024) để hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định.

Với ý nghĩa quan trọng, Luật Điện lực (sửa đổi) được cho ý kiến và thông qua ngay tại kỳ họp này (thường các dự án luật thông qua theo quy trình 2 kỳ họp) được Chính phủ giải thích là để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, nhất là vấn đề chuyển dịch năng lượng, hòa chung vào xu thế phát triển ngành năng lượng của thế giới, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thông qua dự án luật còn là để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới, phát triển lĩnh vực điện lực phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện lực. Tuy nhiên, các cơ quan này cho rằng, phạm vi sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ là sửa đổi tổng thể Luật Điện lực hiện hành, với nhiều nhóm chính sách lớn, quan trọng, nên cần được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, xem xét, cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp.

Nhất trí tiến độ trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị quy định rõ trường hợp dự án luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Cơ sở cho phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo

Một trong những điểm đáng chú ý ở lần sửa đổi này là dự thảo Luật Điện lực xây dựng một chương về phát triển điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo. Chính sách này nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện năng lượng tái tạo có quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, cho mục đích tự sử dụng, tự sản và tự tiêu, không gây quá tải hệ thống truyền tải, phân phối. Chương này cũng quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn không qua lưới điện quốc gia.

Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư làm cơ sở thực hiện điện gió ngoài khơi, đề xuất quy định thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với một số dự án và tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án trên địa bàn.

Nêu ý kiến về chính sách trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần xây dựng luật riêng về năng lượng tái tạo.

Hoàn thiện Luật Điện lực tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực
Dự thảo Luật Điện lực xây dựng một chương về phát triển điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo.

Hiện nay, quy định về năng lượng tái tạo được bổ sung vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi chỉ áp dụng chủ yếu đối với các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, mà chưa có các quy định về năng lượng tái tạo khác. Đồng thời, khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cần rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh khung pháp luật về năng lượng tái tạo, không chỉ hướng tới việc khắc phục và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, mà còn hướng tới phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững.

Lần sửa đổi này cũng hướng tới mục tiêu giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo trong giá điện để đảm bảo giá điện phản ánh đúng chi phí cung cấp điện tới các đối tượng sử dụng điện, đảm bảo sự minh bạch trong xác định giá điện.

Theo đó, có một số vấn đề mới như giá điện hai thành phần (bao gồm giá công suất và giá điện năng); mua bán điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia và mua điện trực tiếp với nước ngoài không qua hệ thống điện quốc gia tại khu vực biên giới...

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật Điện lựcBộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực
6 vấn đề nóng trong dự thảo Luật Điện lực6 vấn đề nóng trong dự thảo Luật Điện lực
Lợi ích lớn và việc cần kíp phải nhanh chóng thực hiện sửa đổi Luật Điện lựcLợi ích lớn và việc cần kíp phải nhanh chóng thực hiện sửa đổi Luật Điện lực

Minh Châu

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps