Hải quan, thuế vẫn “làm khó” doanh nghiệp
Báo cáo phân tích của Tiểu Nhóm công tác thuế cho thấy, việc áp mã HS - mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo Hệ thống phân loại hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới - là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi, thể hiện sự lúng túng, không nhất quán của cơ quan hải quan.
Để làm rõ về vấn đề này, Tiểu Nhóm công tác đưa dẫn chứng: Trong quá trình khai báo mặt hàng nhập khẩu cho các lô hàng từ năm 2012 đến năm 2016, nhiều doanh nghiệp (DN) áp mã HS theo hướng dẫn của Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - gia công Hải Phòng và căn cứ vào thông báo kết quả phân tích, phân loại của Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Chi nhánh Hải Phòng (Thông báo 1).
![]() |
Làm thủ tục hải quan ở cảng Đình Vũ, Hải Phòng (nguồn Internet) |
Do có nhiều quan điểm khác nhau về việc áp mã HS, DN đã gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan để thực hiện xác nhận trước mã HS. Sau khi thực hiện quy trình xác định trước mã HS, Tổng cục Hải quan đã có Thông báo mới (Thông báo 2) thay thế Thông báo 1, áp mã HS mới cho các lô hàng nhập khẩu kể từ sau khi có thông báo này.
Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan lại kiểm tra đối với toàn bộ các tờ khai nhập khẩu của DN trong thời gian 5 năm trước đó và đã phân loại, áp lại mã toàn bộ sản phẩm của DN theo mã HS mới. Theo đó, cơ quan hải quan áp thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn so với thuế suất của mã HS mà DN đã thực hiện kê khai trước đó và quyết định truy thu toàn bộ số thuế cùng với số tiền chậm nộp, tiền phạt.
Việc áp mã HS là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi, thể hiện sự lúng túng, không nhất quán của cơ quan hải quan. |
Trong khi đó, DN đã đưa các khoản thuế phải nộp vào giá bán sản phẩm cho khách hàng. Các lô hàng nhập khẩu trước đây, DN đều đã bán cho khách hàng, không còn tồn kho. Kết quả kinh doanh lỗ lãi cũng đã được phản ánh và báo cáo tới các bên liên quan. Việc áp lại mã HS cho giai đoạn trước khi có Thông báo 2 đã làm xáo trộn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của DN.
“Như vậy, cơ quan hải quan đã phủ nhận kết luận do mình đưa ra trước đó nhưng đồng thời lại yêu cầu DN phải truy thu toàn bộ số thuế cùng số tiền chậm nộp và tiền phạt, gây thiệt hại lớn về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, trong khi DN hoàn toàn không có lỗi” - bà Hương Vũ nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hương Vũ cũng cho rằng, việc áp dụng chính sách thuế cũng chưa rõ ràng, nhiều khi chính cơ quan thuế lại đưa ra một kết luận khác hoàn toàn với kết luận ban đầu, đồng thời tiến hành phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính đối với DN. Chẳng hạn, một DN tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuộc diện ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư. Tại biên bản kiểm tra thuế, cơ quan thuế cũng xác nhận những ưu đãi mà DN được hưởng.
Nhưng 1 năm sau, khi có văn bản mới hướng dẫn về ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng, cơ quan thuế một lần nữa quay lại kiểm tra DN, xem xét lại chính vấn đề mà họ đã từng kiểm tra và thay đổi quan điểm áp dụng chính sách ưu đãi, yêu cầu truy thu số thuế thiếu. Với tinh thần hợp tác, tuân thủ pháp luật, DN đã nộp đủ thuế, nhưng vẫn bị yêu cầu nộp tiền phạt chậm nộp, tiền phạt hành chính...
“Nguồn gốc của vấn đề không phải là do lỗi của DN mà do chính sách không rõ ràng khiến cả người nộp thuế và cơ quan thuế không hiểu đúng. Việc phạt chậm nộp và phạt hành chính của sự việc này thực sự gây hoang mang cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến niềm tin của các cổ đông, đặc biệt với các công ty niêm yết” - bà Hương Vũ bày tỏ quan ngại.
Với những bất cập đó, Tiểu Nhóm công tác thuế kiến nghị cơ quan thuế, hải quan nên thường xuyên tập huấn để phổ biến và cập nhật chính sách thuế đến cán bộ thuế nhằm bảo đảm các chính sách được hiểu một cách thấu đáo, được tôn trọng trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cơ quan thuế phải có trách nhiệm với những kết luận, quyết định mình đưa ra.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-6-2017 ước tính đạt 500,9 nghìn tỉ đồng, trong đó thu nội địa 399,1 nghìn tỉ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 80,6 nghìn tỉ đồng. Trong thu nội địa, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 79,3 nghìn tỉ đồng; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 74,1 nghìn tỉ đồng; thu thuế bảo vệ môi trường 16,6 nghìn tỉ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 82,5 nghìn tỉ đồng... (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Thanh Ngọc
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng