Hà Nội: Hàng loạt bốt điện thoại bị bỏ quên

11:06 | 12/07/2012

2,262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cách đây 15 năm, ngành viễn thông Hà Nội đã đầu tư xây dựng hàng nghìn “cột” điện thoại thẻ trên địa bàn Thủ đô. Các cột điện thoại này đều được bố trí trên vỉa hè của hầu hết các tuyến phố trung tâm nội thành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các “cột” điện thoại này bị hư hỏng, không sử dụng được và đã trở thành chướng ngại vật cản trở người dân đi bộ trên vỉa hè.

Năm 1997, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho ra đời dịch vụ điện thoại công cộng với những tiện ích như tiện dụng, cước phí thấp…Vào thời điểm những năm 2002-2006, điện thoại thẻ là dịch vụ được khách hàng rất ưa chuộng bởi ưu thế vượt trội của nó. Hệ thống trạm được lắp đặt nhiều, phân bố khắp nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội nên rất tiện cho khách hàng, nhất là khách du lịch, người nước ngoài. Dù được đánh giá là phương thức giao dịch hiện đại song nó cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi cả về phía người sử dụng cũng như lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Giá cước cao, vị trí lắp đặt không hợp lý, trục trặc kĩ thuật ngày càng nhiều của cabin điện thoại thẻ khiến người sử dụng không còn mặn mà với loại dịch vụ này.

Bốt điện thoại tại Bách hóa Thanh Xuân.

Không thể phủ nhận về vai trò lịch sử của điện thoại trẻ công cộng khi nó ra đời. Thế nhưng theo thời gian, điện thoại thẻ dần dần bị người tiêu dùng và cả chính các đơn vị chủ quản lãng quên. Điện thoại di động đã quá phổ biến, ngày càng rẻ cùng với việc SIM điện thoại nhiều và dễ mua, giá cước liên tục được ưu đãi từ các nhà mạng, nhiều khuyến mại… khiến người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng loại dịch vụ này. Thêm vào đó, những cabin điện thoại thẻ bị cơ quan chủ quản “quên” không bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến xuống cấp, gặp trục trặc không còn sử dụng được nữa.

Cơ quan quản lí làm ngơ trước sự hoang tàn của bốt điện thoại 104 Nguyễn Trãi.

Thời điểm này, khi dịch vụ viễn thông ngày càng phát triển, với nhiều loại hình, cách tính cước rẻ, tiện lợi khiến ngay cả điện thoại cố định tại nhà cũng không còn được sử dụng thì các cột điện thoại công cộng dùng thẻ ở nước ta càng trở nên “vô duyên” hơn bao giờ hết. Hơn nữa việc bây giờ đi mua thẻ điện thoại công cộng cũng không dễ, vì hầu như các cửa hàng dịch vụ bưu điện tư nhân đều không bán thẻ.

Trên các tuyến phố nội thành Hà Nội: Bạch Mai, phố Huế, Tràng Thi, Kim Mã, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu…trong những cabin đứng đó, còn có rất ít cabin hoạt động được. Nhiều cabin đã bị đứt dây cáp điện thoại nên nhấc ống nghe lên không có tín hiệu, mà ống nghe thì cũ kĩ, hoen gỉ. Nhiều địa điểm đặt cabin điện thoại giờ đây trở thành là chỗ chứa đồ, nơi tập kết rác. Ở những vị trí đẹp, quanh cột điện thoại người ta xếp đồ, để xe… kín chỗ, nếu khách hàng gọi điện cũng khó chen vào được. Số khác lại trở thành nhà kho của một số hộ dân quanh đó…

Dưới đây là một số hình ảnh PV Petrotimes ghi nhận trên địa bàn Thủ đô:

Buồng điện thoại số 187 Giảng Võ bị tận dụng làm nơi giữ xe, để đồ.

Một buồng điện thoại công cộng bị biến thành “kho” chứa của người dân tại 173 Nguyễn Thái Học…

Trước siêu thị Thể Thao phố Nguyễn Thái Học…

Bác Nguyễn Văn Nam (Thanh Xuân) cho biết: “Tôi thấy tình trạng bốt điện thoại công cộng bị nghiêng ngả, bị biến thành các kho chứa này từ lâu rồi nhưng chẳng thấy ai đến nhắc nhở, xử lý cả. Nếu chúng ta không dùng nữa thì nên bỏ đi chứ cứ để thế này rất mất mĩ quan đô thị”.

Tại buồng điện thoại trước cổng Hội người cao tuổi Hà Nội.

Không chỉ vậy dọc các tuyến đường Thái Thịnh, Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Trãi…chúng tôi còn bắt gặp hàng loạt những bốt điện thoại hoen rỉ, cửa kính bị mất, vỡ, nhiều cái không còn tay cầm, một số buồng điện thoại công cộng còn bị biến thành “nhà vệ sinh” công cộng của nhiều người.

Đủ các loại rác, bụi bẩn bám đầy buồng điên thoại trước số 100 Trần Hưng Đạo.

Cột điện thoại nghiêng ngả tại Bách hóa Thanh Xuân.

Cột điên thoại trước cổng ĐH Bách Khoa.

Trước cửa chợ Thượng Đình – Thanh Xuân.

Trước cổng Viện Khoa học Xã hội, cột điện thoại mất tai nghe, là nơi cất đồ của chủ quán nước.

Cột điện thoại tan hoang tại phố Kim Mã.

Cột điện thoại tại phố Núi Trúc.

Buồng điện thoại siêu vẹo, làm nơi đi tiểu tiện của mấy bác xe ôm tại Bến xe Kim Mã.

Một người dân cho biết: “Bây giờ tôi chẳng thấy ai vào sử dụng hay kiểm tra những cái bốt điện thoại công cộng này mà chỉ thỉnh thoảng thấy có mấy người vào đây để đi tiểu tiện mà thôi. Theo tôi thì nên tháo bỏ nó đi, chứ càng để càng mất mỹ quan đô thị”.

Thiết nghĩ, với tình trạng hiện nay của các cột điện thoại trẻ tại Thủ đô, nên cần có hướng giải quyết sớm về tình trạng nêu trên.

Nguyễn Hoan