Hãy phong danh hiệu một cách xứng đáng

06:00 | 27/06/2015

1,807 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) – Cứ hai năm một lần, bản danh sách phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại được công bố. Thế nhưng lần nào cũng vậy, các nghệ sĩ và khán giả lại đau đáu câu hỏi: những người được phong tặng có phải thực chất đã là “nghệ sĩ của nhân dân”, “nghệ sĩ thật sự ưu tú” trong lòng công chúng?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Nên để khán giả cùng xét tặng

Thời gian gần đây, anh em trong giới sân khấu nói rất nhiều đến chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sỹ, đặc biệt chuyện nghệ sỹ này được Hội đồng xét tặng “cho đỗ”, nghệ sỹ kia bị “trượt”. Và vụ NSƯT Chí Trung - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và NSƯT Minh Hằng, diễn viên Nhà hát tuổi trẻ bị trượt gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Sở dĩ chuyện của hai nghệ sỹ này được “bàn” đến nhiều bởi vì họ là những nghệ sỹ biểu diễn nổi tiếng, có diện phủ sóng rộng đối với bạn nghề và khán giả. Một lý do nữa để anh em bàn về họ, bởi vì họ được biết một số nghệ sỹ sân khấu khác ở ngay Hà Nội kém hơn Chí Trung và Minh Hằng rất nhiều về tài năng, độ nổi tiếng lại được Hội đồng xét tặng “chấm” cho “đỗ”.

Vở diễn sân khấu và người nghệ sỹ biểu diễn được ví như “Bánh đúc bày sàng”; Vở thế nào, người nào diễn như thế nào, tài năng đến đâu anh em trong nghề đều biết cả. Thế mà đùng một cái, người này bị trượt, người kia “đỗ” thì nó vô lý và phản cảm, thách đố dư luận quá.

Tôi nhớ cách đây vài năm, một vị lãnh đạo cao cấp của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khi xét tặng đến trường hợp của NSƯT Xuân Hinh đã nói rằng, vợ con ông rất mê Chèo và thần tượng Xuân Hinh. Thế mà năm đó Xuân Hinh lại “trượt”. Cũng vậy, các nghệ sỹ sân khấu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị bất ngờ khi được tin NSƯT Thành Lộc, một tài năng sân khấu sáng chói “trượt” ở vòng xét tuyển phong tặng NSND.

Nhà viết kịch Chu Thơm

Vẫn biết rằng, các thành viên Hội đồng xét tuyển phải chấm điểm theo tiêu chí như một trong những điều kiện để được xét tặng danh hiệu NSND, là có nhiều giải thưởng nghệ thuật loại vàng và bạc, trong đó có ít nhất 2 giải vàng cấp quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong danh hiệu NSƯT, tư cách đạo đức tốt. Nhưng chính cái tiêu chí ấy nhiều khi lại gây ra thiệt thòi cho những nghệ sỹ tài năng mà không có điều kiện tham gia các cuộc Liên hoan sân khấu do Cục Nghệ thuật biểu diễn- Bộ VHTTDL tổ chức vì hoặc là đơn vị nghệ thuật của họ thuộc diện Xã hội hoá không có khả năng kinh tế để tham gia Liên hoan, hoặc họ là nghệ sỹ tự do không ở trong một đơn vị nghệ thuật nào, hoặc ở trong một sân khấu công lập quá đông diễn viên, nghệ sỹ đang xếp hàng đợi đến lượt được phân vai.

Chúng ta đã từng có một “ thế hệ Nghệ sỹ nhân dân vàng”: Dương Ngọc Đức, Đình Nghi, Đình Quang, Trần Bảng, Trần Hoạt, Đào Mộng Long, Trần Tiến, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Tiến Thọ, Đàm Liên, Xuân Huyền, Bùi Đắc Sừ, Lê Khanh khi nghe đến tên đồng nghiệp và khán giả đều ngưỡng mộ.

Năm 2011, chúng ta đã có 4 NSND được xét tặng đặc cách, đó là các nghệ sĩ sân khấu thượng thặng của thành phố Hồ Chí Minh: Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết. Họ thừa tài năng, thành tích và uy tín đối với bạn nghề nhưng lại thiếu những tấm huy chương hội diễn, liên hoan vì đã trên dưới 70 tuổi.

Nhưng hiện nay ở “thành phố mang tên Bác” vẫn còn có những nghệ sỹ tài năng chói sáng và rất có uy tín với đồng nghiệp, là thần tượng của rất nhiều khán giả là NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thành Hội, Đạo diễn sân khấu tài năng NSƯT Đoàn Bá vẫn chỉ là NSƯT, đạo diễn, nghệ sỹ tài năng Ái Như, một trong hai người sáng lập Sân khấu Hoàng Thái Thanh, hoạ sỹ thiết kế sân khấu tài năng Lê Văn Định vẫn chưa có danh hiệu. Liệu trong tương lai họ có được đặc cách lên NSND, NSƯT như 4 nghệ sỹ trên?

Dù không vui thì chúng ta vẫn phải nói thật với nhau rằng, hiện nay có không ít nghệ sỹ được phong danh hiệu NSND nhưng không hề có tài năng đích thực, không có vai diễn, tác phẩm để đời trong lòng khán giả, không có uy tín, ảnh hưởng đối với bạn nghề và nghệ thuật sân khấu. Người ta gọi họ là những kẻ mua danh.

Việc phong tặng danh hiệu cho nghệ sỹ là một việc làm cần thiết để động viên, khích lệ và là phần thưởng tinh thần cho những người làm nghệ thuật có tài và có tâm, có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật của nước nhà, bởi vì, bất kỳ nghệ sỹ nào dù có tài và khiêm tốn đến mấy vẫn muốn có danh, đó là sự ghi nhận của nhà nước. Nhưng có câu “Của cho không bằng cách cho”, vì vậy, theo tôi, những người ngồi ở trong Hội đồng xét tặng danh hiệu cũng cần hết sức tỉnh táo để cân bằng giữa quy định về huy chương và “dấu ấn nghệ sĩ”, mức độ phủ sóng uy tín với bạn nghề, những đóng góp vào sự phát triển của nghành sân khấu của người thuộc diện xét tặng để khi tên họ được xướng lên trong buổi vinh danh, bạn nghề và khán giả đều “tâm phục khẩu phục” và thấy cuộc đời này vẫn còn có sự công bằng.

Danh hiệu cao quý nhất là được sống trong lòng khán giả, những người bỏ tiền mua vé nuôi sống chúng ta, để chúng ta được thoả sức làm nghề.

NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn (Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long): Nên vinh danh đúng lúc

Việc xét tặng danh hiệu đã có quy định cụ thể của Hội đồng xét duyệt, chúng ta cũng khó có thể thay đổi hay “nới” những quy định đã thành văn ấy. Tôi cũng đồng tình với việc một nghệ sĩ hoạt động trong một tổ chức do Nhà nước hay cá nhân điều hành cũng phải đóng góp hết sức mình cho nền nghệ thuật nước nhà với nhiều cương vị như đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật hay diễn viên …

Thế nhưng, xét theo tiêu chuẩn lớn nhất để xét danh hiệu NSƯT hay Nghệ sĩ nhân dân NSND phụ thuộc vào danh hiệu và huy chương thì quả thật rất khó khăn. Bởi có những ngành như múa rối của chúng tôi, 9 năm mới có một lần hội diễn, chuyện một nghệ sĩ có đủ huy chương để xét tặng danh hiệu khó như “hái sao trên trời”.

Trong giới nghệ sĩ, có rất nhiều người trong giới đánh giá cao khả năng chuyên môn của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhưng để xét tặng danh hiệu thì đành bất lực. Các nhà hát lập danh sách nghệ sĩ xét danh hiệu có thể đến cả chục người, nhưng nhà hát của tôi tìm mãi mới có 4 người gần đủ tiêu chí để đề cử.

NSUT Nguyễn Hoàng Tuấn

Những nghệ sĩ – đặc biệt là nghệ sĩ dân gian – theo nghề đã khó, giữ nghề lại càng khó khăn hơn gấp bội; thế nên được khán giả yêu mến, quan tâm là vinh dự lớn lao mà cả đời nghệ sĩ chúng tôi hướng tới. Đối với việc xét tặng danh hiệu, Hội đồng có lý lẽ riêng, khán giả cũng có lý lẽ của riêng mình, rằng danh hiệu NSND cũng phải do đại diện nhân dân bầu ra chứ không thể cứ “một chiều” và cứng nhắc như hiện nay.

Cá nhân tôi chỉ mong muốn việc xét tặng, vinh danh này cần đúng lúc để kịp thời thúc đẩy và tiếp thêm nhiệt huyết cho các nghệ sĩ, chứ đừng chờ đến lúc họ qua đời mới cho … vé vớt.

Thông tư 06 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch quy định tiêu chuẩn đối với NSND, NSƯT là phải có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia hoặc quốc tế. Giải Vàng quốc gia là giải Bông sen Vàng và giải Huy chương Vàng toàn quốc (do đặc trưng của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, do các cuộc thi, các cuộc liên hoan nghệ thuật có quy mô và tiêu chí khác nhau nên về nghệ thuật Điện ảnh, lấy giải Bông sen Vàng của Liên hoan phim quốc gia làm chuẩn, về nghệ thuật biểu diễn, lấy Huy chương Vàng của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn).

Vương Tâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.