Hậu vinh danh là bảo tồn

12:03 | 19/02/2014

1,226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân sự kiện đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS.TS Trần Văn Khê đã có những chia sẻ với Năng lượng Mới về những điều ông trăn trở. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp bảo tồn đờn ca tài tử trong bối cảnh xã hội hiện nay cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác từng được UNESCO vinh danh.

Năng lượng Mới số 297

PV: Thưa GS.TS Trần Văn Khê, vừa qua Việt Nam đã chính thức nhận bằng của UNESCO vinh danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo giáo sư, sau vinh danh thì Nhà nước và các ban, ngành liên quan cần làm gì để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này?

GS.TS Trần Văn Khê: Hiện nay ở nước ta có khoảng trên 1.000 câu lạc bộ đờn ca tài tử đang hoạt động, với khoảng hơn 10.000 thành viên. Trong đó, có rất nhiều nghệ nhân đã 80, 90 tuổi rồi. Con số chính xác các Sở Văn hóa - Thông tin có thống kê. Nhưng trên thực tế, hầu hết các nghệ nhân không ai sống được bằng đờn ca tài tử mà họ phải làm thêm nhiều công việc vất vả khác như thợ đan, thợ rèn, đánh cá, thợ mộc… để mưu sinh. Do đó, việc cần làm trước tiên là chúng ta tìm ra những nghệ nhân giỏi, tạo điều kiện để họ yên tâm chuyên chú vào công việc dạy đờn ca tài tử, truyền đạt kiến thức và kỹ năng của mình cho giới trẻ. Song song với đó, những người mê và theo học đờn ca tài tử cũng cần được Nhà nước có chính sách hỗ trợ để yên tâm học hành.

GS.TS Trần Văn Khê giới thiệu cây đàn cò (đàn nhị), một nhạc khí sử dụng trong đờn ca tài tử, hát chèo, tuồng, nhạc thính phòng Huế (Ảnh: T. Thanh)

Theo tôi, đây là việc làm cấp bách nhất cần phải làm vì các nghệ nhân đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Chúng ta đừng để xảy ra trường hợp như nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Cả cuộc đời bà cống hiến cho âm nhạc dân tộc nhưng đến cuối đời vẫn sống trong căn nhà tồi tàn.

PV: Đấy là biện pháp cấp bách, còn giải pháp lâu dài, theo giáo sư chúng ta nên làm gì để đờn ca tài tử đến được với giới trẻ. Vì hiện nay, đa số giới trẻ đều quay lưng với nhạc dân tộc nhưng rất hào hứng với nhạc Tây, nhạc Hàn, rock, pop?

GS.TS Trần Văn Khê: Để đờn ca tài tử đến được với giới trẻ thì phải bắt đầu từ nhà trường, nhưng trong nhà trường phải có cách dạy theo truyền thống. Nếu dạy cổ nhạc Việt Nam theo ký âm phương Tây không thể nào cho trẻ nắm bắt được những nét đặc thù, những điểm tế nhị trong nhạc truyền thống. Tại sao tổ tiên chúng ta đã có hò - xang - xê - cống mà lại để thế hệ trẻ học vỡ lòng bằng đồ - rê - mí - fa - sol? Đây chẳng khác nào chúng ta dạy trẻ em Việt Nam tập nói mà gọi cha mẹ là “daddy”, “mommy”. Chúng ta phải học tiếng Việt trước rồi học ngoại ngữ sau.

Cách đây gần 10 năm, tôi là một trong những người khởi động chương trình phổ cập âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ, sau đó chương trình “Dạy âm nhạc dân tộc theo phương pháp học mà chơi” đã thử nghiệm thành công tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, TP HCM năm 2004 với 20 học sinh và 20 cô giáo tiểu học. Tôi không dạy một cách thụ động, không viết trên bảng như cách mà các em vẫn thường học. Tôi gợi sự sáng tạo đối với học sinh. Tôi đi từ những cái cụ thể đến trừu tượng, từ những điều giản dị nhất đến cái phức tạp nhất.

Đối với các loại hình âm nhạc dân tộc thì việc đầu tiên cho trẻ gọi tên được các loại đàn. Làm cho trẻ phân biệt được chầu văn với ca trù, hát bội với cải lương... Và khi trưởng thành, các em phải trả lời được hai câu hỏi: Âm nhạc truyền thống Việt Nam có gì? Âm nhạc truyền thống Việt Nam hay ở chỗ nào? Theo tôi, như vậy là chúng ta đã thành công rồi.

PV: Bên cạnh đó, hiện nay đờn ca tài tử đưa vào hoạt động dịch vụ du lịch. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Trần Văn Khê: Hiện nay do điều kiện cuộc sống đã bị sân khấu hóa, đờn ca tài tử không còn là một thú chơi tao nhã như ngày xưa. Tuy nhiên, việc đờn ca tài tử đưa vào phục vụ du lịch phải rất cẩn trọng để nó không bị biến dạng thành một sản phẩm thị trường thuần túy. Nhiều người chỉ cần đờn cho trúng để nhận tiền thù lao thôi. Vì bối cảnh xã hội có nhiều đổi khác nên việc học đờn ca tài tử sẽ không phải là để biết đàn y hệt người đi trước mà là học để giữ gìn phong cách hào hoa phong nhã của người xưa khi chơi đờn ca tài tử.

PV: Thưa giáo sư, đó là đối với đờn ca tài tử, hiện nay ca trù sau khi được UNESCO vinh danh đã 4 năm đang có nguy cơ phải trả lại danh hiệu vì Việt Nam chưa có báo cáo cụ thể nào về công tác bảo tồn loại hình di sản này. Vì sao ca trù rơi vào tình trạng này thưa giáo sư?

GS.TS Trần Văn Khê: Lỗi thứ nhất là do không cấp đủ kinh phí cho công tác bảo tồn. Lỗi thứ hai là do các nghệ nhân không biết thương nhau, thay vì hợp sức để bảo tồn ca trù thì người nào cũng cho ca trù của mình là hay nhất, đúng nhất còn của nghệ nhân khác là sai. Không hợp tác mà còn đố kỵ nhau. Thứ ba, ca trù là dòng nhạc thính phòng mà lời thơ đầy chữ Hán, nét nhạc rất tế nhị nhưng khổ đàn, khổ phách, khổ trống khá phức tạp nên đòi hỏi người nghe phải có trình độ cơ bản về loại hình âm nhạc này. Tiếc là chúng ta không có các biện pháp phổ biến như nói chuyện về ca trù trên đài phát thanh, trong trường học, hay các bài viết trên báo chí. Lúc nhận bằng công nhận của UNESCO, chúng ta đã có những lời hứa với tổ chức này sẽ bảo tồn và phát triển di sản ca trù nhưng cuối cùng không làm được đúng như lời hẹn.

Đờn ca tài tử mặc dầu không có sự tranh chấp nhưng có nhiều tỉnh tự cho mình là cái nôi của nghệ thuật này. Chúng tôi đã phải nêu rõ ý kiến đờn ca tài tử là một sản phẩm chung cho tất cả vùng Nam bộ, có nơi sinh hoạt phong phú và đầy đủ, có nơi sản sinh ra những nghệ nhân có biệt tài, nhưng cũng không phải vì thế mà tự cho mình là “cái nôi”.

PV: Nhưng nhã nhạc cung đình Huế được bảo tồn rất hiệu quả, thưa giáo sư?

GS.TS Trần Văn Khê: Nhã nhạc cung đình Huế, sau khi được UNESCO công nhận đã có những giải pháp bài bản để bảo tồn. Trước hết là chỉnh đốn  lại trang phục, nhạc cụ, nhạc khí y như ngày xưa. Chỉnh đốn cách ngồi đờn, đi ra - đi vào nghiêm túc như thế nào. Vì vậy, UNESCO ngoài số tiền cấp lúc đầu phục vụ cho công tác bảo tồn, sau đó còn cấp thêm 30.000USD và Chính phủ ta cấp thêm 30.000USD để bảo tồn và giữ gìn nhã nhạc cung đình Huế có lề lối, có phong cách bài bản như hiện nay. Nhưng trong những tháng gần đây có một xu hướng cho thêm nhạc khí để cho dàn nhạc thêm vẻ “hoành tráng”, đôi khi lại còn cho đờn bầu vào trong nhã nhạc mà không thay đổi tên “nhã nhạc cải biên” để cho danh chánh ngôn thuận. Những người đã từng biết trong dàn nhạc nhạc không có đờn bầu mà tiếng đờn bầu thêm duyên cho dàn nhạc chứ không làm mất bản sắc dân tộc, thì việc thay đổi nếu có làm cần có sự đồng ý của toàn thể hoặc đại đa số những người nghiên cứu nhạc cung đình. Tuyệt nhiên không thể cho thêm những nhạc cụ như ghita, violon, organ.

Nhờ chỉnh đốn lại mà khách du lịch đến Huế xem Nhã nhạc cung đình Huế với sự trân trọng, kính nể.

Đờn ca tài tử hiện nay đang bị “du lịch hóa” biến thành một món hàng để thỏa tính tò mò của du khách nên đã bị biến chất.

Do đó, để công tác bảo tồn di sản có kết quả thì bên cạnh sự quan tâm, đầu tư kinh phí của Nhà nước cần sự chung tay góp sức của các nghệ nhân, của người học… Và trên hết phải tôn trọng vốn cổ cha ông để lại cho chúng ta.

PV: Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Thiên Thanh (thực hiện)