Hà Nội: Vùng sâu vùng xa đã đủ điện

08:00 | 30/10/2014

817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân, điện phải “đi trước một bước” là yêu cầu mà lãnh đạo thành phố Hà Nội đặt ra cho Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI). Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên, trong những năm qua, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong việc phát triển hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của thủ đô, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, EVN HANOI đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cung ứng điện cho các xã vùng sâu, vùng xa của thành phố.

Năng lượng Mới số 369

Toàn dân có điện

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có gần 6 vạn người thuộc dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng miền núi, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều nơi chưa có điện. Và để từng bước khắc phục tình trạng này, tháng 11/2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội giai đoạn 2013-2015”. Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai đầu tư 186 dự án tập trung trên địa bàn 13 xã và 1 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, các dự án phát triển hệ thống điện được xác định là trọng tâm, tiên phong. Mục tiêu được đặt ra cho EVN HANOI là đầu tư hệ thống cấp điện cho khu vực tập trung các hộ dân chưa có điện sinh hoạt được sử dụng điện đúng mức giá của ngành điện.

Hà Nội: Vùng sâu vùng xa đã đủ điện

Kiểm tra lưới điện hạ áp ở xã Yên Trung, Thạch Thất, Hà Nội

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN HANOI cho hay, nhằm cụ thể hóa mục tiêu đề ra của thành phố, EVN HANOI  đã tập trung ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống điện sinh hoạt đáp ứng nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô. Theo đó, trong giai đoạn 2013-2014, EVN HANOI đã xây dựng mới 16 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất 3.350kVA; Nâng công suất 9 TBA với tổng công suất tăng thêm 785kVA; Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện hạ thế tại thôn Đồng Ké, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), xã Đông Xuân, Phú Mãn, Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), xã Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa, Khánh Thượng (huyện Ba Vì), xã An Phú (huyện Mỹ Đức). Tổng giá trị đầu tư toàn bộ dự án trong giai đoạn này là 107,768 tỉ đồng, vượt dự toán 6,768 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội là 71,608 tỉ đồng, vốn đối ứng của EVN HANOI là 36,161 tỉ đồng.

“Tính đến thời điểm này, quy mô hệ thống điện tại vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội đã có 152 TBA với tổng công suất 32.740kVA, bình quân 1,16kVA/hộ. Tỷ lệ hộ dân có điện sinh hoạt đạt 100%, đặc biệt tất cả các hộ dân thuộc miền núi đều được sử dụng điện ổn định, đúng mức giá của ngành điện” - ông Tuấn khẳng định.

Đây có thể xem là kết quả hết sức ấn tượng mà điện lực thủ đô đã làm được trong những năm qua, đặc biệt khi biết rằng, bên cạnh việc phát triển các dự án điện phục vụ nhu cầu tiêu thụ của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, EVN HANOI còn phải đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ bình quân 12-15% của thành phố.

Vẫn còn nhiều thách thức

Như đã đề cập ở trên, điện lực thủ đô đã hoàn thành mục tiêu cấp điện cho các xã vùng sâu, vùng xa mà lãnh đạo thành phố đề ra, tuy nhiên, theo đại diện của Điện lực Hà Nội, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu tiêu thụ điện của nhóm khách này sẽ gia tăng trong thời gian tới và đây là thách thức không hề nhỏ mà tổng công ty sẽ phải đối diện. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, đồng thời giữ vững mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn, đảm bảo chất lượng điện năng, ngành điện Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện tại vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội trong năm 2015 với tổng kinh phí là 34,511 tỉ đồng. Cụ thể, EVN HANOI sẽ đầu tư xây dựng mới 19 TBA với tổng công suất 4.100kVA; Nâng công suất 1 TBA với tổng công suất tăng thêm là 150kVA.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ngành điện Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp như tập trung nguồn lực tại các công ty điện lực địa phương; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn khác nhau như vốn khấu hao cơ bản, vốn vay của các tổ chức nước ngoài, vốn vay tín dụng thương mại; tiết kiệm chi phí sản xuất thực hiện đầu tư xây dựng mới và nâng công suất các trạm biến áp tại các địa phương có nhu cầu cao về sử dụng điện. Thường xuyên duy tu sửa chữa hệ thống điện hạ áp tại vùng đồng bào dân tộc miền núi đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định.

Nhiệm vụ đặt ra cho điện lực thủ đô trong thời gian tới như vậy là hết sức nặng nề và dù đã chủ động đưa ra các giải pháp để thực hiện thì EVN HANOI vẫn cần sự vào cuộc giúp đỡ của các cấp chính quyền thành phố, đặc biệt là về vốn. Bởi theo ông Tuấn, ngoài phần đầu tư cải tạo hệ thống điện cho đồng bào miền núi, EVN HANOI còn phải đầu tư hệ thống điện trung, hạ thế tại các địa phương, cũng như hệ thống đường dây cao thế 220kV, đường dây và trạm biến áp 110kV nhằm đảm bảo cấp điện cho toàn thành phố.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội rất mong UBND thành phố tạo điều kiện để được vay vốn ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển thành phố, cũng như việc tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng cho các công trình điện khi đầu tư xây dựng được thuận lợi.

Thanh Ngọc

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps