Hà Long - Khát vọng đổi đời

07:00 | 31/08/2019

1,260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong khi bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ sắm đủ sách vở, áo quần chuẩn bị bước vào năm học mới thì những đứa trẻ làng chài Hà Long (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đang phải gánh vác bao nỗi lo toan. Gia cảnh khó khăn, chịu không ít thiệt thòi, các em vẫn khát khao con chữ và hướng về tương lai với nhiều hy vọng.

Bao đời cư trú trên những con thuyền lênh đênh, cuộc sống ngày càng thêm nhiều bất trắc, nên gần đây các hộ dân làng chài Hà Long đã lên bờ thuê, mượn đất dựng lều. Những mái lều nhỏ chỉ trên dưới 10m2 bằng tôn được dựng dọc mép sông là nơi tá túc của một gia đình 5-7 người, gồm 2-3 thế hệ. Trong những mái lều tạm bợ ấy, mỗi con người, mỗi thế hệ có một mong ước khác nhau, riêng những đứa trẻ không có niềm mong ước nào hơn là được cắp sách đến trường để tương lai vượt ra khỏi sự quẩn quanh sông nước.

ha long khat vong doi doi
Em Nguyễn Thị Thanh mơ ước trở thành bác sĩ

Ở Hà Long, chúng tôi gặp em Nguyễn Thị Thúy - cô bé mồ côi mẹ, người bố rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”. Vừa xếp gọn tập sách vở, Thúy vừa tâm sự: “Năm nay em và anh trai mỗi người được mua 25 quyển vở. Còn sách giáo khoa đều mua lại của các anh chị lớp trước, hơi cũ một tí nhưng chỉ bằng nửa giá tiền sách mới. Thế mà cả hai anh em vẫn tốn hơn 700 nghìn đồng cho việc mua sắm sách vở”.

Chuẩn bị vào lớp 9, vẻ bề ngoài của Thúy dường như chín chắn hơn bạn bè, lại biết tiết kiệm chi tiêu, chắt chiu từng khoản tiền mua sách vở. Điều ấy bắt nguồn từ những mất mát, thiệt thòi khi người mẹ từ giã cuộc đời khi em chưa tròn 9 tháng tuổi và anh trai là Nguyễn Đình Đức chưa đầy 4 tuổi. Từ đó đến nay, một mình ông Nguyễn Đình Bình - bố của hai em - ngày đêm vật lộn với sông nước mưu sinh, kiếm cái ăn cho hai con nhỏ, dù nỗ lực bao nhiêu cũng không thể bù đắp được hơi ấm của tình mẫu tử.

ha long khat vong doi doi
Em Nguyễn Thị Thúy đã sắm đủ sách vở cho năm học mới

Mẹ mất sớm, thương bố phải xoay xở một mình, anh em Thúy sớm biết lo toan, hằng ngày lên thuyền giúp bố quăng chài, giăng lưới, rồi mang cá, tôm ra chợ bán. Dẫu vậy, hai anh em vẫn không sao nhãng việc học hành, vẫn nuôi ước mơ vượt ra khỏi con thuyền và mái lều chật hẹp. Thúy và Đức đều chăm chỉ học hành, năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến, riêng Thúy năm học vừa rồi đạt học sinh giỏi cấp huyện môn Giáo dục công dân. “Em mơ ước trở thành một luật sư, sau này góp phần bảo vệ lẽ phải” - Thúy nói.

Trên đường, chúng tôi bắt gặp cậu bé Trần Hưng Đạt, gần 9 tuổi, sắp lên lớp 3, nhưng trông nhỏ như mới 4-5 tuổi. Theo Đạt về mái lều chênh vênh bên mép sông, mẹ cậu - chị Nguyễn Thị Lương - cho hay: “Nó là con thứ tư, cũng là út trong nhà, bố nó từng một thời gian dài bị bệnh thần kinh hành hạ, cuộc sống quá khó khăn, vất vả nên hai đứa đầu đã nghỉ học khi hết lớp 5 để kiếm tiền giúp mẹ. Giờ còn thằng Đạt và chị nó đi học, không biết tương lai rồi sẽ thế nào”.

Chị Lương kể thêm, ngày anh trai của Đạt là Trần Hưng Minh nghỉ học, cô giáo chủ nhiệm đến nhà động viên, thuyết phục và hứa sẽ hỗ trợ học phí nhưng Minh vẫn quyết nghỉ. Nay Minh và anh trai đầu là Trần Hưng Thành đang làm công nhân ở miền Nam, hai đứa bảo với mẹ sẽ gửi thêm tiền cho hai em học đến nơi đến chốn, có thêm chữ nghĩa, kiến thức để sau này bớt khổ. Nhờ vậy, Đạt và chị gái là Trần Thị Duyên đã có đủ sách vở, sẵn sàng bước vào năm học mới. Hằng ngày, mẹ lo việc chài lưới và chợ búa, chị em Đạt lo cơm nước, sinh hoạt và bảo ban nhau học hành…

ha long khat vong doi doi
Nhiều hộ xóm Vạn chài Hà Long, xã Thanh Hà (Thanh Chương) xuôi thuyền xuống tạm trú ở xóm Lam Dinh, xã Thanh Giang làm ăn

Hộ khẩu ở xóm Hà Long nhưng em Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 2006) theo bố mẹ xuôi thuyền xuống cư trú bên mép sông thuộc xóm Lam Dinh (Thanh Giang). Trên con thuyền nhỏ chật chội nằm chênh chao giữa dòng sông Lam trong mùa nước lũ, cô nữ sinh lớp 8 kể về gia cảnh của mình: “Từ lúc chào đời đến nay em luôn sinh sống trên thuyền, bố mẹ làm nghề chài lưới, thu nhập bấp bênh, cơm ăn bữa đủ, bữa thiếu. Có lẽ do công việc quá vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bố bị đau dạ dày nặng, mẹ bị thoát vị đĩa đệm, luôn kêu đau lưng. Lâu nay, việc chài lưới bữa được, bữa mất, lại lo tiền thuốc thang cho bố mẹ nên cuộc sống càng khó khăn”.

ha long khat vong doi doi
Vợ mất sớm, anh Nguyễn Đình Bình (bố của Thúy) sống cảnh “gà trống nuôi con”

Nói rồi, Thanh tiến lại nơi góc thuyền, mở chiếc rương nhỏ và lấy ra một tập sách vở đã được bọc giấy bóng và dán nhãn ghi tên đầy đủ. Em cho hay, hiện tại sách vở đã đầy đủ, vở mẹ mới mua, còn sách giáo khoa dùng lại của chị gái. Năm trước, chị gái cũng dùng sách cũ nên bây giờ một số cuốn đã bị bong, nhiều trang đã nát, bố mẹ không có điều kiện mua sách mới đành chịu khó dùng tạm và sẽ cố gắng giữ gìn. Chị gái của Thanh nghỉ học khi vừa hết lớp 9, hiện đã vào làm việc ở miền Nam, hứa sẽ gửi áo quần mới về để Thanh đi học. Năm học vừa qua, Thanh được một tổ chức từ thiện tặng chiếc xe đạp, được nhà trường tặng áo quần, giảm một phần học phí và được xã hỗ trợ tiền, gạo nên cũng bớt được phần nào khó khăn. “Chứng kiến cảnh bố mẹ đau đớn, có lúc nằm quằn quại, em mơ ước học thật giỏi, mai sau làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố mẹ và những người nghèo khó. Nhưng gia đình khó khăn, không biết rồi sẽ thế nào” - Thanh bộc bạch.

ha long khat vong doi doi
Mưu sinh vất vả, cư dân làng chài Hà Long gặp nhiều khó khăn trong việc tạo điều kiện cho con em đến trường

Ông Phan Văn Lân - Chủ tịch UBND xã Thanh Hà - cho biết: “Làng chài Hà Long hiện có 60 hộ dân, 275 khẩu, có 23 em đang theo học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Thanh Hà thuộc diện xã nghèo, hằng tháng các em học sinh được Nhà nước hỗ trợ tiền và gạo nên các gia đình ở đây cũng bớt đi phần nào khó khăn”.

Rời làng chài Hà Long, hình ảnh những con thuyền chênh chao giữa mùa nước lũ và những mái lều bằng tôn nằm cạnh mép sông vẫn đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Và nữa, những ánh mắt trẻ thơ lấp lánh niềm vui và tràn đầy khát vọng khi năm học mới bắt đầu khiến lòng chúng tôi thêm ấm áp.

Những mái lều nhỏ bé chỉ trên dưới 10m2 bằng tôn được dựng dọc mép sông là nơi tá túc của một gia đình 5-7 người, gồm 2-3 thế hệ. Trong những mái lều tạm bợ ấy, những đứa trẻ không có niềm mong ước nào hơn là được cắp sách đến trường để tương lai vượt ra khỏi sự quẩn quanh sông nước.

Trần Kiên - Diệp Phương