Hé lộ về nền tảng giúp start up xe đạp của Lê Diệp Kiều Trang gọi vốn

10:20 | 06/07/2023

1,191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng là Sonny Vũ đã gọi vốn thông qua hình thức gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo. Chỉ riêng dự án xe đạp Superstrata đã thu hút số tiền ủng hộ lên đến gần 7,2 triệu USD.

Mới đây, trang gây quỹ cộng đồng Indiegogo công bố 2 dự án của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang là Scotsman All-Carbon Fiber Scooter và Superstrata Bike bị dừng hoạt động và khóa không cho gọi vốn để xác minh các cáo buộc sản phẩm kém chất lượng từ người dùng.

Dự án xe đạp Superstrata đã đối mặt với hàng loạt phản hồi tiêu cực từ khách hàng.

Không ít khách cho rằng chất lượng xe không xứng đáng với giá tiền. Một số khách hàng cho biết xe liên tục gặp lỗi, hỏng, thậm chí có chiếc xe không thể lắp hoàn thiện ngay khi nhận về từ hãng. Trong khi đó, đội ngũ chăm sóc khách hàng được cho là không có những phản hồi, giải quyết thỏa đáng.

Vỡ mộng với dự án từng được gọi là "Tesla ngành xe đạp"

Lê Diệp Kiều Trang hiện là CEO Công ty Arevo Việt Nam - doanh nghiệp được quảng cáo là công ty sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D sợi carbon đầu tiên trên thế giới.

Trước khi làm CEO công ty này, Lê Diệp Kiều Trang từng trải qua nhiều vị trí như CEO Facebook Việt Nam, CEO GoViet. Bà cũng nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp.

Gia thế của bà Lê Diệp Kiều Trang cũng tương đối "khủng" khi có bố là ông Lê Văn Trí, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina), anh trai là Lê Trí Thông, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

anh-man-hinh.png
Dự án của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang bị khóa trên Indiegogo (Ảnh chụp màn hình).

Năm 2020, cùng chồng là Sonny Vũ, Lê Diệp Kiều Trang khởi nghiệp, lập Công ty Arevo Việt Nam. Start up xe đạp được coi là "Tesla ngành xe đạp" này từng gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD từ cộng đồng trên Indiegogo và 25 triệu USD từ các nhà đầu tư dù mới thành lập.

Cuối tháng 1/2021, công ty này nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy in 3D bằng sợi carbon tại khu công nghệ cao TPHCM. Khi đó, tổng vốn đầu tư công bố là 19,5 triệu USD. Vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang tham vọng biến đây thành cơ sở sản xuất vật liệu composite sợi carbon lớn nhất thế giới.

Ngoài công ty trên, bà cùng chồng còn có dự án sản xuất xe Scotsman scooter hoàn toàn bằng sợi carbon. Bắt đầu từ khoảng tháng 5/2021, vợ chồng bà bắt đầu chiến dịch gọi vốn cho chiếc scooter chạy điện. Theo kế hoạch dự kiến, scooter được bàn giao đến tay các nhà góp vốn từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, đến nay, chưa có nhiều người nhận được sản phẩm.

Trước đó, theo kế hoạch dự kiến trên Indiegogo, những sản phẩm đầu tiên sẽ được giao đến những người góp vốn từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, tới nay có rất ít người nhận được sản phẩm.

Hé lộ về nền tảng giúp start up xe đạp của Lê Diệp Kiều Trang gọi vốn - 2
Bình luận trên Indiegogo, nền tảng mà dự án Superstrata của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang đã gọi vốn (Ảnh chụp màn hình).

Dự án Scotsman scooter đã thu hút được tổng số tiền gần 565.000 USD (khoảng 13,4 tỷ đồng) từ hơn 300 người dùng ủng hộ dự án. Còn dự án xe đạp Superstrata đã thu hút 4.530 người ủng hộ với tổng số tiền lên đến gần 7,2 triệu USD (khoảng 171 tỷ đồng).

Hiện tại, Indiegogo - nền tảng giúp vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang gọi vốn cho start up của mình - đã tạm đình chỉ việc gọi vốn cho dự án này sau khi có nhiều người để lại bình luận phản ánh về việc không nhận được hàng cũng như bất kỳ sự hỗ trợ nào từ công ty hay ông Sonny Vũ.

Không chỉ vậy, trên nền tảng này cũng xuất hiện nhiều bình luận về vấn đề chất lượng sản phẩm, giao hàng chậm trễ, trong đó có những đơn hàng từ năm 2020.

Hồ sơ nền tảng giúp vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang gọi vốn

Các dự án trên đều được gọi vốn trên trang Indiegogo thông qua hình thức gọi vốn cộng đồng (Crowd funding). Hình thức huy động vốn này đang khá phổ biến trên thế giới. Các start up, doanh nghiệp nhỏ có thể kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng nhằm mở rộng số lượng nhà đầu tư và giúp họ có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Chủ dự án thường tặng cho người ủng hộ những món quà tri ân hoặc ưu đãi khi mua sản phẩm. Phần tiền ủng hộ thực chất có thể xem là tiền đặt mua sản phẩm trước khi chúng được phát hành và những khoản tiền đặt mua này sẽ thường thấp hơn giá thị trường.

Hé lộ về nền tảng giúp start up xe đạp của Lê Diệp Kiều Trang gọi vốn - 3
Bà Lê Diệp Kiều Trang là nhân vật nổi tiếng trong giới khởi nghiệp (Ảnh: NV).

Indiegogo là một trong những nền tảng kêu gọi vốn cộng đồng dành cho những người khởi nghiệp, sáng tạo. Thành lập năm 2008, nền tảng này hỗ trợ các dự án tiếp cận với các nhà đầu tư kêu gọi vốn thông qua sự giúp đỡ từ những cá nhân, cộng đồng.

Đây cũng là trang gây quỹ cộng đồng lớn nhất do không giới hạn lĩnh vực, cho phép kêu gọi vốn ở mọi dự án, ý tưởng với nhiều mục đích khác nhau.

Nền tảng này đang có lượng người sử dụng "khủng" với hơn 15 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng. Không chỉ vậy, Indiegogo đã giúp kêu gọi tài trợ cho hơn 800.000 ý tưởng trên khắp thế giới với tỷ lệ thành gọi vốn thành công lên đến 47%.

Và để gọi vốn thành công trên những nền tảng kêu gọi vốn cộng đồng, ý tưởng thường phải mang tính đột phá, khác biệt và có sức hút đối với cộng đồng.

Tại Việt Nam, đa phần các chiến dịch gọi vốn cộng đồng đều liên quan tới công nghệ, các sản phẩm tái chế thân thiện môi trường, hoặc xuất bản sách.

Trên Indiegogo thường có 2 hình thức gọi vốn được áp dụng là linh hoạt và cố định. Với hình thức linh hoạt, chủ dự án vẫn được đóng góp vốn khi không đạt được con số kỳ vọng ban đầu. Còn với hình thức cố định, chủ dự án chỉ nhận được tiền khi chạm mốc mục tiêu đưa ra.

Những người đứng ra kêu gọi vốn sẽ phải mất một phần chi phí cho nền tảng này, thường là 5% tổng số tiền mà nhận được, chưa kể các phí khác.

Tuy nhiên, lợi thế từ việc gọi vốn cộng đồng là không yêu cầu người sáng lập phải bán lại cổ phần của công ty mà đa phần đều được thực hiện dưới hình thức bán trước sản phẩm.

Theo Dân trí

Khởi nghiệp - Vạn sự khởi đầu nanKhởi nghiệp - Vạn sự khởi đầu nan
Startup Việt làm gì để bước tới thành công?Startup Việt làm gì để bước tới thành công?