Hàng Việt cần chủ động khẳng định chất lượng thay vì kêu gọi ưu tiên

11:22 | 23/04/2019

311 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, bao giờ hàng Việt đảm bảo chất lượng, uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm như hàng xuất khẩu, chứ không phải hàng thải loại, hàng bị trả về rồi mới mang ra tiêu thụ, bán trong nước thì mới nghĩ đến người Việt dùng hàng Việt. 

Một thực tế vẫn diễn ra từ trước đến nay là tâm lý sính hàng ngoại của người Việt. Tuy nhiên, tâm lý này không phải hoàn toàn đáng phê phán vì ở một góc độ khác đó là nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giờ đây thị hiếu của người mua không còn quan tâm nhiều đến số lượng và giá rẻ nữa mà họ quan tâm nhiều đến chất lượng, chỉ số an toàn. Người dân sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Vì vậy, hàng hóa sản xuất trong nước nếu không đáp ứng được đúng, đủ nhu cầu thì dù sản phẩm có rẻ nhưng người tiêu dùng cũng “quay lưng”.

hang viet can chu dong khang dinh chat luong thay vi keu goi hay uu tien
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trải qua 10 năm

Số liệu từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho hay, 10 năm qua đã có 56.100 cuộc tuyên truyền của mặt trận đoàn thể từ thành phố đến các quận huyện, phường xã, thị trấn, với 5 triệu lượt người tham dự, có 2.700 phiên chợ - hội chợ đã được diễn ra và hơn 1.700 hội nghị - tọa đàm về cuộc vận động. Đây thực sự là cố gắng không thể phủ nhận của các cấp lãnh đạo, bộ ngành trong nỗ lực tìm giải pháp đầu ra cũng như nâng cao vị thế cho hàng hóa sản xuất trong nước trên chính thị trường nội địa.

Nếu như trước đây, khi nói đến các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn hay đưa hàng Việt vào siêu thị, người ta vẫn nghĩ rằng đó là những hàng hóa không tốt, chất lượng không đảm bảo, hình thức không bắt mắt… thì trong thời gian gần đây chất lượng hàng hóa Việt đã được nâng lên rất nhiều. Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành để tuyên truyền ý thức người dân thì sự quan tâm của chính các doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng trong nước đã được cải thiện rất nhiều.

Cụ thể với các doanh nghiệp gỗ, hơn 2 năm quay lại thị trường trong nước, tỷ lệ đồ gỗ của các doanh nghiệp Việt đã tăng từ 20% lên 40%. Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho hay, tín hiệu vui cho ngành gỗ là người dùng trong nước đã giảm tiêu dùng đồ gỗ nhập khẩu, quan tâm và mua sắm nhiều hơn các sản phẩm trong nước, nên doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam không chỉ đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu mà còn tăng cường sản lượng cũng như chất lượng để phát triển thị trường nội địa.

Hay những năm trước, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè ở Thái Nguyên thường đẩy mạnh xuất khẩu với sản lượng lớn thì khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm chè phục vụ thị trường nội địa. Theo đại diện Công ty Cổ phần chè Tân Cương - Hoàng Bình, với 4 dòng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, mức giá từ 100.000-4.500.000 đồng/kg, sản phẩm chè Tân Cương - Hoàng Bình đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường nội địa.

Xuất khẩu cá tra từ lâu vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu thủy sản. Thời gian gần đây, ngành xuất khẩu này cũng đã từng bước trở lại phục vụ nhu cầu trong nước. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc nâng cao kết nối giữa các nhà sản xuất, chế biến với hệ thống bán lẻ một cách chặt chẽ, chú trọng chất lượng sản phẩm và giá cả sao cho phù hợp nhất. Khi các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa song song với hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sẽ góp phần làm giảm sự bấp bênh của nghề nuôi cá tra và giảm thiểu rủi ro khi thị trường xuất khẩu gặp biến động xấu.

Kinh tế thị trường tuân theo quy luật hàng tốt, rẻ sẽ được chọn mua. Để người tiêu dùng quyết định lựa chọn hàng Việt Nam, cần phải tạo ra tâm lý thường trực trong thói quen tiêu dùng của người Việt. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như Toyota, Samsung… Nhưng để người tiêu dùng chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng.

“Giai đoạn tới, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Nhà nước sẽ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên. Cốt lõi của Cuộc vận động trong giai đoạn tới chính là doanh nghiệp và sản phẩm chất lượng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

hang viet can chu dong khang dinh chat luong thay vi keu goi hay uu tienCuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có biểu tượng chính thức
hang viet can chu dong khang dinh chat luong thay vi keu goi hay uu tienHàng Việt được người Việt tin dùng ở mức nào?
hang viet can chu dong khang dinh chat luong thay vi keu goi hay uu tienVì sao hàng Việt né chợ truyền thống?

Lê Minh