Vì sao hàng Việt né chợ truyền thống?
Có một thực tế là hiện nay có đến 90 – 95% hàng hóa trong các siêu thị là hàng Việt nhưng theo một kết quả khảo sát thì ở chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa (chiếm hơn 80% lượng hàng hóa của cả nước) lại chỉ chiếm khoảng 10% – 50% hàng Việt, tùy mặt hàng. Vì sao lại có một thực tế nực cười như thế? Tại sao thị trường nông thôn rộng lớn, chiếm tới 2/3 của 87 triệu người lại đang tràn ứ hàng hóa ngoại?.

Bà Kim Hạnh: Hàng Việt ở chợ truyền thống đã ít, lại đơn điệu về mẫu mã nên chưa thể hấp dẫn người tiêu dùng. (Ảnh: Mạnh Thắng).
Một khảo sát tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) – một cái chợ theo đúng nghĩa truyền thống nằm giữa lòng Thủ đô, cho thấy: 90% vải, hàng may mặc; 70% đồ gia dụng nông sản và 10% thực phẩm là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng nhận định, 90% hàng hóa tại chợ Đồng Xuân là hàng Trung Quốc.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra một số nguyên nhân sau: Nhà sản xuất đã coi người tiêu dùng là trung tâm nhưng họ vẫn chưa coi trọng việc đưa hàng vào chợ truyền thống. Sự đa dạng, phong phú của hàng Việt thua xa hàng Trung Quốc. Thẩm mỹ mua hàng của người Việt vẫn xem trọng mẫu mã, giá rẻ nên hàng Trung Quốc luôn là ưu tiên hàng đầu của những người có thu nhập thấp. Chưa gắn kết giữa khâu sản xuất, khâu phân phối và tiêu dùng. Hệ thống phân phối chưa thực sự thông suốt.
Một thực trạng chưa được giải quyết là tiểu thương ở chợ truyền thống có nhu cầu hàng hóa nhỏ, manh mún về chủng loại, lại thường có yêu cầu phải trả hàng về đầu mối nếu hàng ế, dẫn đến tình trạng nhà phân phối không háo hức đưa hàng về chợ truyền thống.
Đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thói quen mua sắm của người tiêu dùng lâu nay bị ảnh hưởng mạnh bởi sự tiếp cận sâu rộng với mức giá thấp của hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không nhãn mác – thông qua mạng lưới những người buôn bán sỉ, các cửa hàng nhỏ lẻ ở các chợ truyền thống.
Một nguyên nhân nữa được bà Vũ Kim Hạnh đưa ra là một số doanh nghiệp của Việt Nam lâu nay chỉ chú trọng làm hàng xuất khẩu, bỏ qua thị trường nông thôn nên khi muốn quay lại đưa hàng về thị trường này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện cả nước có khoảng gần 9.000 chợ truyền thống. Phân khúc thị trường này quá lớn, quá nhiều tiềm năng nhưng dường như vẫn là mảnh đất để hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan… tung hoành.
Đức Chính
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ