Sao Việt đến Liên hoan phim Cannes:

Hóa ra đi... "bán rượu" Chivas

07:00 | 25/05/2013

1,624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Năm nay là năm thứ 4 Việt Nam có đại diện tới Liên hoan phim Cannes. Cũng như mọi năm, thông tin về đoàn Việt Nam tới Cannes “trải” đầy trên mặt báo dù không có phim Việt Nam dự giải điện ảnh danh giá này.

Khi biết tin một số “ngôi sao” Việt Nam sẽ tham dự Liên hoan phim (LHP) Cannes, nhiều người yêu điện ảnh trong nước đã vui mừng xen lẫn tự hào về nền điện ảnh nước nhà: Vậy là cuối cùng cũng có ngày nền điện ảnh Việt Nam có dịp sánh vai với bạn bè quốc tế. Năm đầu tiên có đoàn làm phim Việt đi dự LHP Cannes, biết bao người khấp khởi. Năm thứ hai rồi năm thứ ba… sự hào hứng, cảm giác ban đầu không còn nữa.

Cảm giác tự hào nhanh chóng tắt lụi, thậm chí nhiều người còn tự trách mình đã nông nổi khi vội mừng trước việc nghệ sĩ Việt Nam “được mời dự LHP Cannes”. Bởi lẽ, sau thời khắc lộng lẫy trên thảm đỏ, không có một sản phẩm điện ảnh nào được mang đến “trường quốc tế” này để tham gia tranh giải. Ngay cả đoàn Việt Nam được mời đi Cannes cũng có người chẳng có nhiều cống hiến cho nền điện ảnh. Vậy, các “sao” Việt đến Cannes với tư cách gì, để làm gì?

Dustin Nguyễn và Giám đốc Film Festival Flix

Được biết, trong danh sách các “sao” Việt đến Cannes năm nay có đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Dustin Nguyễn là những người đã có nhiều cống hiến trong ngành điện ảnh nước nhà. Các suất còn lại thuộc về những người mẫu, hoa hậu thỉnh thoảng có đóng phim như Lý Nhã Kỳ, Trúc Diễm, ca sĩ Maya… và chẳng có ai trong số “ăn theo” này nhận được những lời khen ngợi về khả năng diễn xuất.

Khi được hỏi sẽ tới Cannes để làm gì, ai cũng chia sẻ rằng, họ đi với niềm tự hào được tham dự một LHP uy tín nhất, được sánh vai với các ngôi sao quốc tế. Họ đi để tích lũy kinh nghiệm làm phim, đi để tiếp xúc với nền điện ảnh thế giới, để mang theo những kinh nghiệm quý báu về đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà. Những kinh nghiệm này đáng lẽ phải được tích lũy cho những người làm điện ảnh gạo cội, những người thật sự có hiểu biết về nền điện ảnh mới đúng. Chứ đối với các người mẫu, hoa hậu vốn không qua đào tạo chuyên ngành cơ bản, không khéo lại mang theo một cái nhìn sai lệch về điện ảnh Việt Nam thì đúng là “xôi hỏng bỏng không”.

Đây là năm thứ tư Việt Nam có đoàn nghệ sĩ đi dự LHP Cannes. Nhưng những gì mà khán giả trong nước thấy được từ trước đến nay chỉ là những màn trình diễn thời trang thiếu ấn tượng của các người đẹp Việt trước bạn bè quốc tế.

Trước khi đoàn nghệ sĩ tới Cannes, ngày nào cũng có chí ít một tin bài về chuyện các người đẹp chuẩn bị váy áo tới Cannes như thế nào? Háo hức ra sao? Đến khi tới dự LHP thì chẳng thấy báo chí quốc tế nào đưa tin về đoàn Việt Nam, chỉ có mỗi báo chí nước nhà rùm beng với những bộ ảnh do các nghệ sĩ tự chụp hoặc có người đi cùng đoàn chụp lại. Nào là các “sao Việt” nổi bật trên thảm đỏ không thua kém các mỹ nhân nổi tiếng thế giới, nào là gây ngỡ ngàng cho phóng viên và đồng nghiệp quốc tế. Nhưng tuyệt nhiên không một tờ báo quốc tế nào đưa tin về đoàn Việt Nam.

Đa số các hình ảnh của đoàn tại “trời Tây” đều do đơn vị tổ chức hoặc chính các cá nhân gửi về. Nhiều người trong nghề làm phim cứ ước ao: Giả sử có được một tác phẩm tham gia dự thi thì chắc đoàn Việt Nam cũng chẳng bị “ghẻ lạnh” đến như vậy.

Thế rồi công chúng cũng biết được rằng, các nghệ sĩ trong nước có thể đi dự LHP danh giá ấy là do một hãng rượu mời và “bao” chi phí. Hóa ra họ tới LHP Cannes để… quảng cáo rượu. Được biết, chuyến đi này nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá nhãn hiệu rượu nổi tiếng và sự hợp tác này với Cannes được kéo dài trong 10 năm. Thì ra vậy, nghĩa là nếu không có gì thay đổi thì chắc ít nhất 6 năm nữa Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục có đoàn nghệ sĩ “đi dự” LHP Cannes.

Với những hứa hẹn “đi hội nhập để quảng bá phim Việt”, không ít khán giả lầm tưởng là Việt Nam mình cũng có phim được đưa tới dự LHP Cannes, nhưng sự thật dừng lại ở bậc thềm nào trên những thảm đỏ dài cả trăm mét ấy?

Khi báo giới hỏi tới Cục Điện ảnh Việt Nam rằng có cử nghệ sĩ đi Cannes hay không, đại diện Cục Điện ảnh đã khẳng định: “Cục Điện ảnh Việt Nam không lập danh sách nghệ sĩ tham dự sự kiện này”. Mọi thắc mắc được giải đáp trong sự kiện “Dạ tiệc Điện ảnh” được tổ chức vào ngày 10/5, tại TP HCM, do Hội Điện ảnh TP HCM đứng ra thực hiện, công bố danh sách các nghệ sĩ tham dự LHP Cannes (do Hội Điện ảnh TP HCM chọn ra).

Các người đẹp tại "Dạ tiệc điện ảnh" do đơn vị tài trợ tổ chức

Buổi gặp gỡ này có một tiệc rượu, quy tụ cả dàn “sao” trong giới showbiz Việt. Và ngay từ sự kiện “trước thềm LHP Cannes” này logo hãng rượu và hình ảnh chai rượu, ly rượu của hãng này có mặt ở khắp nơi, trên hầu hết các bức ảnh của “sao” tham gia sự kiện. Vậy là, dù vẫn tuân thủ việc “cấm quảng cáo đồ uống có cồn dưới mọi hình thức”, thì hãng rượu nước ngoài này vẫn thực hiện được chiến dịch quảng cáo rầm rộ tại Việt Nam.

Được biết, đơn vị tài trợ cho các nghệ sĩ Việt tới Cannes trong 4 năm gần đây là Tập đoàn Pernod Ricard, đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối các nhãn hiệu rượu mạnh và rượu vang nổi tiếng thế giới như: Chivas, Martell, Absolut, Beefeater, Havana Club… Pernod Ricard đang được coi là một trong số những đại gia bậc nhất của thế giới về lĩnh vực kinh doanh rượu và đồ uống có cồn.

Trong 3 năm gần đây, đơn vị này liên tiếp đứng ra tổ chức các chương trình quy tụ các nghệ sĩ, đạo diễn trong lĩnh vực nghệ thuật thứ 7 được mang tên “Director’s day” hay còn được gọi là “Ngày đạo diễn”. Sự kiện lễ hội thảm đỏ “Red Carpet Party” cũng được đơn vị này tổ chức vào tháng 5 hằng năm để ra mắt các nghệ sĩ được chọn đi LHP Cannes.

Với tâm lý thất vọng vì “hóa ra sao nhà đi Cannes để… quảng cáo rượu”, nhiều người - cả trong nghề lẫn “ngoại đạo” - cảm thấy được “an ủi” phần nào khi có thông tin cho biết trong LHP Cannes năm nay Dustin Nguyễn - nghệ sĩ trong đoàn Việt Nam sẽ giới thiệu phim “Lửa phật” có thời lượng 5 phút tại hội chợ phim Marché du Film - một trong những hoạt động bên lề tại LHP Cannes. Theo chia sẻ của Dustin Nguyễn trên trang cá nhân, bộ phim nhận được những phản ứng tích cực từ các khách mời quốc tế trong hội chợ phim.

Câu chuyện về những chiếc vé mời đến từ các “đối tác” của Ban Tổ chức LHP Cannes khiến một số đạo diễn, diễn viên trong nước nhắc tới trường hợp hiếm hoi nghệ sĩ Việt nhận được lời mời chính thức từ Ban Tổ chức LHP Cannes. Đó là đạo diễn Phan Đăng Di, khi bộ phim “Bi, đừng sợ” của anh nằm trong chương trình song hành của sự kiện này. Ngoài ra còn có một số nghệ sĩ đến Cannes cũng theo lời mời từ “đối tác” của Ban Tổ chức nhưng lại là Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Pháp.

Quả thực, khách mời của LHP Cannes có rất nhiều thứ hạng và khách mời của đối tác - của Ban Tổ chức sự kiện này được xếp sau cùng trong danh sách với các hạng mục: dẫn đầu là các giám khảo, đạo diễn, biên kịch, ngôi sao nổi tiếng thế giới, các tác giả có phim tranh giải trong chương trình chính thức, khách đăng ký tham dự, các tác giả trong chương trình song hành… Và dĩ nhiên, danh giá nhất vẫn là khách mời chính thức của Ban Tổ chức LHP.

Dẫu sao vẫn hy vọng rằng, những lần đến Cannes tiếp theo, chúng ta sẽ có một sản phẩm điện ảnh xứng tầm tiêu chuẩn tham dự một liên hoan phim quốc tế, để bạn bè trên thế giới biết tới đoàn nghệ sĩ Việt Nam với tác phẩm điện ảnh đặc sắc, chứ không phải được biết đến nhờ… một hãng rượu đã gửi lời mời và tài trợ cho chuyến đi.

H.T