Hành nghề y trong kháng chiến
![]() |
BS Đỗ Doãn Đại cùng vợ trong kháng chiến chống Pháp |
Khi Pháp quay lại nước ta và cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, tôi tham gia cứu chữa thương bệnh binh tại những vùng chiến sự ác liệt xảy ra ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Thời gian này cũng là lúc tôi mới bước vào nghề y. Là một thầy thuốc tôi đã hết lòng cứu chữa bệnh binh và nhân dân trong vùng địch hậu. Quá khứ hào hùng của ngành quân y gồm những câu chuyện thật sống động.
Quả là một thời gian nan, đầy thách thứ khó tưởng tượng ra. Trong đó, khó khăn lớn nhất của người thầy thuốc trong chiến tranh là thiếu các loại thuốc men bình thường, dụng cụ y tế để chữa các vết thương cho người lính sau mỗi trận chiến đấu. Nhất là thời gian tôi ở địch hậu, thuốc men dùng để chữa thương bệnh binh lúc đó rất là khan hiếm. Thế cho nên, ngoài việc chữa bệnh, tôi cùng các đồng nghiệp phải lo thuốc men để chữa bệnh.
Mỗi lần đi lĩnh thuốc, tôi có cảm giác đoàn đi lấy thuốc như một đoàn cảm tử. Ở Tả ngạn, đoàn chúng tôi phải vượt qua hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, sông Luộc nối sông Hồng với sông Thái Bình. Rồi chúng tôi lại qua vùng tạm chiếm của địch bên hữu ngạn. Đoàn chúng tôi đến Hà Nam rồi đi qua Đầm Đa, thuộc tỉnh Hà Nam, qua Ninh Bình đến Thanh Hóa thì lĩnh thuốc. Dạo đấy những người phụ trách phát thuốc chỉ hơn tôi vài tuổi như ông Đỗ Thế, ông Trần Lâm Bảo... Khi chúng tôi đến nơi lĩnh thuốc, bao giờ các ông này cũng ưu ái cấp thuốc men cho chúng tôi. Hầu như bất cứ thuốc gì tôi biên ra danh sách thì các ông ấy đều cấp đủ. Đặc biệt là các loại thuốc tiêm, kháng sinh, thuốc gây tê, thuốc đỏ. Dạo ấy thuốc đỏ quý và hiếm. Mặc dù thuốc Tây quý hiếm như vậy, nhưng chúng tôi lại không dùng thuốc Nam chữa bệnh, mà chủ yếu áp dụng Tây y.
Là bác sĩ tham gia mổ nhiều ca tại vùng địch hậu, tôi dùng những dụng cụ mổ tối thiểu nhất mà thôi. Thí dụ như tôi chỉ có mấy chục kìm cong, mấy chục kìm thẳng, những dụng cụ cần thiết nhất để bất cứ lúc nào cũng có thể dùng để mổ xẻ. Lúc ấy tiếng tăm về tay nghề phẫu thuật của tôi đã vang khắp vùng Tả ngạn. Mỗi một trận đánh, nếu Pháp đi đánh mình không nói làm gì, nhưng khi mình đi công đồn, tấn công các đồn bốt của chúng, thường thường tôi và mấy đồng chí tư lệnh của quân khu Tả ngạn, như ông Đỗ Mười và một số tư lệnh trung đoàn, thì đón bộ đội mình ở đầu làng. Tôi thường đứng trên mô đất rất cao vẫy bộ đội đi chiến đấu. Khi nhìn thấy tôi trên mô đất cao đó, những anh em đi chiến đấu yên chí là sẽ đánh thắng địch. Anh em bảo nhau: “Nếu có chiến sĩ nào bị thương thì cũng không lo vì đã có ông Đại ở đằng sau”. Uy tín của tôi trong đội ngũ anh em chiến sĩ cao lắm.
Tôi nhớ có câu chuyện vui về chiếc áo trấn thủ mà bộ đội ta hay mặc thời kháng chiến chống Pháp. Anh em bộ đội thường đùa chiếc áo trấn thủ là "chiếc áo 36 đường gian khổ". Chiếc áo này hoàn toàn do quân nhu Việt Nam may và cung cấp cho bộ đội của ta. Sau này có chiếc áo bông dài tay và cũng may bằng vải bông.
Trong những năm tháng hoạt động tại quân khu Tả ngạn thì điều ấn tượng nhất là tôi vinh dự thay mặt anh em quân y có mặt tại chiến trường này. Ông Nhữ Thế Bảo từng nói, ngày đó ta không thể không có mặt ở Tả ngạn được. Lúc đó quân khu Tả ngạn chỉ có hai đảng viên. Tôi chưa lập gia đình riêng nên xung phong vào mặt trận vì nếu không thì lấy ai mổ xẻ cho thương binh.
Anh em bạn bè của tôi thì ở lại những vùng an toàn hơn. Sự thực ở trên chiến khu Việt Bắc hay ở vùng trung du, khi nào có chiến dịch thì mới có đánh nhau, có đánh nhau thì mới có nhiều thương binh. Nhưng ở vùng địch hậu thì ngày nào cũng có thương binh, ngày nào cũng có dân thường chết. Nhiều khi do địch bắn vu vơ súng cối hoặc bắn pháo vào các làng xung quanh đồn bốt của chúng đóng nên đều có người thương vong.
Tôi còn nhớ ấn tượng với anh trung đoàn trưởng, không rõ anh nói đùa hay nói thật. Anh ấy nói, vừa rồi hội nghị ở quân khu, anh Thơ lúc đó là bí thư tỉnh ủy có chỉ lên bản đồ ở các nơi đều có chốt của Tây cả. Khi trưng bản đồ lên, anh khóc không phát biểu gì được. Trận chiến thật ác liệt. Bản thân tôi cũng rất mừng vì ở nơi nào tôi có mặt, cứu chữa người kịp thời thì cũng đỡ đi phần nào mất mát đau thương cho nhân dân, cũng giúp giảm thiệt hại của bộ đội ta. Thường thì tôi hay ở với ban chỉ huy đại đội hay tiểu đoàn và gắn bó với các đơn vị chiến đấu. Và họ cũng yên tâm hơn khi đi đánh nhau mà có tôi ở phía sau. Trong khi làm nghề cứu chữa bệnh binh thì tôi không bỏ sót một trường hợp nào cần mổ. Nhưng có thể mổ xong rồi nhưng người bệnh sau đó bị nhiễm trùng rồi chết, thì bản thân tôi phải chịu bó tay. Những gì khó khăn mà bản thân có thể xử trí, tôi đều làm hết sức không nề hà.
Tôi nhớ có một trận đánh lớn lắm, đó là trận Lai Ràng, Hải Dương có anh tiểu đoàn trưởng là Mạc Định Vịnh (là người sau này cùng được tặng thưởng Huân chương chiến công năm 1951 với tôi). Tiểu đoàn anh vây bắt được tên quan hai Pháp, La Deuil. Chúng ta chiến đấu rất quyết liệt, khi bị vây bắt thì binh lính của địch vây quanh bảo vệ tên quan hai này. Nhưng bộ đội cuối cùng bắt sống tên quan hai La Deuil và mấy chục binh lính Pháp da trắng có, da đen có. Lúc đó dân mình rất nhân đạo. Bắt được tù binh Pháp, thì bộ đội mình ứng xử rất hiền, vô cùng là hiền. Tôi còn nhớ cảnh bộ đội mình ngồi ở trên bậc cửa đình, cứ cầm tóc của họ kéo ra rồi bỏ cho chun lại. Có một số lính Pháp bị thương, thì tôi có tiến hành mổ xẻ cho họ đầy đủ. Trận đánh ấy không có thương binh nặng, nhưng có nhiều người bị thương ở phần mềm. Tôi phải phẫu thuật nhiều lắm. Sau đó phía mình rải tù binh đi, gần 400 tù binh vượt qua sông Hồng, sông Đáy đưa về vùng tự do ở Hà Nam.
Chính sách tù binh của phía ta rất tử tế, lính địch bị thương thì ta chữa chạy cho họ, đói thì cho ăn, không hề đánh đập, không làm tổn thương họ. Vì khi bắt được họ thì lính Pháp cũng hiền không ấy mà. Một số anh em biết tiếng Pháp được nói chuyện với tù binh. Tôi cũng hỏi chuyện thì họ cho biết: họ đi lính sang Việt Nam thì được tăng lương, được cung cấp đầy đủ các thứ. Chính phủ bảo đi thì đi thôi, bảo đánh thì đánh. Hầu hết trình độ văn hóa, chính trị của họ cũng thấp, không hiểu biết nhiều.
GS.BS Đỗ Doãn Đại